DNews

Mối quan hệ giữa ESG và việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo chuyên gia, thực hành tốt các tiêu chuẩn phát triển bền vững (ESG) và đặt biệt là chữ "S" - xã hội, là điều kiện cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng được nguồn nhân lực bền vững.

Mối quan hệ giữa ESG và việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững

Công tác dự báo nhu cầu nhân lực là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng một nguồn nhân lực bền vững, việc dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai cho thấy một sự chuyển đổi đáng kể trong các yêu cầu đối với người lao động.

Sau nhiều năm thống kê, nghiên cứu và dự báo tình hình lao động trên địa bàn TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (đơn vị trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố) nhận thấy ESG (Environmental, Social, Governance) đang nổi lên như một khung tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá trách nhiệm xã hội và tác động của doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng trong chiến lược ESG là xây dựng nguồn nhân lực bền vững, đây là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công và tồn tại của mỗi doanh nghiệp trong môi trường nhiều biến động như hiện nay.

Mối quan hệ giữa ESG và việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững - 1

Chữ "E" và sức khỏe nhân viên

Yếu tố môi trường (Environmental) được hiểu là khi thực thi các chính sách môi trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi của người lao động.

Việc xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn tạo ra nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp và nhân viên. Nhân viên sẽ cảm thấy được đóng góp cho tương lai bền vững, từ đó tạo động lực để gắn bó và phát triển trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bảo vệ môi trường, tạo điều kiện làm việc an toàn và bền vững cho nhân viên. Khi các doanh nghiệp áp dụng chính sách môi trường, thường phải đánh giá và quản lý các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, như thiên tai hay khan hiếm tài nguyên. Khi giảm thiểu được các rủi ro này, doanh nghiệp đảm bảo sự ổn định cho hoạt động và bảo vệ công việc của nhân viên trong dài hạn.

Mối quan hệ giữa ESG và việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững - 2

Người lao động nhận thấy biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến môi trường sống và sự ổn định công việc của họ (Ảnh minh họa trong bão Yagi: Hữu Khoa).

Môi trường làm việc xanh có tác động tích cực đối với hiệu suất và sức khỏe nhân viên. Một môi trường làm việc an toàn, không có nguy cơ ô nhiễm và nguy hại cho sức khỏe, giúp giảm thiểu tỷ lệ tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp. Điều này đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động, tăng năng suất và hạn chế chi phí y tế cho cả doanh nghiệp lẫn nhân viên.

Chữ "S" và một đội ngũ bền vững

Về yếu tố xã hội (Social), vai trò của các chính sách xã hội như công bằng, đa dạng và hòa nhập tác động lớn đến việc xây dựng đội ngũ nhân lực bền vững.

Các chính sách xã hội trong ESG đảm bảo rằng mọi nhân viên, bất kể giới tính, tuổi tác, tôn giáo hay nền tảng xã hội, đều có cơ hội phát triển và thăng tiến công bằng. Điều này tạo ra sự tin tưởng và gắn bó của nhân viên đối với doanh nghiệp, bởi họ cảm thấy mình được tôn trọng và đánh giá công bằng.

Các chương trình phát triển con người, đào tạo và cơ hội thăng tiến giúp tạo động lực cho nhân viên.

Yếu tố xã hội trong ESG nhấn mạnh đến việc đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực. Doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện cho nhân viên nâng cao kỹ năng và phát triển sự nghiệp thông qua các chương trình đào tạo liên tục. Điều này không chỉ nâng cao năng lực của nguồn nhân lực mà còn giúp nhân viên thấy rằng họ có tương lai và cơ hội trong tổ chức.

Sự tham gia của doanh nghiệp trong cộng đồng và phúc lợi xã hội giúp củng cố mối quan hệ giữa nhân viên và doanh nghiệp.

Mối quan hệ giữa ESG và việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững - 3

Người lao động gắn bó lâu năm được công ty tặng vàng (Ảnh: Công ty CP Taekwang Vina).

Một phần quan trọng của yếu tố xã hội là việc doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động tốt với nhân viên và các tổ chức công đoàn. Các chính sách về đối thoại xã hội, thương lượng tập thể, và đảm bảo quyền lợi cho người lao động tạo ra một môi trường làm việc ổn định và hài hòa, từ đó giúp giảm xung đột và gia tăng sự gắn kết.

Chữ G và niềm tin của người lao động

Về yếu tố quản trị (Governance), việc quản trị minh bạch và có trách nhiệm giúp củng cố niềm tin của nhân viên với tổ chức.

Một hệ thống quản trị minh bạch với các quy trình rõ ràng, thông tin được công bố công khai và trung thực giúp tạo dựng niềm tin từ phía nhân viên. Nhân viên sẽ cảm thấy tự tin hơn khi làm việc trong một môi trường mà mọi hoạt động, từ chiến lược phát triển đến tài chính, đều được quản lý minh bạch.

Khi một doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, mọi quyết định đều được xem xét kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ lãnh đạo đến nhân viên. Trách nhiệm giải trình này giúp đảm bảo rằng các quyết định mang tính công bằng, hợp lý và hướng đến lợi ích chung, tạo sự tin cậy giữa nhân viên và lãnh đạo.

Chính sách công bằng trong việc thăng tiến và trả lương, khuyến khích sự gắn bó dài hạn. Một hệ thống quản trị công bằng sẽ đảm bảo rằng tất cả nhân viên, bất kể vị trí hay thâm niên, đều có cơ hội thăng tiến và nhận được đãi ngộ công bằng dựa trên năng lực và đóng góp. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng, nơi nhân viên cảm thấy rằng những nỗ lực của họ được công nhận và đánh giá đúng mực.

Đồng thời, doanh nghiệp có quản trị tốt sẽ đưa ra các chính sách trả lương và phúc lợi minh bạch, đảm bảo rằng không có sự chênh lệch không công bằng giữa các cấp bậc hoặc giới tính. Chính sách này không chỉ giúp cải thiện sự hài lòng của nhân viên mà còn góp phần xây dựng văn hóa công ty tích cực.

Mối quan hệ giữa ESG và việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững - 4

Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam để thực thi ESG (Nguồn: PwC Việt Nam).

Các nguyên tắc quản trị tốt giúp xây dựng văn hóa tổ chức bền vững, giúp giảm thiểu rủi ro và giữ chân nhân tài.

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định đến sự gắn kết và hài lòng của nhân viên. Một hệ thống quản trị có trách nhiệm, minh bạch và công bằng giúp xây dựng một văn hóa tôn trọng, tin tưởng và đoàn kết trong tổ chức, nơi mà mọi người đều cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng.

Một hệ thống quản trị hiệu quả không chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế mà còn phải có các biện pháp để quản lý rủi ro về an toàn lao động, điều kiện làm việc và sức khỏe của nhân viên. Điều này đảm bảo rằng doanh nghiệp không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà còn tạo ra một môi trường làm việc an toàn và bền vững cho nhân viên.

Trong 3 yếu tố trên, chữ S - trung tâm của bộ tiêu chuẩn ESG, đã thể hiện một sự tương quan rất rõ với việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững. Bởi vì yếu tố này nhấn mạnh về các vấn đề liên quan đến người lao động tại doanh nghiệp, như: vấn đề sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, chính sách tuyển dụng và thăng tiến tại doanh nghiệp, các quy định nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản và phúc lợi của người lao động…

Nguyễn Hoàng Hiếu

Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM

Mối quan hệ giữa ESG và việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững - 5

* Bài viết trích từ tham luận của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM gửi hội thảo ESG do báo Dân trí tổ chức.

Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG?" sáng 30/10 diễn ra tại Hà Nội nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do Báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Hội thảo với sự đồng hành của các đơn vị Vietjet Air, tập đoàn FPT, Gamuda Land, Nam A Bank, Bac A Bank, HD Bank, ACECook, Toyota Việt Nam.

Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.