DMagazine

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô

(Dân trí) - Ngày này 68 năm trước, 5 anh em Đại tá Hoàng Thúc Cẩn theo đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô. Sau nhiều năm bặt tin nhau, giữa biển người mênh mông, họ bỗng gặp lại nhau trong niềm vui vỡ òa.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô

Ngày này 68 năm trước, 5 anh em Đại tá Hoàng Thúc Cẩn theo đoàn quân giải phóng từ năm cửa ô kéo về Thủ đô. Sau nhiều năm bặt tin nhau, giữa biển người mênh mông, họ gặp lại nhau trên cầu Thê Húc trong niềm vui vỡ òa.

"Quân đi đến đâu cũng đảm bảo trật tự, nghiêm túc, được nhân dân đón tiếp niềm nở, cảm động. Có đồng chí nhào vào vòng tay thân ái, ngây ngất bởi nụ cười trìu mến của nhân dân Thủ đô…

Tiếng khóc, tiếng cười, tiếng sụt sùi, tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu đã quyện thành một bản đại hợp xướng "khải hoàn ca" mãi mãi không quên…".

Đó là những cảm xúc đặc biệt về mốc son chói lọi ngày 10/10/1954 - bản hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh mà Đại tá Hoàng Thúc Cẩn, nguyên cán bộ Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ghi lại trong hồi ký của mình.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 1

Đoàn quân giải phóng từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 10/10 năm ấy không chỉ có ý nghĩa lịch sử với cả dân tộc mà còn tạo ra cuộc hạnh ngộ kỳ diệu sau nhiều năm xa cách của ông cùng 4 người anh em.

Anh em ông kẻ trước người sau lần lượt "xếp bút nghiên theo việc đao cung". Họ bặt tin nhau, không thư từ liên lạc. Thậm chí, có người nghĩ người kia đã hy sinh, không còn trở lại…

Ngày 10/10/1954, họ gặp lại nhau giữa biển người mênh mông.

Vì vậy, ngày này hàng năm được Đại tá Hoàng Thúc Cẩn coi là ngày kỷ niệm đặc biệt của đại gia đình ông.

"Nhà tôi sinh được 7 người con - Quyết chí chung tình với nước non"

Trong tư gia tại Hà Nội những ngày thu tháng 10, Đại tá Hoàng Thúc Cẩn (SN 1926) cùng người em út nhà thơ Hoàng Gia Cương (SN 1942) đã chia sẻ với PV Dân trí về câu chuyện được xem là huyền thoại của gia đình.

Anh em Đại tá Hoàng Thúc Cẩn vốn sinh ra ở Minh Lệ, Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông Cẩn là con thứ tư trong gia đình, ông Cương là con út. Ngoài ra, họ còn 5 người anh em khác là Hoàng Bá Trình, Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ,  Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Quý Thân.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 2

Từ trái qua phải, anh em ông Hoàng Gia Cương, Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Quý Thân chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1996. (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Mặc dù gia đình nghèo nhưng thân sinh của hai ông - cụ Hoàng Bá Chuân, một nhà Nho yêu nước và cụ Nguyễn Thị Như Đồng - người phụ nữ nhiều năm làm hội trưởng mẹ chiến sĩ chống Pháp luôn hun đúc trong các con tinh thần hiếu học, yêu nước.

Cụ Đồng thậm chí còn viết một bài thơ để động viên các con đi bộ đội, chống giặc cứu nước. Bài thơ ngắn gọn chỉ có bốn câu nhưng chứa chan bao nỗi niềm của người mẹ.

"Nhà tôi sinh được 7 người con.

Quyết chí chung tình với nước non.

Kháng chiến 5 con đi khắp nước.

Lớn lên hai bé sẽ xung phong…".

"Người anh cả Hoàng Bá Trình do sức khỏe yếu, hay đau ốm nên không thể xung phong tòng quân. Tôi khi đó còn nhỏ cũng ở lại địa phương. Các anh tôi Cảnh - Tuệ - Cẩn - Tấn - Thân nghe theo lời cha mẹ, lần lượt rời xa quê hương đi học rồi tham gia kháng chiến", nhà thơ Hoàng Gia Cương chia sẻ.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 3

Ông Hoàng Gia Cương, người em út chia sẻ về câu chuyện huyền thoại của gia đình.

Mỗi lần tiễn con đi, cụ Đồng đều nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt nhưng vẫn nén lòng dặn các con phải làm trọn phận trai khi đất nước có giặc, phải phấn đấu bằng anh, bằng chị, bằng em, vượt qua hiểm nguy để lập công, đem vinh quang về cho quê hương, gia đình…

Anh khóc thương mấy ngày liền vì nghĩ em đã hi sinh

Trong cuốn hồi ký được ghi chép tỉ mỉ, Đại tá Cẩn chia sẻ rằng, trước Cách mạng tháng Tám ông cùng hai người anh Cảnh và Tuệ vừa đi học ở Trường Thuận Hóa (Huế) vừa đi gõ đầu trẻ nuôi thân.

Tại đây, họ được gặp gỡ và học hỏi những nhân vật yêu nước như Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh… Ông Cảnh sau đó ra Thanh Hóa làm việc đồng thời bí mật hoạt động cách mạng. Người anh này sau đó đã trở thành cán bộ chính trị đầu tiên phụ trách văn phòng tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa, được chọn làm thư ký cho cụ Hồ Tùng Mậu.

Ông Hoàng Thúc Tuệ sau khi rời Trường Thuận Hóa cũng tham gia đánh Pháp ở cực Nam Trung bộ, Điện Biên Phủ…

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 4
Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 5
Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 6

Đại tá Hoàng Thúc Cẩn ôn lại những kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô.

Riêng bản thân ông Cẩn thì xếp bút nghiên về quê tham gia kháng chiến trong ngày Nhật đảo chính. Sau đó ông vào quân đội, được biên chế về Trung đoàn 9, Đại đoàn 304, tham gia chiến đấu khắp các chiến trường.

Người em kế tiếp ông Cẩn là Hoàng Thúc Tấn học trường thiếu sinh quân rồi trở thành chiến sĩ thông tin, đóng quân ở Hòa Bình. Sau 4 anh lớn, cậu em Hoàng Quý Thân cũng được gia đình cho đi học ở Nghệ An.

Trước ngày giải phóng Thủ đô, 5 anh em ông ở năm phương trời xa cách. Họ hoàn toàn bặt tin nhau. Năm 1951, ông Tuệ từng nhận được tin ông Cẩn hi sinh khi tham gia chiến dịch Hòa Bình nên khóc thương suốt mấy ngày đêm. Gia đình các ông khi ấy đang ở vùng địch tạm chiếm nên cũng không rõ các con sống chết ra sao giữa cuộc chiến khốc liệt.

Buổi hẹn ngày Chủ nhật trên cầu Thê Húc

Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 chấn động địa cầu buộc Pháp phải chịu thua, ký hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân khỏi miền Bắc.

Ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô các đoàn quân chiến thắng hùng dũng tiến vào giải phóng Thủ đô. Trong niềm vui chung của cả dân tộc, của Thủ đô Hà Nội, gia đình Đại tá Cẩn bất ngờ có được niềm vui tuyệt vời mà họ chưa từng nghĩ đến.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 7

Cầu Thê Húc nơi 5 anh em xứ Quảng gặp nhau.

Sau bao năm vào sinh ra tử, tham gia nhiều trận đánh hiểm yếu như trận đánh vào căn cứ của địch ở Phát Diệm (Ninh Bình), trận Điện Biên Phủ, trận Phù Trịch (Quảng Bình)…, có người đã được tổ chức lễ truy điệu, họ lại hội tụ trọn vẹn khi Thủ đô giải phóng. Theo Đại tá Cẩn và nhà thơ Hoàng Gia Cương thì đó quả là một câu chuyện hiếm có, là đại hồng phúc của gia đình.

Chia sẻ cụ thể hơn về hành trình các anh mình tìm lại được nhau, nhà thơ Hoàng Gia Cương cho biết, khi các cánh quân tiến về Hà Nội thì ông Hoàng Thúc Cảnh từ chiến khu Việt Bắc tiến thẳng vào Phủ Toàn quyền rồi đóng quân ở Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108).

Ông Hoàng Thúc Tuệ ở Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã Tư Sở, vào tiếp quản một số cơ sở ở Bạch Mai.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 8
"Nhà tôi sinh được 7 người con/ Quyết chí chung tình với nước non/ Kháng chiến 5 con đi khắp nước/ Lớn lên hai bé sẽ xung phong…".

Ông Hoàng Thúc Tấn từ Hòa Bình vào Ô Chợ Dừa, đến Ô Quan Chưởng rồi qua Long Biên và đóng quân ở đầu cầu Long Biên. Đơn vị ông Hoàng Thúc Cẩn thì về tiếp quản sân bay Gia Lâm. Ông Hoàng Quý Thân khi ấy đang học ở Nghệ An đã xin đi theo một đoàn quân từ Nghệ An về Thủ đô.

Trong ngày 10/10, tất cả 5 người đều có mặt ở Hà Nội nhưng ở mỗi khu vực khác nhau. Họ băn khoăn không biết số phận các anh em mình ra sao, có còn cơ hội chứng kiến ngày trọng đại này. Tuy nhiên, họ không biết làm cách nào để giải đáp những thắc mắc ấy.

Ông Hoàng Quý Thân là người nảy ra ý định đi tìm các anh đầu tiên. "Trong gia đình, anh Thân vốn là người hoạt bát nhất nên khi ra đến Hà Nội ngày 10/10, anh đã đi đến các địa điểm dò hỏi từng nơi một, gặp anh bộ đội nào cũng hỏi.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 9

Qua nhiều lời chỉ dẫn, anh Thân một mình sang Gia Lâm tìm được anh Cẩn", ông Cương kể.

Kể từ đây, hai ông Cẩn - Thân tiếp tục đi tìm các anh em còn lại. Một vài ngày sau, hai anh em vào nội thành đi đến giữa cầu Long Biên, ông Cẩn nhìn thấy phía ở nhịp cầu ngược lại một người có dáng đi rất giống với ông Tấn liền gọi to: "Tấn, có phải em Tấn không?". Người lính trẻ Hoàng Thúc Tấn chạy vội tới. Cả ba anh em họ ôm chầm lấy nhau.

Họ tiếp tục đi khắp nơi dò hỏi tin tức của anh Cảnh, anh Tuệ. Gặp các đơn vị đóng quân, hay những đoàn bộ đội tiến vào Thủ đô, các ông đều nhắn họ tên các anh để nếu ai gặp thì nhắn giúp "có ba em Cẩn, Tấn, Thân chờ ở cầu Thê Húc vào sáng chủ nhật mỗi tuần".

Những đoàn quân tỏa đi khắp Thủ đô đã mang theo lời nhắn nhủ của 3 anh em ông Cẩn. Sáng Chủ nhật đầu tiên sau ngày giải phóng, họ hồi hộp ra cầu Thê Húc và bất ngờ nhận ra một gương mặt thân quen - người anh Hoàng Thúc Tuệ. Một tuần sau đó, họ cũng gặp lại ông Hoàng Thúc Cảnh trên cây cầu giữa Hồ Gươm.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 10

Một dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, anh em Đại tá Cẩn đi dạo quanh hồ gươm. (Ảnh: H. G. C)

Cả 5 anh em nghẹn ngào không thể nghĩ sau bao năm xa cách, họ có thể trùng phùng ngay giữa Thủ đô yêu dấu. Trước cửa đền Ngọc Sơn, 5 anh em đã bái vọng vọng linh tổ tiên và mẹ Nguyễn Thị Như Đồng - người phụ nữ 5 lần tiễn con lên đường đi học, đi đánh giặc và chưa một lần gặp lại các con cho đến lúc ra đi.

Sau buổi gặp gỡ, do mỗi người có nhiệm vụ công tác riêng nên họ lưu lại địa chỉ đơn vị của nhau rồi lại chia tay, mỗi người mỗi ngả. Có người được cử đi học, có người lại tiếp tục xông pha các chiến trường…

Sau này, Đại tá Cẩn về Quảng Bình đưa cha và em út Hoàng Gia Cương ra Hà Nội sinh sống (người anh cả Hoàng Bá Trình đã qua đời sớm do bệnh tật).

Đất nước thống nhất, cả 6 anh em Đại tá Cẩn cùng ở lại Thủ đô làm việc. Mỗi dịp 10/10 hàng năm, họ đều họp mặt tại gia đình ông Cẩn, rồi cùng nhau đi dạo Hồ Gươm, viếng đền Ngọc Sơn.

Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 11
Mỗi người một chiến trận, 5 anh em hội ngộ kỳ diệu khi về giải phóng Thủ đô - 12

Đại tá Cẩn và nhà thơ Hoàng Gia Cương luôn xem cuộc hội ngộ là một câu chuyện hiếm có, là đại hồng phúc của gia đình.

Năm 2004, ông Tuệ qua đời vì bệnh tật. Những người còn lại do tuổi cao, sức yếu nên ai cũng gặp khó khăn trong di chuyển. Tuy vậy, họ vẫn giữ thói quen kỷ niệm ngày Thủ đô giải phóng.

Với họ, đó là những ngày tháng không thể nào quên, những ngày tháng đã đi vào lịch sử của dân tộc và của riêng gia đình yêu nước họ Hoàng sản sinh từ quê hương Quảng Bình cách mạng.

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Toàn Vũ