(Dân trí) - Đang học lớp 9, Sùng A Tùng bị bố bắt bỏ học. Cậu học trò người Mông quyết định lấy vợ sớm với hy vọng có thêm người làm rẫy để bớt khổ, nhưng chưa được bao lâu thì ông bố trẻ sớm "nếm trái đắng".
Đang học lớp 9, Sùng A Tùng bị bố bắt bỏ học. Cậu học trò người Mông quyết định lấy vợ sớm với hy vọng có thêm người làm rẫy để bớt khổ, nhưng chưa được bao lâu thì ông bố trẻ sớm "nếm trái đắng".
Nhà của Sùng A Tùng ở giữa bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa). Căn nhà gỗ rộng chừng 15m2, nhìn quanh chẳng có gì đáng giá, hiện là nơi sinh sống của 3 thế hệ với 4 người trong gia đình.
Tết Nguyên đán 2024, Sùng A Tùng vừa tròn 18 tuổi, điều ngạc nhiên là em đã có vợ cách đây 3 năm, làm cha khi mới gần 16 tuổi.
Dẫn chúng tôi đến thăm nhà Tùng, ông Triệu Văn Lai, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, cho biết đối với đồng bào Mông ở địa phương, trường hợp kết hôn sớm như Sùng A Tùng vẫn diễn ra và "chưa có lời giải".
Thời điểm chúng tôi ghé thăm, trong căn nhà nhỏ, vợ chồng Tùng chốc lát lại thay nhau bế, dỗ dành cô con gái hơn 1 tuổi. Thi thoảng Giàng Thị Vua (16 tuổi, vợ Tùng) lại cất lời ru buồn văng vẳng qua then cửa.
Tùng cho biết, em là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em. Trước Tùng, các anh, chị đều lập gia đình ở độ tuổi 15, 16. Năm Tùng học lớp 9, người bố bỏ mẹ con em, lấy người phụ nữ khác trong bản làm vợ. Kể từ đó, Tùng và em trai về ở với mẹ, còn các anh, chị đi làm ăn xa.
Cuộc sống nơi vùng biên khó khăn, nghèo đói bủa vây, mẹ của Tùng là bà Giàng Thị Dế (43 tuổi) sáng đi nương, chiều làm rẫy nhưng vẫn không đủ tiền để nuôi anh em Tùng ăn học. Giữa lúc khó khăn chồng chất, bố Tùng bắt em bỏ học, lấy vợ với hy vọng vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
"Nghe lời bố, em bỏ học rồi lấy vợ. Lúc lấy vợ em chỉ nghĩ có thêm người về nhà đi làm rẫy sẽ bớt khổ cho mẹ và gia đình. Không ngờ, sau thời gian lấy vợ, cuộc sống của cả nhà càng khổ hơn", Tùng kể lại.
Tùng và Vua cứ thế về ở với nhau rồi sinh con gái đầu lòng. Do không có việc làm ổn định, vài năm qua, Tùng theo nhóm thanh niên, trai tráng trong bản vào rừng làm rẫy, phát nương, đào sắn thuê, thi thoảng đi làm phụ hồ. Còn vợ Tùng, vì mới sinh nên chỉ ở nhà chăm con. Mọi gánh nặng gia đình lại một lần nữa đổ dồn lên đôi vai của bà Giàng Thị Dế.
Vì chưa đăng ký kết hôn nên sau khi sinh, vợ chồng Tùng phải giấu cán bộ xã, nhờ anh trai đăng ký khai sinh hộ cho con.
"Nhiều lúc trong nhà không có sữa cho con uống. Biết lấy vợ khổ thế này cháu thà đi học còn hơn. Nếu không nghỉ học sớm thì có lẽ giờ cháu đã khác", ông bố trẻ tâm sự.
Nói về tương lai của đàn con thơ, bà Giàng Thị Dế chỉ biết lắc đầu: "Con lấy vợ sớm, do không có việc làm nên tôi phải nuôi thêm 2 miệng ăn. Lúc nó đòi cưới tôi cũng can ngăn, nói lấy vợ sớm sẽ khổ nhưng nó không nghe. Người ta lấy vợ về chăm mẹ chồng, nhưng tôi lại phải nuôi cả con dâu và cháu, thương con nhưng chẳng biết làm thế nào", bà Dế nói.
Rời nhà Sùng A Tùng, ông Lai tiếp tục dẫn chúng tôi lên con dốc ở bản Suối Lóng gặp vợ chồng Thào A Phàng (19 tuổi) và Sùng Thị Dê (15 tuổi). Phàng có vợ khi vừa học xong lớp 12, còn Dê vừa vào lớp 10.
Trong căn nhà nhỏ, với gương mặt ngây thơ, non nớt, Dê ngồi bẽn lẽn khi chia sẻ về chuyện hôn nhân của mình. Dê nói, bố mẹ không ép em lấy chồng sớm nhưng vì thích nên quyết định bỏ học về ở với Phàng. Khác với Dê, Phàng tỏ vẻ phấn khởi, giới thiệu khá tự nhiên về cô vợ trẻ của mình.
Phàng cho biết, sau khi học xong lớp 12, trong một lần đi chơi, thấy Dê dễ thương nên ngỏ lời tán tỉnh. Sau lần gặp đầu tiên, hai người đồng ý làm vợ chồng rồi về ở với nhau. "Chúng em chưa kết hôn, chưa tổ chức đám cưới. Trước mắt về ở với nhau thôi, khi nào đủ tuổi thì cưới", Phàng tâm sự.
Cách nhà Phàng không xa, chúng tôi bắt gặp hai người mẹ trẻ "mặt búng ra sữa" với những đứa con còn đỏ hỏn trên tay. Đó là Giàng Thị Góng (19 tuổi) và Sùng Thị Pàng (16 tuổi). Mặc dù hơn, kém nhau 3 tuổi nhưng hai em đều có điểm chung là làm mẹ ở tuổi 16, cùng làm dâu ở chung một nhà.
Thấy chúng tôi, Sùng Thị Pàng ngần ngại ôm đứa con vừa sinh 2 tháng tuổi ngồi nép mình bên vách nhà, không dám nói chuyện hôn nhân sớm. Sau một hồi động viên, Pàng cho biết em chỉ học hết lớp 5, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đi lấy chồng sớm để bớt gánh nặng cho bố mẹ.
Theo ông Triệu Văn Lai, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, tảo hôn đã kéo theo nhiều hệ lụy như đói nghèo, thất học. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương cùng các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền người dân cần xóa bỏ các hủ tục, đặc biệt là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Qua đó, hủ tục hôn nhân cận huyết thống đến nay đã không còn nhưng tình trạng tảo hôn vẫn là vấn nạn nhức nhối. Đặc biệt, những năm gần đây khi mạng xã hội ngày càng phát triển, nạn tảo hôn càng diễn biến phức tạp hơn.
Theo ông Lai, hiện nay trên địa bàn xã Tam Chung còn một số bản "nóng" vấn đề tảo hôn như Suối Lóng, Ón, Pom Khuông. Quá trình tuyên truyền cũng gặp không ít câu chuyện "dở khóc, dở cười".
"Có những đám cưới cô dâu, chú rể mới chỉ 14 tuổi, gia đình quý cán bộ xã nên đến mời đi đám các con, nhưng không ai dám đi. Nếu nhỡ có đi dự đám cưới, lần sau không thể tuyên truyền được nữa. Thời gian tới, để giảm thiểu nạn tảo hôn, chúng tôi sẽ nỗ lực, tiếp tục đến từng gia đình, phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền đến các em học sinh hiểu rõ hơn về vấn đề này", ông Lai nói.