Dẹp loạn "thần y online"
Biết tôi đau mỏi vai gáy, chị người quen khuyên mua viên xương khớp của một thương hiệu đang được quảng cáo rầm rộ trên Facebook. Chị này cho hay đã mua và "dùng thấy ổn". Bán tín bán nghi, tôi tìm kiếm thông tin trên Internet về loại sản phẩm này và té ngửa bởi những lời quảng cáo công dụng ngang với thần dược, có thể giải quyết tất tần tật vấn đề xương khớp từ đầu đến chân và cam đoan chậm nhất 2 tháng sau sẽ khỏi dù bệnh nặng đến cỡ nào.
Tìm hiểu mới thấy, không chỉ loại thuốc trị xương khớp nói trên, mà nhiều loại thuốc gia truyền và thuốc được cho là có thể chữa bách bệnh, có những loại cam kết "khỏi 100%"..., xuất hiện nhan nhản trên Facebook, Youtube. Nhiều loại giá không hề rẻ.
Bác sĩ Hoàng Cảnh Tùng - Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An, cho rằng mỗi loại thuốc có thành phần, tác dụng như thế nào thì cần phải có cơ quan chuyên môn kiểm định. Trong y học cổ truyền cũng như y học hiện đại, việc điều trị bệnh thường phải trải qua quá trình chứ không có loại thuốc nào "chỉ một liều chữa dứt điểm".
"Ở đây chúng ta không đề cập đến thuốc chữa bệnh được cấp phép và lưu hành đúng quy định. Với những loại thuốc không rõ nguồn gốc, chạy quảng cáo trên mạng để bán hàng thì không loại trừ một loại thuốc nào đó đã được pha trộn thêm corticoid với tỉ lệ cao. Đây là chất có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, do đó giúp giảm đau nhanh các triệu chứng, khiến người dùng nhầm tưởng về công dụng thần kỳ của thuốc", bác sĩ Tùng nói.
Ông Tùng khuyến cáo, việc sử dụng thuốc có thành phần corticoid không theo chỉ định của bác sĩ sẽ dễ dẫn tới kháng thuốc, khó khăn cho những lần điều trị về sau.
Theo quy định tại Luật Dược, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã/phường; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Như vậy Luật không quy định về phương thức "bán thuốc online". Cùng với đó, người phụ trách chuyên môn của các cơ sở kinh doanh thuốc phải được cấp chứng chỉ hành nghề dược, có trình độ tối thiểu từ trung cấp trở lên.
Quy định là như thế nhưng thời gian gần đây, hoạt động kê đơn, bán thuốc online diễn ra rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều chợ thuốc online cứ như ma trận với những quảng cáo "nổ tung trời". Người bán thuốc được giới thiệu là lương y, thậm chí là bác sĩ các bệnh viện lớn, nhưng thực tế người dùng mạng xã hội không thể kiểm chứng năng lực, trình độ thực sự của các lương y, bác sĩ này. Chưa kể, những video quảng cáo có sự tham gia của người nổi tiếng hay các clip xuất hiện "bệnh nhân dùng thuốc và đã khỏi" khiến không ít người dân tin tưởng vào chất lượng mặt hàng được quảng cáo.
Tâm lý không ít người "có bệnh thì vái tứ phương", hơn nữa mua thuốc online khá thuận tiện, không cần đến bệnh viện khám sức khỏe, xét nghiệm mà cứ thấy quảng cáo liên quan đến triệu chứng mình mắc phải là mua. Người dân chỉ cần xem quảng cáo và nhắn tin qua Facebook, lập tức sẽ được các tư vấn viên online hồi đáp, hướng dẫn nhiệt tình, rồi ngồi nhà chờ thuốc gửi tới tận tay. Với quan niệm thuốc càng đắt thì chứng tỏ càng tốt, nên nhiều người không tiếc tiền cho những lọ thuốc chẳng rõ thành phần, đã được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành hay chưa. Cứ như vậy, các "thần y online" thu bộn tiền và sống khỏe, còn người bệnh thì mất tiền và dùng thuốc "bằng niềm tin".
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế có quyết định xử phạt 5 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh dược. Trong đó, có tới 4 cơ sở bị xử phạt vì hành vi quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, bao gồm công ty chuyên bán loại thuốc điều trị xương khớp mà tôi được khuyên dùng. Một điều lạ là cơ sở bán loại thuốc trị xương khớp này đã "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội thời gian dài, nhưng đến nay khi có dư luận thì mới bị kiểm tra, xử phạt (?).
Thuốc là mặt hàng đặc biệt, việc tự ý mua - bán có thể gây ra những hệ lụy xấu đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người. Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, có hiệu quả, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) từng khuyến cáo người dân không mua các thuốc không rõ nguồn gốc (không được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam) trên thị trường cũng như trên mạng để điều trị. Đối với thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng theo sự kê đơn, hướng dẫn của thầy thuốc.
Bên cạnh thông tin cảnh báo để nâng cao ý thức của người bệnh, các cơ quan quản lý cần sớm rà soát, dẹp các "chợ thuốc mạng" trái phép và xử lý mạnh tay đối với những "thần y online" tự xưng. Thiết nghĩ các hoạt động trái phép trong lĩnh vực dược kể trên đều để lại địa chỉ, số điện thoại rõ ràng, nên không quá khó để lực lượng chức năng tiếp cận và xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.