1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chuỗi bán khiến VN-Index rơi gần 120 điểm, tài sản đại gia biến động sao?

Mai Chi

(Dân trí) - Chỉ tính riêng trong 2 phiên đầu tuần, chỉ số đại diện sàn HoSE đã giảm 52,11 điểm và giá trị vốn hóa "bốc hơi" 206.512 tỷ đồng (hơn 9 tỷ USD).

Trong phiên giao dịch ngày 19/3, kịch bản tồi tệ nhất đã xảy ra với VN-Index khi chỉ số này lao dốc cuối phiên, xuyên thủng cả đường trung bình 200 phiên (MA200). Lần gần nhất chỉ số này đánh mất ngưỡng MA200 là cuối tháng 1/2020.

Chuỗi bán khiến VN-Index rơi gần 120 điểm, tài sản đại gia biến động sao? - 1

VN-Index giảm liên tục từ đầu tháng 4, những cổ phiếu thiệt hại nặng nhất nằm trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ (Ảnh chụp màn hình).

VN-Index đóng cửa tại mức thấp nhất phiên là 1.406,45 điểm, ghi nhận mức giảm sâu 26,15 điểm, tương ứng 1,83%; trong khi đó VN30-Index cũng đánh mất 27,64 điểm tương ứng 1,88% còn 1.440,61 điểm. HNX-Index giảm 10,42 điểm tương ứng 2,59% còn 392,69 điểm và UPCoM-Index giảm 1,89 điểm tương ứng 1,72% còn 108,32 điểm.

Nhà đầu tư tiếp tục thiệt hại nặng nề với 760 mã giảm trên toàn thị trường và có đến 164 mã giảm sàn.

"Tội đồ" lớn nhất đối với VN-Index ở phiên hôm qua chính là GVR khi mã này lấy đi của chỉ số tới 1,83 điểm. MSN, TCB tác động khiến VN-Index giảm hơn 1 điểm mỗi mã, còn VHM, VPB, MBB - mỗi mã cũng lấy đi của chỉ số xấp xỉ 1 điểm.

Hôm qua, GVR quay đầu giảm 4,89% sau chuỗi tăng liên tục; MSN giảm 2,8%; TCB giảm 2,6%; VHM giảm 1,3%; VPB giảm 2,3% và MBB giảm 3,3%. Như vậy, thiệt hại của thị trường tuy có yếu tố bất lợi đến từ nhóm vốn hóa lớn, song mức giảm mạnh lại nằm ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa.

Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán MB (MBS), thị trường đã giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp, đây cũng là chuỗi giảm dài thứ hai kể từ đầu năm nhưng mức độ khốc liệt hơn khi chỉ số VN-Index xuyên thủng cả ngưỡng MA200.

Tính riêng trong 2 phiên đầu tuần, chỉ số đại diện sàn HoSE đã giảm 52,11 điểm và giá trị vốn hóa sàn HoSE giảm 206.512 tỷ đồng (hơn 9 tỷ USD).

Đáng chú ý, trên sàn HoSE có tới 98 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn sang phiên thứ 2 liên tiếp, mức giảm mạnh vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Nếu thống kê từ thời điểm phiên 4/4 tới nay, VN-Index đã giảm tổng cộng 118,25 điểm (theo giá đóng cửa) và giá trị vốn hóa sàn HoSE cũng đã giảm 461.222 tỷ đồng (xấp xỉ 20,3 tỷ USD). Còn nếu tính trong 4 phiên giảm liên tục từ ngày 14/4 thì VN-Index giảm gần 71 điểm; vốn hóa thị trường "mất" 279.781 tỷ đồng.

Tình trạng giảm của thị trường không chỉ tác động tiêu cực đến tài khoản mỗi nhà đầu tư mà còn khiến giá trị tài sản các đại gia chứng khoán bị hao hụt đáng kể.

Cụ thể, cổ phiếu VIC của Vingroup có 4 phiên giảm liên tục với tổng mức giảm 3.400 đồng/cổ phiếu và theo đó, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - bị giảm 7.330 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nếu so với cả trăm mã giảm sàn trên thị trường thì mức thiệt hại với VIC trong 4 phiên vừa rồi tương đối nhẹ nhàng.

Trong khi đó, HPG thậm chí phiên hôm qua còn đi ngược dòng, tăng 1,52% lên 43.300 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, tính chung 4 phiên, mã này vẫn giảm 1.900 đồng và tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát - giảm 2.216 tỷ đồng.

MSN của "ông hoàng" ngành tiêu dùng Masan Group tương tự cũng có 4 phiên giảm liên tục nhưng mức giảm không sâu. Tổng cộng 4 phiên này, MSN giảm 6.400 đồng xuống mức 120.500 đồng/cổ phiếu.

Trong khi ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - người đang sở hữu khoảng 300,9 triệu cổ phiếu MSN thiệt hại 1.926 tỷ đồng thì phần thiệt hại của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group vào khoảng 1.964 tỷ đồng.