DNews

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Đã hơn một năm từ ngày lũ quét lịch sử xảy ra tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cuối năm 2022 nhưng giấc mơ tái định cư của hàng trăm hộ dân chưa thành hiện thực…

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết

Ngóng chờ nơi ở mới

Những ngày đầu tháng 10/2022, các bản Hòa Sơn, Sơn Hà của xã Tà Cạ và một số khu vực của thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xảy ra lũ quét lịch sử. Trong chốc lát, hàng trăm hộ dân bị mất nhà cửa, tài sản và cả người. Trận lũ quét qua, hàng trăm người dân đối diện nguy cơ sạt lở đất, buộc phải di dời đến nơi ở mới.

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết - 1

Sáng 2/10/2022, lũ quét qua bản Hòa Sơn, Sơn Hà (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) làm hàng chục căn nhà hư hỏng (Ảnh: Nguyễn Duy).

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân vùng lũ của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã lên phương án tái định cư (TĐC) cho người dân nơi đây. Khu vực TĐC được quy hoạch, công bố với bản vẽ thiết kế hoành tráng.

Vị trí TĐC do huyện Kỳ Sơn lựa chọn. Dự án có kinh phí dự kiến khoảng 94 tỷ đồng, bao gồm nguồn hỗ trợ từ vốn ngân sách tỉnh Nghệ An (30 tỷ đồng), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh (25 tỷ đồng), doanh nghiệp (10 tỷ đồng) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết - 2

Nhiều căn nhà nằm cạnh con đường liên xã từ Tà Cạ đi xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) bị trận lũ quét kinh hoàng năm 2022 đe dọa (Ảnh: Nguyễn Duy).

Trong đó, giai đoạn 1 bố trí kinh phí 35 tỷ đồng để triển khai TĐC tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, thời gian thực hiện 2022-2023. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm trôi qua, các khu TĐC chưa hoàn thành, người dân sống trong cảnh thấp thỏm, nhất là những lúc trời mưa, gió.

Anh Bành Đạt Kiệt, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn chưa quên trận lũ kinh hoàng năm 2022. Thời điểm đó, nhiều người dân trong bản chỉ kịp bỏ của chạy lấy người.

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết - 3

Sau hơn một năm, nhiều bản làng bị lũ quét ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn còn đó những khó khăn (Ảnh: Nguyễn Duy).

"Khi tôi quay trở về xem nhà mình như thế nào thì thấy chỉ còn cái móng, một ít mái tôn sót lại, còn tài sản đã bị dòng nước lũ cuốn phăng. Giờ đã hơn một năm rồi mà chúng tôi vẫn chưa được TĐC", anh Kiệt nói.

Trong khi đó, cô giáo Ngũ Thị Bích Ngọc, trú tại bản Sơn Hà - giáo viên Trường Mầm non Tà Cạ khóc khi kể lại trận lũ kinh hoàng năm 2022.

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết - 4

Dòng suối Huồi Giảng chảy qua bản Hòa Sơn vẫn còn đó những ngổn ngang (Ảnh: Nguyễn Duy).

"Gia đình tôi có hai mảnh đất nằm ven đường, một trại gà khoảng 500 con bị lũ cuốn trôi hết. Hôm vừa rồi, trong bản có nói cho gia đình tôi làm đơn để đăng ký TĐC. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa rõ TĐC chỗ nào và khi nào có chỗ ở mới. Vợ chồng tôi và con cái đang phải thuê nhà trọ để ở", cô Ngọc chia sẻ.

Ngoài bị ảnh hưởng trực tiếp sau trận lũ quét, nhiều hộ dân khác phải đối diện với tình trạng sạt lở nghiêm trọng, thuộc diện phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, việc TĐC vẫn phải chờ chưa biết đến bao giờ.

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết - 5

Bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, sau trận lũ quét lịch sử tháng 10/2022 có nhiều gia đình cần TĐC (Ảnh: Nguyễn Duy).

Anh Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn cho biết, bản có 72 hộ trong diện phải di dời, trong đó có đến 54 hộ không có nhà cửa, phải dựng lều tạm chờ ngày TĐC.

Tuy nhiên, do chờ đợi quá lâu, một số hộ dân có điều kiện kinh tế đã tự tìm vị trí để xây dựng nhà ở lâu dài, một số khác có đất đã phải dựng nhà tạm. Có những hộ phải đi ở nhờ nhà anh em, họ hàng, đợi ngày được TĐC.

Vướng mắc cần gỡ

Tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) có 55 căn nhà bị cuốn trôi, 141 căn nhà hư hỏng, 36 hộ dân phải di dời khẩn cấp, thiệt hại hơn 200 tỷ đồng sau trận lũ năm 2022.

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết - 6

Quy hoạch khu TĐC cho người dân vùng bị lũ quét tại huyện Kỳ Sơn (Ảnh: Nguyễn Duy).

Sau trận lũ quét, huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An đã tìm địa điểm xây dựng khu TĐC khẩn cấp cho người dân.

Từ đó đến nay khu TĐC vẫn chưa thể triển khai xây dựng vì vướng thủ tục, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên.

Nói về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn, cho biết, Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, có 99% địa hình là núi, chỉ 1% là bằng phẳng; địa hình phức tạp và chia cắt, rất khó bố trí địa điểm có mặt bằng rộng làm nơi ở cho người dân.

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết - 7

Sau lũ quét, những chiếc cầu tạm bắc qua suối Huồi Giảng hư hỏng..., một số doanh nghiệp đã làm cho bà con ở bản Hòa Sơn chiếc cầu dân sinh bằng sắt (Ảnh: Nguyễn Duy).

Sau nhiều nỗ lực, huyện đã tìm được 2 điểm TĐC cho bà con tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ (diện tích khoảng 8,6ha) và tại bản Hòa Sơn, phía sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện (diện tích khoảng 3,9ha).

Điểm TĐC bản Hòa Sơn đã được khởi công xây dựng, với tiến độ như hiện nay, dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành, bàn giao cho người dân để xây nhà ở.

Tuy nhiên, điểm TĐC tại bản Cầu Tám chưa thể thi công do vướng đất rừng tự nhiên. UBND huyện Kỳ Sơn đang làm các thủ tục để đánh giá tác động môi trường và hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Hàng trăm hộ dân nơi lũ quét lịch sử ngóng nhà tái định cư trước Tết - 8

Nhà văn hóa bản, trường học tại bản Hòa Sơn được dọn sạch để người dân làm nơi sinh hoạt tạm (Ảnh: Nguyễn Duy).

Qua thống kê, huyện Kỳ Sơn ghi nhận 54 nhà dân bị sập, trôi hoàn toàn; 90 hộ nằm trong diện di dời cấp độ 1; 31 hộ nằm trong diện di dời cấp độ 2; 6 hộ trong diện di dời cấp độ 3; 23 hộ có nhà hư hỏng nặng… Qua khảo sát, lấy ý kiến, có 38 gia đình xác định tự tìm nơi ở mới, 102 gia đình khác xác nhận sẽ chuyển đến khi khu TĐC hoàn thành.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, với 2 điểm TĐC mà huyện đề xuất, đến nay 1 điểm đang triển khai thi công hạ tầng. Còn điểm TĐC tại bản Cầu Tám đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.

"Chúng tôi cũng mong muốn các cấp hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, để địa phương nhanh chóng triển khai nhằm sớm nhất đưa người dân di dời đến nơi an toàn", ông Rê nói thêm.