PhotoStory

Về nơi từng một thời "hố bom chồng lên hố bom"

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - 55 năm trước, mặt đất ở Ngã ba Đồng Lộc biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom. Để giữ vững mạch máu giao thông, hàng trăm, hàng ngàn chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống.

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 1

Những ngày cuối tháng 7, hàng nghìn lượt du khách, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong từ các tỉnh, thành trong cả nước đến thắp hương tưởng nhớ những liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 2

Từ năm 1964 đến năm 1972, quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn. Thời điểm đó, mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A.

Trong đó, ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này. Nơi đây được ví như yết hầu, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 3

Từ năm 1964 đến năm 1972, Mỹ xác định được vị trí chiến lược của ngã ba Đồng Lộc nên tập trung máy bay đánh phá liên tục, trong đó năm 1968 ác liệt nhất.

Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân, một mét vuông đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom. Mặt đất biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom.

Ngã ba Đồng Lộc như nổ tung lên, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi. Trong ảnh, khung cảnh "tọa độ chết" ngã ba Đồng Lộc vào năm 1968 (Ảnh: Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc).

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 4

Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… Số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người.

Họ làm nhiệm vụ chiến đấu đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.

Để giữ vững mạch máu giao thông được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong.

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 5

Trưa 24/7/1968, một ngày như mọi ngày, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 2, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường để thông xe. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom.

Hầm sập, cả 10 chị hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người nhỏ tuổi nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. Trong ảnh là hố bom nơi 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh.

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 6

Khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong nằm dưới chân núi Trọ Voi, cạnh đó có hố bom (vùng khoanh đỏ) - nơi các nữ thanh niên xung phong hy sinh.

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 7

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7-1947-27/7/2023) và 55 năm ngày mất của 10 nữ thanh niên xung phong, hàng nghìn lượt thanh niên, thiếu nhi, các cơ quan, đoàn thể tập trung về khu mộ thắp hương tưởng nhớ.

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 8

Phan Thị Việt Ngọc (21 tuổi, quê huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Trong thời gian về thăm gia đình, Ngọc đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc thắp hương.

"Em còn mua hoa cúc trắng dâng lên mộ với tấm lòng biết ơn những liệt sỹ đã hy sinh để đất nước có được nền độc lập, hòa bình ngày hôm nay", Ngọc nói.

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 9

Tại khu di tích còn có Nhà bia tưởng niệm được xây dựng vào năm 1998, tu bổ lại vào năm 2007. Nơi này khắc tên gần 4.000 anh hùng, liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc và các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc.

Về nơi từng một thời hố bom chồng lên hố bom - 10

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam, gặp lại những cựu thanh niên xung phong Hà Tĩnh.

"Chúng tôi trở lại Đồng Lộc để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Họ đã đổi máu xương của mình cho sự bình yên hôm nay. Đồng Lộc ngày nay đã thay đổi quá nhiều, nơi yên nghỉ, thờ phụng các anh hùng liệt sỹ cũng luôn nhận được sự quan tâm của tất cả mọi người. Chúng tôi rất xúc động và cảm thấy ấm lòng vì điều đó", ông Kim chia sẻ.