(Dân trí) - Các bản làng dọc biên giới Việt - Lào luôn có mối quan hệ mật thiết, keo sơn, những mối tình xuyên biên giới dần nảy nở, không ít thiếu nữ đất nước Triệu Voi đã bén duyên rồi về làm dâu trên đất Việt.
Trong chuyến công tác về với xã miền núi Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, theo chân Trung tá Võ Đình Thuần, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng, tôi đã có dịp đến với bản Tuộc - một bản làng nằm giáp biên giới Việt - Lào.
Giữa những khó khăn của cuộc sống thường nhật, nơi đây vẫn tràn ngập niềm vui, tiếng cười với những mối lương duyên xuyên biên giới thật đẹp, đặc biệt chuyện tình của Đinh Chay (SN 1958) và cô vợ người Lào là Y Cúc. Tình thương yêu mà cặp đôi Việt - Lào này dành cho nhau suốt hàng chục năm qua, cả bản Tuộc và chính những người lính biên phòng, giáo viên cắm bản ai cũng ngưỡng mộ.
Trong căn nhà sàn đặc trưng của đồng bào Ma Coong nơi biên giới, bà Y Cúc đón chúng tôi với một nụ cười tươi. Trên gương mặt Y Cúc đã hằn rõ nếp nhăn của thời gian nhưng vẫn phảng phất nét duyên dáng rất riêng của người con gái Lào.
Với Y Cúc, bản thân bà cũng không thể nhớ mình sinh năm nào, chỉ biết nay đã khoảng 60 tuổi. Bên bếp lửa ấm, người phụ nữ gốc Lào bắt đầu kể về quãng đời lưu lạc sang Việt Nam rồi làm vợ, làm mẹ trọn vẹn mấy chục năm qua.
Gia đình Y Cúc trước đây sinh sống tại một bản nghèo ở Noọng Ma, tỉnh Khăm Muộn (Lào). Cuộc sống đang bình yên thì chiến tranh ập đến, bom đạn Mỹ trút xuống. Chiến tranh đã khiến cho cuộc sống trên quê hương Y Cúc đảo lộn, nhà cửa tan hoang, thiếu nữ Lào ngày ấy đành phải di tản, đi sâu vào đất liền Việt Nam để lánh nạn.
"Năm đó chiến tranh ác liệt, cả bản miềng (mình/tôi-PV) phải bỏ đi lánh nạn, miềng và một số người đi bộ ngược hướng hành quân của bộ đội Việt Nam, mất 2 ngày thì qua biên giới và đến nương nhờ ở đây. Miềng may mắn được người dân Việt Nam cưu mang, sau đó thì quen anh Đinh Chay, lâu ngày thích nhau rồi mình quyết định ở lại đây luôn", Y Cúc ngượng ngùng kể.
Bên nhau suốt mấy chục năm, Đinh Chay và Y Cúc có tất thảy 7 người con, 5 trai, 2 gái và cùng nhau xây dựng gia đình tại bản Tuộc, xã Thượng Trạch. Y Cúc chia sẻ rằng, vợ chồng bà chưa một lần cãi vã, ông Đinh Chay là người rất tình cảm và thương vợ con.
"Thời gian đầu sang Việt Nam, cũng nhớ nhà lắm, nhớ về đất nước Lào, người thân. Thế nhưng chiến tranh loạn lạc, chẳng liên lạc được, từ đó đến nay cũng chưa một lần trở lại. Chồng biết miềng buồn nên thường xuyên động viên, chia sẻ. Nhiều năm trôi qua, cũng quen rồi, giờ Việt Nam trở thành ruột thịt của miềng rồi", Y Cúc bộc bạch.
Còn đối với Đinh Chay, ông luôn thương và cảm ơn vợ vì đã đến với mình, quyết tâm ở lại Việt Nam với ông. Bên cạnh nhau suốt mấy chục năm và có 7 người con, dù khó khăn nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Với Đinh Chay, cuộc đời ông vui nhất là có người vợ Lào xinh đẹp này. Được sự quan tâm của chính quyền, sau nhiều năm, Y Cúc cũng đã có Quốc tịch Việt Nam.
"Tôi thương Y Cúc lắm, cô ấy người Lào nhưng vì bom đạn phải lưu lạc. Cũng chính vì hoàn cảnh của cô ấy mà tôi đã đem lòng yêu. Tôi vui lắm, khi Y Cúc đồng ý ở lại đây và sống với tôi mấy chục năm qua. Tôi luôn tự nhủ phải chịu khó làm nương, làm rẫy để có cái ăn, lo được cho Y Cúc no đủ. Trước đây vất vả, nhưng giờ nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ nên đời sống bớt cực khổ hơn nhiều rồi", ông Đinh Chay nói.
Chuyện tình của Đinh Chay - Y Cúc chỉ là một trong số nhiều những cặp đôi Lào - Việt đang sinh sống dọc theo biên giới tỉnh Quảng Bình. Ngược về với xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tôi tiếp tục được nghe về "chuyện tình bất hủ" với cô vợ Lào thua mình đến 14 tuổi của người đàn ông Vân Kiều - Hồ Văn Khăm.
Hồ Văn Khăm (SN 1967) hiện đang sống cùng vợ là người phụ nữ gốc Lào tên là Nang Tuất (SN 1981), ở bản Cây Cà, xã Trường Sơn. Kể về chuyện tình của mình, Hồ Văn Khăm cười xòa trong niềm hạnh phúc, ông cho biết, năm 2003, trong chuyến sang Lào làm ăn, run rủi thế nào lại đến ở nhờ tại nhà của chị em Nang Tuất tại bản Pa-Cần, xã Khun-Sêng, huyện Bua-La-Pha, tỉnh Khăm Muộn.
Thời điểm đó, Nang Tuất 22 tuổi, qua đôi lần gặp gỡ, Hồ Văn Khăm bỗng mến thương cô gái Lào. Chàng trai người Việt ấy với những cử chỉ ân cần, ấm áp cũng đã khiến Nang Tuất bị thu hút, dần cảm mến người con trai Bru - Vân Kiều bên dãy Trường Sơn và thế là họ đã bắt đầu yêu thầm, nhớ trộm.
"Nang Tuất mồ cô cha mẹ từ nhỏ, 2 chị em ở với nhau. Hồi đó sang Lào tôi đến tá túc nhà của cô ấy nên mới có duyên gặp gỡ. Qua nói chuyện 2 đứa rất hợp nhau, trời se duyên rồi chẳng biết mến nhau từ lúc nào", ông Hồ Văn Khăm nhớ lại.
Đến 2005, nhân dịp cùng nhau đi chơi Tết té nước (lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của người Lào), thấy thời cơ đã chín, Hồ Văn Khăm lấy hết can đảm dùng tiếng Lào để tỏ tình với Nang Tuất. Gương mặt cô gái Lào chín đỏ, e thẹn, cho Hồ Văn Khăm nắm lấy tay như một lời chấp thuận.
Đối với Nang Tuất, Tết té nước năm 2005 là dịp lễ hạnh phúc nhất, đặc biệt nhất của đời cô. Cái Tết ấy đã chính thức đánh dấu chàng trai người Việt Nam, Hồ Văn Khăm và cô gái gốc Lào, Năng Tuất trở thành một cặp. Và thế là sau lễ rước dâu đơn giản, ấm cúng trên đất Lào, Nang Tuất theo chồng về Việt Nam.
"Anh Khăm vui tính, lại thật thà nên tôi cảm mến từ những ngày đầu gặp, cả 2 thương nhau nhưng chẳng dám nói, cứ giữ trong lòng. Phải gần 2 năm quen nhau anh Khăm mới nói lời yêu, anh ấy còn nói nếu thương thì theo anh về Việt Nam, mình đã đồng ý ngay. Ngoảnh đi, ngoảnh lại mình cũng làm dâu Việt Nam hơn 15 năm rồi", Nang Tuất tâm sự.
Lấy chồng xa quê nhưng Nang Tuất vẫn luôn về thăm quê ngoại mỗi năm một lần. Đối với cô, Lào và Việt Nam đều là quê hương. Một mảnh đất là nơi nuôi cô khôn lớn và một mảnh đất là nơi cho cô gia đình nhỏ hạnh phúc của chính mình.
"Trước đây, mỗi năm một lần, hai vợ chồng đều dành thời gian về thăm quê ngoại. Nhưng 2 năm nay, do đại dịch Covid-19 nên không thể thăm thân. Nang Tuất ở với mình đến năm 2019 mới được nhập Quốc tịch Việt Nam. Cả hai luôn cố gắng yêu thương nhau, nuôi dạy con cái nên người, góp phần xây dựng gia đình, bản làng, quê hương", Hồ Văn Khăm ôm lấy vợ rồi tươi cười nói.
Tỉnh Quảng Bình có trên 200 km đường biên giáp với 2 tỉnh Khăm Muộn và Sa-vẳn-na-khệt (Lào). Dọc theo tuyến biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Bình, dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Sách, Mày, Rục, A Rem…
Trong suốt chiều dài lịch sử, các bản làng dọc biên giới Việt - Lào luôn có mối quan hệ mật thiết, keo sơn. Tuy sinh sống ở hai dải đất khác nhau nhưng đồng bào hai nước ở khu vực biên giới vẫn luôn cùng chung một tấm lòng đoàn kết, yêu nước và tình hữu nghị, chỉ cần bên nào gặp khó khăn thì bên còn lại sẵn sàng giúp đỡ.
Câu chuyện tình xuyên biên giới của Đinh Chay - Y Cúc, hay Hồ Văn Khăm - Nang Tuất chỉ là một trong rất nhiều cặp đôi Lào - Việt đã nên duyên vợ chồng. Đây cũng là minh chứng về tình cảm gắn bó mật thiết giữa đồng bào hai nước Việt Nam - Lào. Tình cảm đó vẫn luôn được đồng bào hai nước quan tâm gìn giữ, vun đắp ngày càng thêm bền chặt... Những cặp đôi Lào - Việt đã "phải lòng" nhau rồi cùng nhau xây dựng gia đình, tạo nên mối lương duyên Việt - Lào dọc miền biên viễn.
Theo Trung tá Võ Đình Thuần, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, những cặp vợ chồng Lào - Việt, Việt - Lào "nên đôi, nên đũa" về định cư trên địa bàn xã Thượng Trạch nói riêng, cũng như các địa phương khác ở Quảng Bình nói chung cho thấy tình cảm 2 bên biên giới luôn son sắt, thủy chung, đó là tình cảm rất đáng trân quý của đồng bào 2 nước anh em.
Theo Trung tá Thuần, người chồng Lào hay người vợ Lào khi về sống ở Việt Nam cũng luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng bản làng văn minh, luôn sát cánh với lực lượng Biên phòng bảo vệ bình yên nơi biên giới.