DNews

Vì sao doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp?

Thế Kha

(Dân trí) - Doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp có thể dẫn tới việc phân biệt đối xử, chỉ tuyển dụng người lao động không có án tích - rào cản cho người từng phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.

Vì sao doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp?

Liên quan đến việc nhiều tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng việc yêu cầu người lao động nộp phiếu lý lịch tư pháp gây ồn ào dư luận thời gian qua, bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia (Bộ Tư pháp) trả lời phóng viên Dân trí  về vấn đề này cũng như các biện pháp phòng chống tiêu cực.

Phân biệt đối xử, doanh nghiệp chỉ tuyển người lao động không có án tích?

Hiện nay có bao nhiêu thủ tục hành chính, lĩnh vực yêu cầu người dân, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức… phải nộp phiếu lý lịch tư pháp, thưa bà?

-Theo Danh mục thủ tục hành chính có yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp ban hành kèm theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, có 154 thủ tục hành chính yêu cầu có phiếu này trong nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, thành lập hội, cấp giấy phép thành lập, cấp chứng chỉ hành nghề trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, lao động, bổ nhiệm các chức danh tư pháp (công chứng viên, luật sư, giám định viên, quản tài viên...).

Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy, có 9 thủ tục hành chính nêu tại danh mục không thuộc phạm vi rà soát theo yêu cầu của Chỉ thị số 23. Do đó, theo rà soát có 145 thủ tục hành chính có yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp.

Vậy, có những thủ tục, yêu cầu nào bắt buộc người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp chưa phù hợp, lạm dụng quy định pháp luật hoặc hiểu không đúng tinh thần của Khoản 3, Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp?

-Khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp đã quy định rõ: "Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã".

Thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính có yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý để cắt giảm yêu cầu nộp phiếu này không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định tại Khoản 3, Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp, chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp nhằm phục vụ mục đích quản lý nhân sự, không yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp phiếu này.

Vì sao doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp? - 1

Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp mới đây (Ảnh: Hồng Thái).

Một trong những điều gây bức xúc dư luận thời gian qua là việc người chạy xe ôm công nghệ, công nhân,… cũng bị doanh nghiệp yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp?

-Thực trạng một số tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu cá nhân phải có phiếu lý lịch tư pháp khi nộp hồ sơ tuyển dụng lao động như lái xe công nghệ, giao hàng (shopeefood, grabfood…) hoặc lao động phổ thông, có thể được coi là "lạm dụng" quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và chưa phù hợp với quy định pháp luật về lao động ở nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, Luật Lý lịch tư pháp (khoản 1 Điều 7) đã quy định: "Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của mình".

Cũng theo quy định của luật, cá nhân có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 của mình mà không bị giới hạn mục đích sử dụng phiếu. Do đó, một số tổ chức, doanh nghiệp đã "lạm dụng" quy định này để yêu cầu cá nhân phải có phiếu lý lịch tư pháp khi nộp hồ sơ tuyển dụng, sử dụng lao động trong một số vị trí công việc như đã nêu trên.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2019, khi giao kết hợp đồng lao động thì "người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu".

Theo đó, người lao động có nghĩa vụ cung cấp những thông tin cơ bản của cá nhân và thông tin cần thiết khác liên quan đến công việc ký kết hợp đồng lao động.

Trong khi đó, phiếu lý lịch tư pháp là văn bản xác nhận về tình trạng án tích của cá nhân, đây là những thông tin liên quan đến bí mật đời tư. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải xác định rõ những thông tin trong phiếu lý lịch tư pháp có phải là những thông tin cần thiết, có liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động.

Luật Lý lịch tư pháp quy định có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp do các cơ quan tư pháp cấp; mỗi loại phục vụ các mục đích khác nhau. 

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp, tức là cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này (tức là cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử) và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Từ đó, tôi cho rằng doanh nghiệp chỉ yêu cầu người lao động cung cấp phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp các thông tin lý lịch tư pháp có liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động.

Hơn nữa, việc yêu cầu người lao động cung cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong đó có các thông tin về án tích có thể dẫn đến việc phân biệt đối xử trong quan hệ lao động. Chẳng hạn, từ thông tin có được, doanh nghiệp chỉ tuyển dụng người lao động không có án tích.

Việc phân biệt đối xử như vậy cũng trở thành "rào cản" cho cá nhân đã từng phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, làm mất đi ý nghĩa nhân văn của chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta.

Vì sao doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp? - 2

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi án tích chưa được xóa còn Phiếu số 2 ghi đầy đủ tất cả các án tích (Ảnh minh họa).

Thiếu chế tài xử lý

Nếu phát hiện tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu người lao động phải nộp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định thì có cơ chế kiểm tra, xử phạt hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý không, thưa bà?

-Hiện nay, chưa có chế tài áp dụng đối với những cơ quan, tổ chức lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cấm hoặc hạn chế các doanh nghiệp yêu cầu người dân phải xuất trình/nộp phiếu lý lịch tư pháp trong tuyển dụng, sử dụng lao động.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để hạn chế các doanh nghiệp yêu cầu người dân phải xuất trình/nộp phiếu lý lịch tư pháp không cần thiết trong tuyển dụng, quản lý lao động.

Từ đó, đề xuất chế tài để áp dụng đối với những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định pháp luật.

Vì sao doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp? - 3

"Doanh nghiệp yêu cầu cá nhân phải có phiếu lý lịch tư pháp khi nộp hồ sơ tuyển dụng lao động như lái xe công nghệ, giao hàng (shopeefood, grabfood…) hoặc lao động phổ thông, có thể được coi là "lạm dụng" quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp", bà Đỗ Thị Thúy Lan nói (Ảnh: Trường Thịnh).

Trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới các Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân tại các địa phương để quán triệt tới các doanh nghiệp, thành viên của hiệp hội nhằm thực hiện đúng các quy định về tuyển dụng lao động, hồ sơ tuyển dụng lao động. Nghiêm túc chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu người lao động phải nộp phiếu lý lịch tư pháp không cần thiết.

Sau những chỉ đạo quyết liệt vừa qua của lãnh đạo Chính phủ Bộ Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã có những đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh nào liên quan đến việc lạm dụng cấp phiếu lý lịch tư pháp?

-Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Tư pháp, nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về ý nghĩa, giá trị của phiếu lý lịch tư pháp, nhất là việc không yêu cầu người dân nộp/xuất trình phiếu không đúng quy định của luật hiện hành.

Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp thực hiện rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính có yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý để cắt giảm yêu cầu nộp phiếu không hợp lý.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cũng tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để hạn chế các doanh nghiệp yêu cầu người dân phải xuất trình/nộp phiếu không cần thiết trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động.

Vì sao doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp? - 4

Bà Đỗ Thị Thúy Lan lo ngại doanh nghiệp chỉ tuyển dụng người lao động không có án tích. Việc phân biệt đối xử như vậy sẽ trở thành "rào cản" cho cá nhân đã từng phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, làm mất đi ý nghĩa nhân văn của chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta (Ảnh: Hải Lý).

Đề xuất tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác lý lịch tư pháp

Những giải pháp trước mắt và lâu dài mà Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện để việc cấp phiếu lý lịch tư pháp được thuận tiện, nhanh chóng, không còn tình trạng xếp hàng, gây khó dễ trong việc cấp phiếu này?

-Trước mắt, tôi cho rằng cần đẩy mạnh, khuyến khích người dân thực hiện các phương thức yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp mới, bên cạnh phương thức truyền thống trực tiếp nộp hồ sơ như nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh.

Đồng thời, cần nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cấp bộ, cấp tỉnh để bảo đảm kết nối, chia sẻ, số hóa và tái sử dụng các thông tin dữ liệu, bảo đảm hệ thống thông tin hoạt động thông suốt, ổn định, phục vụ tốt yêu cầu thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân.

Trung tâm đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) xây dựng, ban hành Quy trình thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID để tổ chức thí điểm tại Thừa Thiên Huế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Dự kiến tháng 11/2023, các đơn vị có liên quan thuộc hai Bộ sẽ phối hợp ban hành quy trình.

Trên cơ sở đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn cho Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm giải pháp này. Sau thời gian thí điểm, Bộ Tư pháp và Bộ Công an sẽ phối hợp tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm để báo cáo Thủ tướng đề xuất thực hiện nhân rộng trên toàn quốc.

Sau sự việc ồn ào vừa qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã có những biện pháp nào để phòng chống tiêu cực trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp tại trung tâm cũng như các Sở Tư pháp địa phương?

-Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã thực hiện rà soát lại các quy trình giải quyết cấp phiếu tại trung tâm; bố trí cán bộ có năng lực, chuyên môn thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi cũng đề xuất lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác lý lịch tư pháp, trong đó có hoạt động cấp phiếu tại các địa phương để bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác này, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp phiếu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Xin trân trọng cảm ơn bà !

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.

Trong số các chức năng của trung tâm có việc tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do VKSND Tối cao, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Sở Tư pháp cung cấp.

Cơ quan này cũng tiếp nhận lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp các địa phương cung cấp; lập Lý lịch tư pháp, cấp phiếu lý lịch tư pháp theo thẩm quyền.

Giữa tháng 7 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Quốc Hùng (Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia), Lương Nhân Hòa (Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) và Nguyễn Đình Cảnh (Phó trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) về tội Nhận hối lộ.

Ngoài ra, Nguyễn Xuân Thọ (Đại diện Văn phòng giao dịch Công ty Luật TNHH Vicco), Phạm Quang Hậu (cộng tác viên của Công ty Luật TNHH Vicco) và Nguyễn Thị Ngọc (chuyên viên Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp Hà Nội) bị khởi tố tội Đưa hối lộ.

Theo Bộ Công an, các bị can nêu trên đã có hành vi đưa và nhận hối lộ để giải quyết việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trái quy định. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án để làm rõ các sai phạm.