PhotoStory

"Thầy giáo" công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo

Thực hiện: Nam Anh

(Dân trí) - Gần 13 năm nay, lớp học miễn phí của "thầy giáo" công nhân ở TP Thủ Đức vẫn sáng đèn mỗi đêm để tiếp thêm con chữ cho trẻ em nghèo.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 1

Trở về nhà sau giờ làm việc, anh Hoàng Trọng Khánh (42 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), công nhân tại một nhà máy thuốc thú y vội xắn tay áo cho đàn gà, vịt ăn. 

"Tôi nuôi gà, nuôi vịt không phải để bán kiếm tiền cho riêng mình. Tiền bán gà, bán vịt tôi dành mua bút sách tặng các cháu, xem như là phần thưởng để động viên mấy đứa sau mỗi kỳ thi", anh Khánh chia sẻ.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 2

Khi đàn gà, vịt đẻ trứng, anh Khánh đều dành để tặng các bạn nhỏ trong lớp học. 

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 3

"Những ngày đầu tiên khi từ Huế bước chân vào TPHCM lập nghiệp, tình cờ tôi thấy những đứa trẻ ở đầu hẻm nơi tôi sống xúm lại xem một cuốn sách. Qua tìm hiểu tôi mới biết, tụi nhỏ không có điều kiện đi học. Nhiều đêm sau đó, tôi trăn trở, phải giúp mấy đứa có thể biết chữ, đọc và viết", anh Khánh kể lại.

Lớp học tình thương của "thầy giáo" công nhân cũng từ đó ra đời, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 4

Tầng 2 của căn phòng trọ rộng khoảng 30m2, cũng là nơi anh Khánh mở lớp học miễn phí suốt 13 năm qua. Anh chia căn phòng làm đôi để dạy song song 2 lớp. 

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 5

"Lớp học của tôi chỉ có chú và các cháu. Tôi không muốn được gọi là thầy. Chữ thầy nặng lắm, trong khi tôi chưa làm được gì cho các bé", anh Khánh tâm sự.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 6

Đa số các em nhỏ đang theo học là con của các công nhân đang làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy ở khu vực TP Thủ Đức.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 7

Những đồ dùng trong lớp học như: Bàn ghế, bảng, sách, bút... đều được anh Khánh sắm từ đồng lương công nhân ít ỏi của mình.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 8

Hiện anh Khánh dạy các môn toán học, vật lý, hóa học, anh văn và ngữ văn cho 29 em từ lớp 6 đến lớp 9.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 9

Bé Giáp Võ Quỳnh Như (học sinh lớp 8 trường THPT Tăng Nhơn Phú B) theo học đến nay đã là năm thứ 4 tại lớp học miễn phí của anh Hoàng Trọng Khánh, chị của Như cũng từng theo học tại lớp học này.

"Em cảm thấy may mắn khi được học tại lớp của chú Khánh. Mỗi tối đến lớp, chú luôn tạo cho chúng em những tiếng cười, niềm vui trong học tập. Chú luôn tìm những ví dụ thực tế để đưa vào bài giảng giúp chúng em dễ tiếp thu hơn", Như chia sẻ.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 10

Mỗi tối, anh Khánh thường dạy 2 suất, những bé đến sớm ngồi ở tầng 1 của căn nhà để ôn lại bài trước khi bắt đầu buổi học.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 11

Khi những học sinh cuối cùng rời khỏi lớp, anh Khánh vẫn ngồi để ôn lại những bài giảng cho buổi đứng lớp vào ngày hôm sau. Anh Khánh cho biết, chương trình của các bé thay đổi từng năm, nên bản thân anh cũng phải cập nhật kiến thức liên tục mới có thể đứng lớp được.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 12

Bữa tối của anh Khánh vào lúc đêm muộn với những món đơn sơ.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 13

Vào TPHCM lập nghiệp từ năm 28 tuổi, với hơn 13 năm mở lớp học miễn phí, anh Khánh luôn nhận được những tình cảm đặc biệt từ những người hàng xóm.

"Tôi xem Khánh như con cái trong nhà, quý nó vì cái tính thương người, biết chia sẻ. Nhiều hôm biết nó dạy xong muộn, tôi nấu cơm bảo sang ăn nhưng cái Khánh nó nhút nhát lắm, bởi vậy đến bây giờ hơn 42 tuổi rồi vẫn chưa có gia đình", bà Nguyễn Thị Hoa (62 tuổi) hàng xóm của anh Khánh nói.

Thầy giáo công nhân bán gà, vịt mua sách vở cho học sinh nghèo - 14

Cứ thế, ngày qua ngày, cuộc sống giản dị của người đàn ông 42 tuổi này vẫn xoay quanh cung đường đi làm, đứng lớp và đàn gà, vịt.

"Tôi sẽ dạy các cháu đến khi nào tôi không thể tiếp tục được nữa, sẽ là 10 năm, 20 năm hay thậm chí đến khi tôi già", anh Khánh bộc bạch.