Khi con chữ bắt đầu từ những "con số"
(Dân trí) - "Mong mỏi lớn nhất của tôi là giúp các em biết được con chữ, có được cái nghề cho bản thân và vươn lên trong cuộc sống", bà Nguyễn Thị Ba (78 tuổi) chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ba, 78 tuổi, là một giáo viên đã về hưu, hiện đang sinh sống tại TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).
Từ năm 2016, bà Ba đã đảm nhận việc giảng dạy tại lớp học tình thương của địa phương. Hầu hết học sinh của bà đều có hoàn cảnh khó khăn, có em mồ côi cha mẹ, có em phải đi bán vé số, nhặt ve chai để kiếm sống. Mỗi buổi chiều, các em lại đến lớp học tình thương, nuôi dưỡng hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Hàng ngày, bà Ba đi bộ khắp các nẻo đường để bán vé số. Số tiền kiếm được không chỉ để trang trải cuộc sống mà còn giúp đỡ trẻ em nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đôi chân bà Ba rảo bước trên quãng đường gần 3km, từ những con hẻm đến phố phường đông đúc, nơi có những "khách hàng" quen thuộc.
Ở tuổi 78, "tấm lưng còng" vẫn cõng nắng rong ruổi khắp các con đường phường Phú Cường. "Tôi còn dạy các em là tôi còn đi bán", bà Ba bộc bạch.
Trong căn trọ nhỏ, trên bàn làm việc, bà Ba để tập vé số và sách vở đi dạy của mình.
Cầm những bài kiểm tra trên tay, bà Ba chia sẻ: "Tôi giữ lại bài kiểm tra của các em từ năm 2016 đến nay để làm kỉ niệm. Đây là bài của Yến Nhi, giờ em đã ra trường rồi".
Lật tới bài của em nào, bà Ba đều nhớ rõ học lực, tính cách và hoàn cảnh của em đó. Đối với bà Ba, bên cạnh những tấm bằng khen thì việc các em biết đến con chữ chính là động lực lớn nhất để bà gắn bó với lớp đến tận bây giờ.
Bà Ba đứng cạnh những tấm bằng khen được Sở Giáo dục, chính quyền địa phương và nhà nước trao tặng trong suốt 8 năm dạy học ở lớp tình thương.
"Khi bắt đầu đứng lớp, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nhận được những tấm bằng khen này vì những gì mình làm cũng bình thường như bao người khác. Việc nhà nước trao bằng khen cũng đã giúp tôi có thêm động lực trong sự nghiệp gieo chữ", bà Ba nói.
Vào những ngày đặc biệt, bà Ba luôn nhận được những món quà từ Sở Giáo dục và các em học sinh.
16h, bà Ba rời phòng trọ để đến lớp học tình thương. Dù 18h mới vào lớp nhưng bà Ba luôn có mặt sớm để chuẩn bị bài vở và đón các em vào lớp.
Trước mỗi buổi học, bà Ba cùng các mạnh thường quân phát những suất ăn cho các em học sinh. Những bữa ăn đơn giản nhưng chứa đậm tình thương yêu.
Khoảng 18h, lớp học bắt đầu với những bài giảng đầu tiên. Căn phòng rộng chừng 25m2 với trang bị đầy đủ các đồ dùng học tập, tủ sách, truyện...
Bà Ba nắn nót từng nét chữ trên bảng để hướng dẫn các em viết theo.
Ở lớp học tình thương của bà Ba, có em thì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, có em thì phải mưu sinh bằng việc đi bán vé số… Chính những hoàn cảnh đó đã khiến bà chăm chút cho từng tiết dạy của mình hơn.
Bà Ba chia sẻ lý do gắn bó với lớp học tình thương, đó là vì bà nhận thức được tầm quan trọng của con chữ đối với các em học sinh khó khăn. Nhờ biết chữ, các em học được cái nghề để tự nuôi bản thân, cố gắng vươn lên và sống một cuộc đời có ích.
"Tôi có thể không giàu tiền, giàu bạc nhưng tôi có con chữ để trao đến những thế hệ học trò "đặc biệt" của tôi", bà Ba tâm sự.
Thực hiện: Tú Uyên - Quỳnh Hân - Gia Hân
Minh Hiếu - Khánh Linh - Tuyết Nhung