Tranh luận việc xóa dòng chữ "Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên cao tốc
(Dân trí) - Nhà chức trách đường bộ chủ trương gỡ bỏ một dòng chữ không đúng quy chuẩn trên biển báo giao thông. Chỉ đạo này đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.
"Kẻ xấu", "bị chơi xấu", "phá hoại"... là cách dùng từ của một số kênh thông tin khi đề cập đến vụ việc dòng chữ "Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" bị xóa bỏ trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Tập đoàn Sơn Hải đã chia sẻ vụ việc với giới truyền thông, đồng thời khẳng định sẽ mời công an làm rõ hành vi phá hoại tài sản.
Thế nhưng, chính đơn vị quản lý vận hành cao tốc đã xóa bỏ dòng chữ trên theo yêu cầu của Khu quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ).
Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 1/11, một số trang báo đưa tin về việc dòng chữ "đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên các biển báo của tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu bị "kẻ xấu ngang nhiên xóa bỏ".
Đại diện Tập đoàn Sơn Hải khẳng định các biển báo có dòng chữ này là tài sản của doanh nghiệp. Do đó, việc xóa dòng chữ trên biển có dấu hiệu của hành vi phá hoại tài sản, cần được điều tra.
Tuy nhiên, chính đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc đã xóa bỏ dòng chữ đó.
Lãnh đạo Khu quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ) cho biết nhóm người đã xóa dòng chữ "Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" là nhân viên của công ty vận hành khai thác cao tốc VIDIFI. Đây là đơn vị được Khu II thuê để vận hành cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.
Việc xóa dòng chữ cũng được triển khai theo chỉ đạo của Khu II với lý do dòng chữ không nằm trong hồ sơ thiết kế của dự án và có nguy cơ làm tài xế phân tâm khi lái xe trên cao tốc.
Về phía Tập đoàn Sơn Hải, nhà thầu này vẫn bảo lưu quan điểm các biển báo có dòng chữ cam kết bảo hành là tài sản của mình, và việc xóa bỏ dòng chữ trên biển là dấu hiệu của hành vi phá hoại. Doanh nghiệp đề nghị công an vào cuộc làm rõ.
Góc nhìn pháp lý
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Võ Trí Hảo, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đánh giá việc đầu tiên cần làm rõ là đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc sở hữu của ai. Đây là dự án đầu tư công, tất nhiên thuộc sở hữu của Nhà nước.
Đặt vấn đề các tài sản trên đường cao tốc được sử dụng với mục đích, chức năng như thế nào, ông Hảo cho rằng rõ ràng các biển báo trên cao tốc đều có quy chuẩn với chức năng đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây phân tâm hoặc nhầm lẫn.
Như vậy, việc Khu quản lý đường bộ II (với vai trò đại diện nhà nước quản lý tuyến đường) yêu cầu xóa bỏ những dòng chữ không theo quy chuẩn, với nội dung nằm ngoài chức năng đảm bảo an toàn giao thông, là hợp lý.
Theo PGS Võ Trí Hảo, xét đến trường hợp nhà thầu bỏ tiền túi để dựng lên tấm biển báo đó (không yêu cầu chủ đầu tư thanh toán), rồi lấy đó làm căn cứ khẳng định tấm biển thuộc sở hữu của mình, thì việc cắm tấm biển (của doanh nghiệp) lên tuyến đường (của nhà nước) cũng là điều không được phép.
Nếu doanh nghiệp cho rằng tài sản của mình bị tịch thu hoặc phá hoại mà không được thông báo, doanh nghiệp có thể khởi kiện đơn vị quản lý đường ra tòa. Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi thực tế rằng dòng chữ trên biển cần được xóa bỏ để đảm bảo quy chuẩn biển báo và quy định pháp luật.
"Hãy tưởng tượng tôi là nhà thầu đi xây nhà cho anh, khi xây xong tôi căng một tấm biển trước nhà để quảng cáo về thương hiệu nhà thầu. Ngay cả khi căn nhà tôi xây có chất lượng tốt thật, anh có chấp nhận được điều đó không?", PGS Võ Trí Hảo nêu ví dụ.
Nhìn ở khía cạnh an toàn giao thông, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết các hệ thống báo hiệu đường bộ trên cao tốc được quy định rất chặt chẽ với mục đích giúp người tham gia giao thông di chuyển an toàn, tránh những nội dung không liên quan đến an toàn, gây phân tâm.
"Tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo, truyền bá một thông điệp hay đưa ra một lời cam kết trên đường cao tốc, đều phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Làm các cột biển quảng cáo đặt gần đường cao tốc còn phải xin phép chứ chưa nói tới một biển báo đặt ngay trên kết cấu của tuyến đường", Thượng tá Công chia sẻ.
Theo ông Công, trách nhiệm bảo hành của nhà thầu vốn đã nằm cả trong hợp đồng thi công ký với chủ đầu tư, có ghi trên biển báo hay không, nhà thầu vẫn phải thực thi đầy đủ trách nhiệm này.
Đi sâu vào khía cạnh pháp lý của vụ việc, sẽ có thêm nhiều câu hỏi phải trả lời. Thứ nhất, vì sao một tấm biển sai quy chuẩn lại được dựng lên, vượt qua các vòng nghiệm thu, thẩm định... rồi trở thành hình ảnh quen thuộc với các tài xế từ khi thông xe đến nay (hơn 1 năm). Ban quản lý dự án 6 với vai trò chủ đầu tư cao tốc cần giải trình vấn đề này.
Thứ hai, nếu tấm biển "Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu sai quy chuẩn, các tấm biển tương tự tại cao tốc khác do Sơn Hải thi công sẽ được xử lý thế nào? Hiện, trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Nha Trang - Cam Lâm cũng có những biển báo giao thông với dòng chữ "Đường Sơn Hải bảo hành 10 năm".
Theo tìm hiểu của phóng viên, Khu quản lý đường bộ II cũng đã yêu cầu đơn vị vận hành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 xóa bỏ dòng chữ không đúng quy chuẩn về nhà thầu Sơn Hải trên các biển báo.
Cam kết của doanh nghiệp và cảm tình từ công chúng
Nhà chức trách đường bộ chủ trương gỡ bỏ một dòng chữ không đúng quy chuẩn trên biển báo giao thông. Chỉ đạo này đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.
Bài viết Bất ngờ lý do dòng chữ "Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên cao tốc bị xóa đăng trên Báo Dân trí nhận được hàng trăm bình luận với nhiều ý kiến đối lập. Trong đó, nhiều độc giả ủng hộ nhà chức trách đường bộ thực thi đúng theo quy định; cũng có nhiều độc giả mong muốn nhà thầu Sơn Hải được giữ lại dòng chữ vì thông điệp của nó rất ý nghĩa.
Một số bình luận còn cho rằng nhà thầu Sơn Hải bị o ép, bị chơi xấu vì đã làm được những đoạn đường bền đẹp, lại dám công khai cam kết bảo hành 10 năm. Những bình luận này dựa trên nhận thức rằng Sơn Hải là "ngôi sao cô đơn" trong lĩnh vực thi công đường sá, cần được tưởng thưởng để các nhà thầu khác nhìn vào và phấn đấu.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu tương lai đất nước có thêm nhiều nhà thầu uy tín, dám đưa ra cam kết bảo hành tuyến đường 10 năm hoặc lâu hơn, chẳng lẽ nhà thầu nào cũng có quyền ghi thêm lời cam kết của mình vào biển báo giao thông trên tuyến? Để không dẫn tới sự hỗn loạn, người ta đơn giản là tuân thủ các quy chuẩn hiện hành.
Để làm được cả 2 việc: khích lệ "văn hóa cam kết" của nhà thầu và đảm bảo pháp luật được tuân thủ, nhiều ý kiến cho rằng nhà thầu Sơn Hải có thể ghi nội dung cam kết của mình lên các biển quảng cáo được đặt dọc hai bên đường cao tốc.
Tháng 10/2022, Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Bộ GTVT, cam kết bảo hành 10 năm với các gói thầu thi công đường cao tốc do đơn vị này đảm nhiệm (gồm 1 gói thầu trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, 1 gói thầu trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và toàn bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm).
Tập đoàn này đề nghị Bộ GTVT cho phép công khai cắm biển bảo hành 10 năm trên các đoạn đường để người tham gia giao thông tiện theo dõi, giám sát.
Ở văn bản trả lời, Bộ GTVT ghi nhận và đánh giá cao ý thức đảm bảo chất lượng công trình và tinh thần tự nguyện cam kết bảo hành chất lượng của doanh nghiệp Sơn Hải. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu việc triển khai thực hiện phải tuân thủ quy định hợp đồng đã ký kết và các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng.