Tâm điểm
Bích Diệp

Chứng khoán và nỗi đau "3 chữ cái"

Sáng hôm qua, một người bạn nhắn tin cho tôi, tâm sự đã thua lỗ 5 tỷ đồng trên số vốn 10 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán, mức lỗ tương ứng 50% giá trị danh mục. Bạn nói với tôi rằng, phải cắn răng chấp nhận cắt lỗ một số mã cổ phiếu dù thị trường đang có dấu hiệu tạo đáy, bởi những mã đó theo lời bạn là "hàng lái", còn lãnh đạo doanh nghiệp thì vừa vướng vòng lao lý.

Bạn tôi tham gia chứng khoán vào khoảng hơn một năm về trước, cũng là một trong những giai đoạn sôi động nhất của thị trường. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), năm 2021, cả nước có 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản được mở mới trong giai đoạn 2017 - 2020 cộng lại (tổng 4 năm mới đạt 1,04 triệu tài khoản mới).

Cũng trong năm 2021, VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng 36%. Nhiều người "chơi" hồ hởi khoe lãi lớn, đặc biệt là những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường từ cuối tháng 7/2021. Vào một số thời điểm, hễ lên mạng xã hội và vào các hội nhóm đầu tư đều thấy người người, nhà nhà khoe ảnh chụp màn hình tài khoản cho thấy tài sản tăng mạnh.

Trong lực lượng F0 (thuật ngữ dành để chỉ những nhà đầu tư mới) ngoài bộ phận người trẻ tuổi, sinh viên hay nhân viên văn phòng, còn có không ít chủ doanh nghiệp tư nhân, những đại gia với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tuy vậy, quy mô vốn không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với tính hiệu quả. Ngay cả với những người "ôm" rất nhiều tiền vào thị trường, họ vẫn mang tâm lý đầu cơ nhiều hơn là đầu tư, thích lướt lát hơn là tìm hiểu, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Tôi chứng kiến nhiều người bỏ hàng tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục để mua hàng trăm nghìn cổ phiếu penny và đúng là có những giai đoạn họ thắng lớn. Tuy nhiên, 9 trận thắng như thế đều có thể mất sạch sẽ chỉ trong một trận thua khi số vốn bỏ vào đợt sau càng ngày càng lớn.

Nguyên nhân nhiều người bỏ vốn vào những cổ phiếu thiếu cơ bản, mang tính đầu cơ cao chủ yếu do được "phím" và kỳ vọng thu lãi nhanh. Tôi không nói hành động "phím hàng" nào cũng đều có động cơ, mục đích xấu, có khi đơn thuần đó chỉ là sự chia sẻ kèm theo phân tích cụ thể về kỹ thuật và các yếu tố cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hoạt động "phím hàng" theo hướng "lùa gà" nhà đầu tư. Trường hợp người bạn mà tôi nhắc đến ở trên được "phím" bởi chính lãnh đạo doanh nghiệp.

Lại cũng có những nhà đầu tư rất "lười nghĩ", ngay sau khi xin "3 chữ cái" nghe qua dường như "có triển vọng", họ lập tức xuống tiền, mất không đến vài phút suy nghĩ - thậm chí có người còn chưa kịp nhớ tên doanh nghiệp là gì. Có lẽ, người chơi đặt niềm tin quá lớn vào người "phím", nói đúng hơn là họ quá tin vào sự đi lên của thị trường.

Sau những đợt tăng mạnh là những nhịp điều chỉnh. Với chuỗi giao dịch "rơi" tới 150 điểm của VN-Index như hiện tại, tôi không còn thấy nhiều người khoe lãi, hầu hết nhà đầu tư thua lỗ. Có điều, vẫn có những người lựa chọn "gồng lỗ" hoặc gom mua dần cổ phiếu "rẻ" do hiểu rõ về doanh nghiệp và có định giá cụ thể với cổ phiếu, đồng thời, cũng có những người mơ hồ về kết quả và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, hoang mang tột độ vì mỗi một phiên cổ phiếu giảm là lại chứng kiến tài sản bốc hơi chóng vánh.

Bao nhiêu người từng "mua đuổi" cổ phiếu như TGG, BII sau khi cổ phiếu đã tăng trần liên tục nhiều phiên? Và cũng biết bao nhiêu người tin rằng các cổ phiếu bất động sản từ mức giá "bó hành", "mớ rau" lại có thể sẽ tăng lên 100.000 đồng, 200.000 đồng như quả quyết chắc nịch của ai đó? Tất nhiên mỗi người sẽ có định giá riêng của họ với doanh nghiệp, song cần phải có cơ sở chứ không thể phán bừa, bơm thổi.

Điều tệ hại hơn nữa với nhà đầu tư chính là sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ vay cao (thậm chí là vay ở các "kho ngoài") để mua cổ phiếu đầu cơ với khối lượng lớn. Khi thị trường đột ngột lao dốc, hoạt động bán giải chấp bị kích hoạt, nhà đầu tư nào có tỷ lệ vay lớn sẽ "cháy" tài khoản rất nhanh. So với việc vay tín dụng đen để bỏ vào cờ bạc, tình huống này không khác là bao.

Rơi vào thua lỗ, ai đó có thể đổ lỗi cho rất nhiều yếu tố khách quan, rằng thị trường chưa minh bạch hay bị thao túng bởi các đội lái... Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải tự kiểm điểm trước hết, xem lý do vì sao mình mua cổ phiếu và vì sao thua lỗ?

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp có lần chia sẻ với tôi rằng, đầu tư chứng khoán chưa bao giờ là công việc dễ dàng, mức lợi nhuận bình quân hàng năm mà những nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá thành công chỉ khoảng 18-20%, trong khi đó, ai tham gia thị trường cũng nuôi tham vọng "ăn bằng lần".

"Sau cơn mưa trời lại sáng", thị trường điều chỉnh mạnh sau một thời gian tăng nóng và như rất nhiều lần khác trước đó, sẽ đến lúc thị trường tìm được điểm cân bằng để tiếp tục cho chu kỳ đi lên trong dài hạn, điều quan trọng là chúng ta sẽ rút ra được những bài học, những kinh nghiệm gì nhằm cải thiện hiệu suất đầu tư, hay chấp nhận thua lỗ và rời bỏ?