DMagazine

5 định hướng lớn thay đổi hệ thống bảo hiểm xã hội

(Dân trí) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng có nhiều quy định mới nhằm gia tăng lợi ích, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội với người lao động.

Theo tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới quan trọng tác động tích cực đến quyền lợi của người lao động.

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân

5 định hướng lớn thay đổi hệ thống bảo hiểm xã hội - 1

Bộ LĐ-TB&XH hy vọng hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp càng nhiều người lao động có lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng khi đến tuổi hưu (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Chính sách xây dựng hệ thống BHXH đa tầng được thực hiện thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Dự thảo Luật BHXH đề xuất quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Quy định này kỳ vọng sẽ giúp tăng độ bao phủ của BHXH để dần hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân.

Đặc biệt, dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho đến khi đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức trợ cấp phụ thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì người hưởng trợ cấp được hưởng bảo hiểm y tế như người hưởng lương hưu, chi phí mua bảo hiểm y tế này do ngân sách nhà nước đảm bảo.

5 định hướng lớn thay đổi hệ thống bảo hiểm xã hội - 2

Toàn cảnh hệ thống BHXH đa tầng (Ảnh: Tùng Nguyên).

Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH

Chính sách này được thực hiện thông qua quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bằng cách bổ sung thêm các nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc không trọn thời gian.

Để tăng tính hấp dẫn của BHXH bắt buộc, dự thảo luật cũng đề xuất bổ sung thêm quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Khi đó, họ sẽ được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi như cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho 1 con. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện nhằm thu hút lao động tự do tham gia BHXH.

5 định hướng lớn thay đổi hệ thống bảo hiểm xã hội - 3

Với đề xuất mới, dự kiến sẽ có thêm hàng triệu lao động tham gia BHXH (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH

Về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, dự thảo luật đề xuất sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Đề xuất này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu. Quy định này sẽ giúp càng nhiều người được hưởng chế độ hưu trí.

Ngoài ra, dự thảo luật còn đề xuất sửa đổi các quy định về BHXH một lần theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.

Để khuyến người lao động chờ hưởng lương hưu, dự thảo luật đề xuất quy định giảm điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm không áp dụng đối với người đã hưởng BHXH một lần; người lao động khi hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn là hưởng trợ cấp hằng tháng (quy định hiện hành là chỉ cho nhận BHXH một lần) và người chọn hưởng trợ cấp hằng tháng sẽ được ngân sách nhà nước mua bảo hiểm y tế…

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo luật lấy ý kiến về 2 phương án. Phương án 1 như quy định hiện hành. Phương án 2 là đề xuất mới, quy định chỉ giải quyết cho người lao động hưởng một phần khi nhận BHXH một lần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng BHXH. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

5 định hướng lớn thay đổi hệ thống bảo hiểm xã hội - 4

Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng những quy định mới sẽ hạn chế bớt số lao động hưởng BHXH một lần, tăng số người hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp hằng tháng (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Hoàn thiện quy định quản lý thu, đóng BHXH để tăng quyền lợi người lao động

Dự thảo luật bổ sung thêm quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện thu BHXH và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Người lao động, người dân quan tâm đến chính sách này có thể đóng góp ý kiến TẠI ĐÂY.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng tương tự như tiền chậm nộp thuế; Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra, bổ sung quy định cho tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra Tòa án. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, dự thảo bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Đặc biệt, dự thảo đề xuất thêm phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc mới. Phương án mới này quy định "tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động".

Khác với quy định hiện hành, phương án mới không nêu rõ là "các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động". Việc này hạn chế được tình trạng doanh nghiệp cố tính đặt ra các khoản bổ sung khác khó xác định mức tiền cụ thể trong hợp đồng (không phải tính vào tiền lương đóng BHXH) để giảm tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.

Với phương án mới, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Khi đó, tiền lương này sẽ cao hơn cách tính hiện nay, chế độ BHXH một lần hay chế độ hưu trí của người lao động sau này sẽ tốt hơn vì nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều.

5 định hướng lớn thay đổi hệ thống bảo hiểm xã hội - 5

Tiền lương đóng BHXH càng cao thì mức hưởng hưu trí, trợ cấp hằng tháng của người lao động sẽ càng cao (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau khi đã đóng đủ năm để hưởng mức lương hưu tối đa, dự thảo luật còn đề xuất sửa đổi quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Mức trợ cấp này được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (lao động nam là 35 năm, lao động nữ là 30 năm).

Dự thảo Luật xin ý kiến 2 phương án. Phương án thứ nhất như quy định hiện hành, cứ mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Phương án 2 là đề xuất mới, cứ mỗi năm đóng BHXH cao hơn thì được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Hữu Khoa - Tùng Nguyên