Xúc động hình ảnh chào cờ đêm giao thừa 1952 của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
(Dân trí) - Hoạt động chào cờ và hát quốc ca mừng Tết Nguyên đán của các tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò được tái hiện lại trong không gian trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng" dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), không gian trưng bày triển lãm "Sông Hồng cuộn sóng" đã được tổ chức trang trọng tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
"Sông Hồng cuộn sóng" gồm 2 nội dung trưng bày chính: Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử. Trong đó, nội dung "Trường kỳ kháng chiến" phản ánh không khí quân và dân Thủ đô hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Trong suốt 60 ngày đêm kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến công hào hùng, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tới tham quan buổi trưng bày có sự góp mặt của nhiều nhân chứng lịch sử, là các cựu học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947-1954, các cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò, trại giam tù binh Phú Quốc và nhân chứng tham gia tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954.
Đại tá Dương Niết (mặc quân phục) nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn Thủ đô (nay là Trung đoàn 102, Sư đoàn 308) bồi hồi khi đứng trước không gian trưng bày.
Ông chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi nhớ về đồng bào, đồng chí đã hy sinh, tới nay vẫn được mọi người trân trọng. Những người đó gợi cho chúng ta những quá khứ để thấy được lòng căm thù giặc, sự hy sinh thời kháng chiến".
Bác Nguyễn Tiến Hà, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên cán bộ Mặt trận Quân sự Hà Nội có mặt tại không gian trưng bày.
Trong buổi lễ khai mạc sáng 4/10, hoạt động chào cờ và hát quốc ca mừng Tết Nguyên đán Nhâm Thìn của tù chính trị nhà tù Hỏa Lò năm 1952 được tái hiện. Trong chốn ngục tù thiếu thốn, tù chính trị tìm đủ mọi cách để tạo thành lá cờ Tổ quốc từ chiếc chăn chiên Nam Định do nhà tù cấp phát. Ngôi sao vàng được cắt ghép từ những mảnh giấy nhỏ bọc đồ tiếp tế của người thân, gia đình các tù chính trị.
Dù bị kẻ thù đàn áp, tra khảo dã man, các chiến sĩ vẫn quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.
Khoảnh khắc đứng dưới lá cờ Tổ quốc hát vang bài Tiến quân ca cũng là lúc các chiến sĩ được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh trong chốn lao tù.
Nhiều người xúc động khi nhớ về những ký ức được tái hiện lại trong không gian trưng bày.
Khu vực cổng trưng bày gợi nhớ hình ảnh những con sóng sông Hồng đang trào dâng mạnh mẽ như tinh thần bền bỉ chiến đấu, quyết tâm giành lại độc lập, hình ảnh nữ sinh kháng chiến Trường Nữ Trung học Trưng Vương - Hà Nội tham gia diễu hành, rước cờ đề cao tinh thần chống ngoại xâm năm 1953…
Bác Đỗ Hồng Phấn (trước kia là học sinh kháng chiến trường Chu Văn An, Bí thư Chi đoàn Học sinh kháng chiến trường nữ Trưng Vương, Hà Nội) cảm thấy rất xúc động khi xem lại những hình ảnh tại buổi trưng bày, đặc biệt khi được mọi người quan tâm, nhắc lại một thời thanh niên Hà Nội sống và chiến đấu ra sao.
Hình ảnh bác Phấn hồi trẻ cũng xuất hiện tại không gian trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng". Bác Phấn hồi tưởng cho biết, mỗi một thanh niên thời kháng chiến đều mang trong mình một ý thức dân tộc, hiểu rõ được mối căm hận giữa người dân và đế chế áp bức, bóc lột.
Ở nội dung "Ngày về lịch sử", trưng bày cho thấy thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký Hiệp định Genève và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Thời điểm này, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, các tầng lớp nhân dân Hà Nội kiên cường, bền bỉ chống lại mọi âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ thành phố nguyên vẹn trước khi đoàn quân chiến thắng tiến về ngày 10/10/1954.
Những bạn sinh viên trường Học viện Báo chí và tuyên truyền có cơ hội được tham quan, hiểu thêm về lịch sử trong ngày đầu của buổi trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng". Một số bạn không giấu khỏi sự xúc động khi theo dõi các hoạt cảnh được tái hiện hết sức chân thực.
Trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng" sẽ diễn ra tại Nhà tù Hỏa Lò đến hết ngày 30/12/2023.