Tháng đen đủi của giới đầu tư chứng khoán, vẫn có mã "x3"

Mai Chi

(Dân trí) - Trùng với tháng cuối cùng của năm Tân Sửu, thị trường chứng khoán có tháng khởi đầu năm 2022 không thuận lợi.

Chỉ số chính VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1 tại 1.478,96 điểm. Xét về sự thay đổi về điểm số so với cuối năm 2021, VN-Index chỉ giảm 1,3%, tuy nhiên, trên thực tế, thị trường đã có những biến động rất mạnh mẽ và dữ dội, vùi dập tài khoản nhà đầu tư khiến nhiều người "mất Tết" do thua lỗ nặng nề.

Có thể hình dung rõ hơn điều này khi nhìn vào thay đổi trên sàn Hà Nội. HNX-Index giảm đến 12,1% xuống 416,73 điểm; UPCoM-Index giảm 2,7% xuống 109,69 điểm. 

Tháng đen đủi của giới đầu tư chứng khoán, vẫn có mã x3 - 1

VN-Index biến động mạnh với những đợt sụt điểm sâu trong tháng 1, nhiều nhà đầu tư "cháy" tài khoản (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, do tâm lý nghỉ Tết sớm nên thanh khoản thị trường đi xuống trong tháng đầu tiên của năm 2022. Tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 24.927 tỷ đồng/phiên, giảm 13,2% so với tháng trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm gần 10% xuống còn 23.184 tỷ đồng.

Nền thanh khoản thấp trong bối cảnh dòng tiền có xu hướng phòng thủ trước kỳ nghỉ lễ dài ngày nên các chỉ số thiếu lực đỡ. Bên cạnh đó, với những sự kiện không như mong muốn xảy ra đã khiến nhà đầu tư ưu tiên giữ tiền mặt và cơ cấu tài khoản thay vì mua mới cổ phiếu.

Dòng tiền chủ yếu chảy vào cổ phiếu ngân hàng (vốn là nhóm ngành đã đi ngang trong suốt nửa năm qua), đây cũng là nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số VN30-Index. Do vậy, cổ phiếu ngân hàng tăng đã hỗ trợ đáng kể cho chỉ số, song toàn thị trường có tới 999 mã giảm giá so với 431 mã tăng.

Trong top cổ phiếu tăng giá có sự xuất hiện của nhiều mã trong lĩnh vực ngân hàng như BID tăng 29,25% từ 37.100 đồng (phiên 31/12/2021) lên 47.950 đồng (phiên 28/1); MBB tăng 16,61%; VCB tăng 12,94%; STB tăng 12,86%; EIB tăng 11,13%; CTG tăng 8,85%; TCB tăng 5,6%; VPB tăng 2,37%...

Do biên độ dao động trên sàn HNX và UPCoM rộng hơn (xấp xỉ 10% và 15%) nên trong đà tăng giá mạnh thì những mã cổ phiếu giao dịch trên các sàn này sẽ hưởng lợi nhất.

Trong tháng 1, VLA  của Công ty Công nghệ Văn Lang (niêm yết trên HNX) là mã cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất, tăng 212,63% lên 89.100 đồng (phiên 28/1); EIC của Bản đồ và tranh ảnh GD tăng 133,93% lên mức giá 39.300 đồng; VUA của Chứng khoán Stanley Brothers tăng 110,19% lên xấp xỉ 40.000 đồng; BIG của BIG Invest Group tăng 100,71% lên 21.900 đồng; BSH của Bia Sài Gòn - Hà Nội tăng 100% lên 46.000 đồng. Tuy nhiên, những mã tăng giá mạnh lại có thanh khoản khiêm tốn, do đó, không nhiều nhà đầu tư hưởng lợi từ đà tăng phi mã của nhóm này.

Chiều ngược lại, sự "đổ vỡ" của dòng cổ phiếu đầu cơ đã kéo theo rất nhiều cổ phiếu trên thị trường bị "vạ lây". Trong dòng đầu cơ, phần lớn lại nằm trong ngành bất động sản.

Cổ phiếu bất động sản giảm mạnh chủ yếu do hai sự kiện: Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc và xử phạt ông Trịnh Văn Quyết liên quan đến hành vi "bán chui" cổ phiếu FLC.

Có những mã cổ phiếu bị mất thanh khoản nhiều phiên liên tục khiến nhà đầu tư thiệt hại rất nặng nề. ROS giảm tới 47,87%; ART giảm 38,65%; FLC giảm 38,33%.

Những mã có mức giảm mạnh là IHK giảm 71,28%; SQC giảm 67,13%; LCM giảm 57,15%; NJC giảm 46,75%; PFL giảm 45,28%; PIS giảm 42,71%; HAR giảm 42,25%.

CII của Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM là một trong những mã từng hưởng lợi lớn nhất nhờ vụ đấu giá với giá "trên trời" của Tân Hoàng Minh, nhưng khi tin xin bỏ cọc xuất hiện thì đây lại là một trong mã bị bán mạnh nhất. Trong tháng 1, CII mất gần 40% giá trị và mất đến gần 52% so với mức đỉnh giá.