Quảng cáo thuốc "bệnh gì cũng khỏi": "Người bệnh may mắn" có bị xử lý?
(Dân trí) - Nhiều người mua phải thuốc rởm quảng cáo trên mạng đã phải nhập viện, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Dưới góc độ pháp lý, người bán và diễn viên đóng vai người bệnh có phải chịu trách nhiệm?
Liên quan đến tình trạng những video quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội với những diễn viên đóng vai "người bệnh may mắn", "bệnh gì uống thuốc cũng khỏi", dư luận băn khoăn, những người có hành vi quảng cáo thuốc sai sự thật và cả những diễn viên chuyên đóng vai người bệnh khoe đã khỏi nhờ uống thuốc, có phải chịu trách nhiệm pháp lý?
Theo Luật sư Mạnh Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Á Châu, quy định của pháp luật về xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo nêu rõ, việc doanh nghiệp thuê diễn viên đóng vai người mắc đủ loại bệnh và được chữa khỏi nhờ thực phẩm chức năng, đây là một hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo sai sự thật. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 của Chính Phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Cụ thể, hành vi nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh đã vi phạm vào điểm c, Khoản 4, Điều 52 Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm
"Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh".
Về hình phạt bổ sung, luật sư Mạnh Xuân Sơn cho rằng, theo quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 52 Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 3-5 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20-24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng".
Về Biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra, luật sư Sơn dẫn chứng, theo quy định tại điểm a, b, c, Khoản 6, Điều 52 Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm:
a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;
b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;
c) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Cũng theo luật sư Sơn, đối với hành vi quảng cáo gian dối mà gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "quảng cáo gian dối" được quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Đáng chú ý, theo luật sư, các cá nhân là diễn viên đóng thế và các tổ chức liên quan cũng bị xử lý theo trách nhiệm. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 11, Luật Quảng cáo năm 2012 được sửa đổi bổ sung 2018, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
"Như vậy căn cứ vào các quy định của pháp luật, các diễn viên có hành vi đóng thế người bệnh mô tả thực phẩm có chức năng chữa bệnh, các tổ chức có liên quan đến hành vi vi phạm về quảng cáo đều sẽ bị xử phạt theo quy định như đã viện dẫn ở trên", luật sư Sơn khẳng định.