DNews

Thành bại của khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ Phố Đông của Thượng Hải

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Khu đô thị mới Thủ Thiêm được cho là phát triển chưa xứng tầm sau gần 30 năm quy hoạch. Chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi mạnh mẽ để biến các tiềm năng thành giá trị thực tế phục vụ tăng trưởng.

Thành bại của khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ Phố Đông của Thượng Hải

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được phê duyệt quy hoạch gần 30 năm nay, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, thuộc các phường của Bình Khánh (TP Thủ Đức). Khi quy hoạch, vùng này được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế.

Sau mấy chục năm, hình hài khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hiện rõ một phần, với khu đô thị Sala, các dự án nhà cao tầng cùng 2 cây cầu, 1 hầm vượt sông và một số tuyến đường lớn. Tuy nhiên, sự phát triển của khu đô thị mới Thủ Thiêm sau 30 năm đã xứng tầm hay chưa?

Thành bại của khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ Phố Đông của Thượng Hải - 1

Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau gần 30 năm quy hoạch có một số tuyến giao thông cơ bản, các tòa nhà cao tầng và khu đô thị (Ảnh: Hải Long).

30 năm cho sự phát triển có phần khiêm tốn

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói với phóng viên Dân trí rằng muốn biết Thủ Thiêm được quy hoạch và thực hiện nhanh hay chậm thì so sánh với Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc). Phố Đông lớn hơn Thủ Thiêm nhiều lần về diện tích nhưng thực tế 2 thành phố có nhiều điểm tương đồng.

TPHCM có con sông Sài Gòn. Thượng Hải có sông Hoàng Phố. Thủ Thiêm đối diện Trung tâm quận 1, quận 3 của TPHCM; bên Thượng Hải là các khu tô giới lịch sử phát triển lâu đời. Hai khu vực cùng làm đô thị mới bên này sông, bên kia sông là thành phố hiện hữu cần chỉnh trang, phát triển.

Dù giống nhau về nhiều mặt nhưng Phố Đông (Thượng Hải) từ lúc xác định xóa sổ trắng, giải tỏa làm quy hoạch đến xây dựng chỉ mất 15 năm để thành hình với các khu kinh tế tài chính, nhà cao tầng. Sau này, khu vực đó có thêm một số tòa nhà khác.

Còn Thủ Thiêm, sau gần 30 năm mới chỉ có vài cung đường, vài tòa nhà, chưa rõ hình hài của một trung tâm tài chính, thương mại như kỳ vọng quy hoạch ban đầu. "Thủ Thiêm chưa học được bài học từ Thượng Hải. 2 dự án quá giống nhau, nếu người ta đã làm rất tốt thì mình nên học hỏi. Bây giờ học vẫn chưa muộn", ông Sơn nói.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group, cũng đưa ra một so sánh tương tự. Cùng thời điểm có chủ trương quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào những năm đầu thập niên 90 với xuất phát điểm khá tương đồng nhưng đến nay một số khu vực đã phát triển mạnh mẽ.

Phố Đông (Thượng Hải) đã trở thành một trung tâm kinh tế của Trung Quốc, thuộc top 10 thành phố sầm uất nhất thế giới. Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM) từ một khu đầm lầy hoang vu khu vực Nam Sài Gòn đã chuyển mình trở thành một khu đô thị kiểu mẫu bậc nhất của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

So với 2 khu đô thị trên, tốc độ phát triển tại Thủ Thiêm vẫn khá khiêm tốn, chưa đạt được như kỳ vọng đặt ra. Ông Thắng chỉ ra phần lớn nguyên nhân đến từ những vướng mắc còn tồn đọng trong việc điều chỉnh quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi quỹ đất cho việc phát triển một khu đô thị bài bản.

Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, Thủ Thiêm có những bước đột phá về quy hoạch, hạ tầng cũng như về mặt thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhờ đó đẩy nhanh tốc độ tạo thị, góp phần cho Thủ Thiêm chuyển mình thay đổi diện mạo.

Thành bại của khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ Phố Đông của Thượng Hải - 2

Khu đô thị mới Thủ Thiêm có nhiều điểm tương đồng với khu phố Đông của Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Hải Long).

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng đồng tình rằng sự phát triển của Thủ Thiêm cần có thời gian. Gần 30 năm qua, Thủ Thiêm đã có được hình hài cơ bản nhưng còn nhiều điều chưa thực hiện được. Đánh giá sự nhanh - chậm trong sự phát triển của Thủ Thiêm cần nhìn vào cơ chế, năng lực triển khai và nguồn lực tài chính thực hiện.

Thủ Thiêm cần làm gì?

 Ông Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra muốn phát triển xứng tầm, Thủ Thiêm cần học hỏi thêm các bài học của Phố Đông (Thượng Hải). Trước đây, Thượng Hải cũng có hàng chục bản quy hoạch Phố Đông. Cách đặt vấn đề ban đầu chỉ là quy hoạch Phố Đông, sau đó mới thay đổi là quy hoạch 2 bên bờ sông cùng một lúc.

Thành bại của khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ Phố Đông của Thượng Hải - 3

Sự phát triển của Thủ Thiêm được đánh giá chưa xứng tầm (Ảnh: Hải Long).

Ông Sơn chỉ ra bài học đầu tiên từ Phố Đông (Thượng Hải) là Thủ Thiêm đang đi vào "vết xe đổ" của họ, tức là tách quy hoạch 2 bên bờ sông nhưng thực ra phải làm đồng thời. Bây giờ Thủ Thiêm vẫn có thể làm lại và làm vẫn kịp vì quy hoạch đã được vẽ quá 5 năm.

Thứ hai, Phố Đông (Thượng Hải) có cơ chế "thành phố phó tỉnh", tức người chịu trách nhiệm cho sự phát triển của Phố Đông có quyền hạn ngang phó chủ tịch UBND thành phố Thượng Hải, có quyền điều hành các sở. Thủ Thiêm hiện tại vẫn trong TP Thủ Đức, còn chủ tịch TP Thủ Đức thì chỉ có quyền hạn ngang chủ tịch quận 1, quận 3.

Thứ ba là cơ chế. Trung ương rót vốn mạnh cho khu Phố Đông (Thượng Hải), thu hút đầu tư làm metro, sân bay. Họ coi đây là điểm nhấn phát triển kinh tế, sau này chứng minh sự phát triển này tốt cho cả Thượng Hải và Trung Quốc. Thủ Thiêm hiện tại không được cơ chế như vậy.

Một điểm mấu chốt khác ông Nam Sơn nêu ra là cơ chế quản lý theo kinh tế thị trường. Phố Đông (Thượng Hải) có các chính sách đầu tư hiệu quả, thủ tục nhanh, thu hút được các định chế tài chính. Thủ Thiêm thì chưa làm được, hiện tại hầu hết là nhà ở và các chủ đầu tư không đầu tư hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công viên…). Sau này gánh nặng đó chính là dồn lên vai Nhà nước.

Thành bại của khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ Phố Đông của Thượng Hải - 4

Hạ tầng kết nối Thủ Thiêm với các quận lân cận, theo chuyên gia, còn hạn chế (Ảnh: Hải Long).

Kết nối bờ Đông và Tây của Thủ Thiêm cũng còn hạn chế, mới chỉ mới 1 hầm vượt sông Sài Gòn và 2 cây cầu (Ba Son, Thủ Thiêm). Trong khi Phố Đông (Thượng Hải) có rất nhiều cầu, metro… nhằm thúc đẩy giao thương.

"Điều cần làm ngay là phải thay đổi tư duy, chiến lược cho sự phát triển mới. Muốn làm được, thành phố cần một nhà lãnh đạo tâm huyết đứng ra để làm và chịu trách nhiệm", ông Sơn nói.

Về giải pháp thúc đẩy sự phát triển của Thủ Thiêm, để có thể đáp ứng định hướng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế như định hướng của Chính phủ, chuyên gia của DKRA Group cho rằng cần thiết có sự chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Võ Hồng Thắng nêu cần triệt để giải quyết những vướng mắc tồn đọng về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng. Nhà nước cần có cơ chế đặc thù ưu đãi cho những doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư giúp nâng tầm khu đô thị Thủ Thiêm song cũng cần có chế tài, thu hồi chủ trương đầu tư đối với chủ đầu tư chậm trễ trong công tác triển khai dự án.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường tính cam kết đảm bảo về năng lực tài chính cũng như trong tiến độ triển khai các dự án tại khu đô thị Thủ Thiêm.

Ảnh: Hải Long

Dòng sự kiện: Hiện trạng Thủ Thiêm