Lựa chọn sự tử tế
Sáng 7/5, anh Nguyễn Văn Dương trong khi chở mẹ đi giao gia cầm đoạn qua hầm chui Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê (Đà Nẵng), đã làm rơi chiếc ví chứa 10 triệu đồng. Hàng trăm tờ tiền nhiều mệnh giá bung khỏi ví, bay tung tóe trên đường, giữa dòng xe cộ hối hả đi làm buổi sáng. Trái với nỗi sợ hãi bị "hôi của" của anh Dương, người đi đường đã dừng lại, nhặt từng đồng và trao lại đủ cho anh. Một số người còn ra hiệu cho các phương tiện khác nhường đường để giúp anh nhặt được tiền dễ dàng hơn.
Một sự việc khác đang được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Đó là chuyện về chiếc xe ô tô dừng đèn đỏ đã không chịu nhường đường cho xe cứu thương hú còi phía sau, diễn ra tại Hà Nội. Sự việc không chỉ gây ra tranh cãi về tình huống pháp lý, nhiều người còn đặt câu hỏi vì sao chủ xe không lựa chọn ngay việc nhường đường cho xe cứu thương, bởi vì đó là một việc tốt và cần thiết cho sức khỏe, tính mạng người khác.
Cuộc sống nhiều khi đặt con người trước những tình huống phải quyết định "mình nên làm gì?". Sự lựa chọn không phải bao giờ cũng dễ dàng, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được tình huống và sự cân não - phải đưa ra quyết định trong thời gian chớp nhoáng.
Tôi cũng từng trong hoàn cảnh như vậy. Năm ngoái khi dịch Covid-19 ở Nghệ An đang diễn ra phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao, tôi tình cờ chứng kiến vụ tai nạn mà nạn nhân là một người phụ nữ đã bất tỉnh. Mọi người đứng xung quanh rất nhiều nhưng không ai lại gần giúp đỡ chị, tôi cũng vậy, chần chừ vì lo rằng có thể lây nhiễm Covid-19. Lúc đó một người đàn ông luống tuổi có mặt ở hiện trường nói như quát "hãy cứu người". Tôi như sực tỉnh, vội lại gần nạn nhân và thực hành sơ cứu ấn lồng ngực theo hướng dẫn của người đàn ông này. Sau khi xe cứu thương đến, người phụ nữ được đưa đến bệnh viện, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Kể lại câu chuyện của mình, tôi muốn chia sẻ rằng, nhiều khi đằng sau một sự lựa chọn là khoảnh khắc vượt qua chính bản thân mình.
Trở lại với hành động giúp đỡ người đi đường, nhặt của rơi trả lại người đánh mất tại Đà Nẵng, tưởng như một điều bình thường lại nhận được "cơn bão" lời khen từ cộng đồng mạng?. Phải chăng, những điều tử tế ngày càng hiếm hoi trong cuộc sống, để một điều bình thường cũng trở nên phi thường?.
Nhớ lại bài học vỡ lòng mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng được dạy, đó là biết cảm ơn, biết xin lỗi, biết giúp đỡ người khác, và rằng "nhặt được của rơi trả người đánh mất". Thế nhưng khi lớn lên, những bài học đó nhiều khi bị… quên lãng vì cuộc sống mưu sinh nặng nhọc, vì cơm gạo áo tiền.
Tôi hiểu nỗi lo lắng của chàng trai Nguyễn Văn Dương khi hốt hoảng kêu lên "mọi người ơi, nhà em nghèo lắm, em làm ăn vất vả lắm. Mọi người đừng lấy của em". Nỗi lo lắng của Dương là thật, bởi đã có những vụ "hôi của" xảy ra trong tiếng van xin bất lực của chủ nhân. Phải chăng, người ta ngày càng có ít lòng tin vào sự tử tế và lòng hào hiệp của người đời?. Và bởi vậy, những tấm gương "nhặt được của rơi tìm người trả lại" được tuyên dương, ca ngợi dù hành động đó là lẽ - thường - tình?.
Những tình huống trong cuộc sống là đa dạng và phức tạp, nhưng trong khả năng của mình, chúng ta luôn có thể lựa chọn sự tử tế. Một vụ tai nạn giao thông xảy ra, có người vì ngại bị liên lụy mà phóng xe qua. Có người sẽ dừng lại, ít nhất là gọi một cú điện thoại cho xe cấp cứu để kịp thời đưa người bị nạn đến bệnh viện.
Tôi vui niềm vui của chàng trai Nguyễn Văn Dương, bởi không chỉ anh nhận lại đủ số tiền đánh rơi không thiếu một đồng, và bởi, điều đáng trân quý hơn là lòng tốt và sự tử tế anh nhận được từ những người không quen biết. Sự giúp đỡ vô tư đó đã nhen lên niềm tin về sự tử tế, thiện lương không chỉ trong lòng chàng trai mưu sinh bằng nghề giao gà kia. Tôi tin là như thế!.