(Dân trí) - Đang làm công chức, giám đốc một đơn vị sự nghiệp Nhà nước, công việc vạn người mong muốn, bất ngờ anh Bùi Thanh Quang xin "nghỉ hưu" về làm nông dân để theo đổi giấc mơ làm sạch môi trường.
"Vua bãi rác" từ quan, nuôi giấc mơ làm sạch môi trường
Đang làm công chức, giám đốc một đơn vị sự nghiệp Nhà nước, công việc vạn người mong muốn, bất ngờ anh Bùi Thanh Quang xin "nghỉ hưu" về làm nông dân để theo đuổi giấc mơ làm sạch môi trường.
Cách đây mấy tháng, anh Bùi Thanh Quang (SN 1984, trú TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) hàng ngày cứ đúng 7h sáng có mặt tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, trưa ở lại ăn cơm tại nhà máy, chiều mới trở về nhà. Công việc tại nhà máy xử lý rác gắn bó với anh từ năm 2014.
Vốn tốt nghiệp đại học nông nghiệp, năm 2009 anh thi đỗ công chức và vào làm việc tại Phòng Kinh tế của UBND thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp). Cứ ngỡ sẽ gắn bó với chân văn phòng, nhưng sau 5 năm công tác tại đây anh được thăng chức làm Phó Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình.
Anh Quang kể: "Mình tốt nghiệp đại học nông nghiệp, không liên quan gì đến rác thải, khi mới được phân công nhiệm vụ mới "nửa mừng nửa lo". Mừng vì được thăng chức, lo vì nhiệm vụ mới chưa biết làm từ đâu. Bắt đầu công việc mới với biết bao ngỡ ngàng, dần dần nhờ lãnh đạo cấp trên và mọi người giúp đỡ, mình cũng đã bén duyên với nghề làm bạn với… rác".
Quãng thời gian làm việc tại đây, anh Quang cùng mọi người ở nhà máy ăn, ngủ, nghỉ bên rác. Nói ra không ai tin nhưng khi đến tận nơi mới thấy đó sự thật. Cả khu vực nhà máy rác thải từ khắp nơi đổ về. Mỗi ngày bình quân nhà máy tiếp nhận xử lý để ủ phân vi sinh và chôn lấp gần 300 tấn rác.
Rác đưa về chưa kịp xử lý là mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bọ bay khắp nơi. Người công nhân luôn phải căng mình làm việc để đảm bảo tiến độ xử lý rác, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Người đàn ông 38 tuổi tâm sự, công việc tại nhà máy xử lý không chỉ vất vả về chuyên môn, kỹ thuật, xử lý vận hành máy móc, quản lý phương tiện… mà mọi người làm việc tại đây luôn phải đối mặt với các ô nhiễm từ rác.
Trong 7 năm làm việc tại nhà máy xử lý rác thải cũng từng ấy năm Tết anh đón giao thừa tại nhà máy xử lý rác thải. "Giây phút mọi người được ngồi sum vầy bên nhau đón năm mới thì các công nhân của nhà máy lại căng mình thu gom những xe rác cuối cùng, đưa về nhà máy xử lý" - anh Quang nhớ lại.
Năm 2017, anh Quang được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình. Cũng từ đây, chàng trai có nước da trắng trẻo, tính tình hiền lành, điềm đạm được mọi người đặt cho biệt danh là "vua bãi rác".
Anh tâm sự: "Cái biệt danh hài hước "vua bãi rác" mà mọi người đặt cho mình cũng đúng. Bởi cả tỉnh Ninh Bình chỉ có đơn vị duy nhất nhà máy là nơi xử lý và chôn lấp rác thải nên mọi nguồn rác đều đổ về đây.
Bên cạnh đó, trên cương vị người đứng đầu nhà máy, anh Quang cùng các nhân viên nhiều năm liền đã nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong việc xử lý, chôn lấp rác thải giảm thiểu ô nhiễm, tránh gây tác động lớn đến môi trường.
"Mình và các công nhân quá trình vận hành nhà máy đã cải tạo một số máy móc, thiết bị để phù hợp với điều kiện đặc thù của rác thải tại địa phương như: cải tạo máy sàng phân vi sinh từ rác thải; cải tiến phương pháp chôn lấp rác để giảm nguy cơ gây cháy, giảm phát tán mùi hôi thối ra môi trường xung quanh; phối trộn phế thải chăn nuôi vào quá trình ủ phân để nâng cao chất lượng phân vi sinh được chế biến từ rác…" - anh Quang cho hay.
Đang gắn bó với công việc, trên cương vị người đứng đầu được 5 năm, bất ngờ anh Quang đệ đơn xin "nghỉ hưu" trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
"Biết mình xin nghỉ việc tất cả mọi người đều phản đối. Ai cũng động viên mình ở lại tiếp tục công tác vì còn trẻ, làm ở vị trí mà nhiều người cả đời phấn đấu cũng không có được, giờ nghỉ việc thì quả là lãng phí.
Bố mẹ, vợ con, anh em cũng phản đối kịch liệt khi mình xin nghỉ việc. Ai cũng lo lắng vì không biết nghỉ việc nhà nước rồi mình sẽ làm gì. Bao nhiêu năm ăn học, phấn đấu mãi giờ nghỉ thì tiếc nuối lắm" - anh Quang kể lại khi quyết định xin về hưu.
"Vua bãi rác" tâm sự: "Ai cũng phản đối, lo lắng cho mình nhưng điều làm mình trăn trở nhất là nhiều người không hiểu được vì sao mình lại xin nghỉ khi đang là công chức lại làm đến vị trí giám đốc của đơn vị sự nghiệp. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng mình có vấn đề gì đó mới xin nghỉ".
Ngày nhận quyết định chính thức được "nghỉ hưu", anh Quang thở phào nhẹ nhõm vì từ hôm đó bản thân không còn chút vướng bận, lo âu đối với công việc gắn bó gần 10 năm. Anh cũng không thấy hụt hẫng vì đã chuẩn bị tinh thần cho việc "nghỉ hưu" từ rất lâu để chuẩn bị bước vào một thử thách mới.
Anh em bạn bè hiểu anh thường bảo: "Vua bãi rác" giờ về hưu rồi! Từ nay hết làm "vua" lại về làm nông dân. Đời hiếm có người như Quang".
Nghỉ công chức được ít hôm, anh Quang bắt tay ngay vào các dự định của mình mà trước đó đã ấp ủ. "Mình vốn sinh ra là con nhà nông nên đam mê làm nông nghiệp từ bé. Giờ "từ quan" rồi lại về làm nông dân để được thỏa mãn niềm đam mê" - anh Quang tâm sự.
Từ sau khi nghỉ việc, anh tập trung vào công việc chính là nghiên cứu để cho ra các chế phẩm sinh học bao gồm men vi sinh và nấm đối kháng Trichoderma giúp bà con nông dân xử lý môi trường trong chăn nuôi, sản xuất phân vi sinh từ phế thải chăn nuôi, trồng trọt.
"Chế phẩm mình nghiên cứu được tạo ra từ việc tổng hợp các vi sinh vật, nấm có ích trong môi trường tự nhiên. Các vi sinh vật này được nhân lên trong phòng thí nghiệm rồi nhân sinh khối trên giá thể là cám gạo và gạo lứt sau đó đưa ra sử dụng" - anh Quang nói.
Anh Quang vui mừng cho biết thêm, hiện các sản phẩm từ men vi sinh và nấm đối kháng anh tạo ra đang được anh phát cho bà con nông dân có trang trại chăn nuôi gà, lợn, trâu bò và trồng cây dùng thử miễn phí.
"Ban đầu mọi người nghi ngờ về cách làm của mình, nhưng càng dùng càng thấy việc xử lý môi trường trong chăn nuôi bằng các vi sinh vật có sẵn trong tự nhiên an toàn, không gây hại cho người và vật nuôi mà lại rất hiệu quả, sau đó ai cũng rất thích thú và ứng dụng luôn với cách làm mà mình đưa ra" - anh Quang chia sẻ thêm.
Không chỉ giúp bà con xử lý chuồng trại giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ đảm bảo chất lượng ngay tại hộ gia đình, anh Quang còn lên phương án, mua lại các loại phân thải và phế thải của bà con nông dân sau khi ủ men vi sinh do anh tạo ra để về sản xuất phân hữu cơ.
Hy vọng của anh Quang là trong thời gian tới sẽ đồng hành cùng bà con nông dân tạo ra chuỗi năng lượng tích cực từ việc sử dụng các men vi sinh, nấm đối kháng có lợi có sẵn trong tự nhiên. Điều này không chỉ làm sạch môi trường mà còn tạo cơ sở vững chắc để làm nên nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững cho tương lai từ các sản phẩm được tái tạo trong trồng trọt và chăn nuôi.
Nội dung: Bùi Thái Bá
Thiết kế: Khương Hiền