DNews

TP Thủ Đức chi 4.000 tỷ đồng để chống ngập

An Huy

(Dân trí) - "Mở rộng rạch Cầu Ngang, rạch Thủ Đức và nâng cấp đường Dương Văn Cam… Dự án đã được lên kế hoạch với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2026-2030", lãnh đạo TP Thủ Đức nói.

TP Thủ Đức chi 4.000 tỷ đồng để chống ngập

Ngày 31/5, UBND TP Thủ Đức phối hợp với trường Đại học Thủy Lợi tổ chức buổi tọa đàm Thực trạng và giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo TP Thủ Đức và các chuyên gia đô thị công tác trong ngành giáo dục thủy lợi đã đưa ra một số nguyên nhân ngập nước trên địa bàn, đặc biệt là chợ Thủ Đức và các giải pháp chống ngập.

3 khu vực ngập nặng

Ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Giao thông công chánh TP Thủ Đức cho biết, thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có tổng cộng 37 điểm ngập và 24 điểm theo dõi ngập.

Trong đó, TP Thủ Đức quản lý, giải quyết 26 điểm ngập, 20 điểm theo dõi ngập và các sở, ngành TPHCM quản lý, giải quyết 11 điểm ngập, 4 điểm theo dõi ngập.

Theo ông Nghĩa, từ năm 2023 đến nay, TP Thủ Đức đã giải quyết dứt điểm 13/26 điểm ngập; giải quyết dứt điểm 8/20 điểm theo dõi ngập. Đồng thời, TP Thủ Đức phối hợp với các sở, ngành TPHCM quản lý, giải quyết dứt điểm 3 điểm theo dõi ngập.

TP Thủ Đức chi 4.000 tỷ đồng để chống ngập - 1

Ngập trên đường Đặng Thị Rành, TP Thủ Đức chiều 15/5 (Ảnh: An Huy).

Như vậy, TP Thủ Đức còn tồn tại 24 điểm ngập và 13 điểm theo dõi ngập. Đặc biệt, có 3 khu vực ngập nặng, thành phố cần tập trung giải quyết ngay.

Cụ thể, khu vực phường Thảo Điền gồm 3 điểm ngập: Đường Thảo Điền, Quốc Hương và Trần Ngọc Diện. Khu vực phường Hiệp Phú - Tăng Nhơn Phú A gồm 2 điểm ngập: Đường Lê Văn Việt (đoạn từ đình Phong Phú đến Lã Xuân Oai) và đường Lã Xuân Oai (từ Lê Văn Việt đến đường 102).

Khu vực phường Linh Tây, Trường Thọ (khu vực Chợ Thủ Đức) gồm 3 điểm ngập là Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân.

Những khu vực này ngập do một số tuyến đường, hẻm chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, có cao độ mặt đường thấp hơn so với các tuyến đường, hẻm và khu vực xung quanh.

Một số tuyến đường, hẻm đã được đầu tư hệ thống thoát nước lâu năm, nhưng không đồng bộ, đường kính cống thoát nước nhỏ, xuống cấp, bị cát, đất bồi lắng chưa được nạo vét hoặc đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Một số tuyến đường, hẻm có cao độ mặt đường thấp hơn so với mực nước triều cường tại sông, kênh, rạch và van cống ngăn triều tại cửa xả bị kẹt rác nên khi gặp tình huống triều cường kết hợp mưa to nên không kịp thoát nước gây ngập các khu vực liên quan.

Đồng thời, một số dự án đang triển khai thi công để giải quyết ngập nhưng tiến độ thi công chậm, chưa hoàn thành việc kết nối thoát nước với các tuyến sông, kênh, rạch tự nhiên. Một số tuyến sông, kênh, rạch bị đất cát, cỏ rác, lục bình bồi lắng, chưa được nạo vét, gia cố nên hạn chế việc thu nước, thoát nước và triều cường dâng cao hàng năm.

Để chống ngập, Trưởng phòng Giao thông công chánh TP Thủ Đức cho biết đơn vị này đã đề ra hai phương án là phi công trình và công trình.

Về phi công trình, TP Thủ Đức đã giao UBND phường Linh Tây, Trường Thọ, Linh Đông thực hiện phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng", hướng dẫn người dân khi ngập; phối hợp với thanh tra xây dựng xử lý nghiêm lấn chiếm kênh rạch…

TP Thủ Đức chi 4.000 tỷ đồng để chống ngập - 2

Ngập bên hông chợ Thủ Đức trong cơn mưa chiều 20/5 (Ảnh: Nam Anh).

Đồng thời, thành phố giao Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật phối hợp với chính quyền địa phương bơm nước, vớt rác chống ngập khu vực xung quanh chợ Thủ Đức.

Về giải pháp công trình, nạo vét hệ thống thoát nước tuyến đường Lê Văn Ninh tăng khả năng thoát nước ra rạch Cầu Ngang; nạo vét thông thoáng lòng rạch Cầu Ngang; vận hành các van ngăn triều trên rạch Cầu Ngang để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh cho tuyến đường Dương Văn Cam, phường Linh Tây.

Tìm cách thoát nước ra sông Sài Gòn

PGS.TS Lê Song Giang, trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết những năm qua, khu vực chợ Thủ Đức xây dựng công trình nhiều khiến tỷ lệ bê tông hóa tăng cao. Trước đây, khu vực còn nhiều đất tự nhiên, nước thoát chậm về chợ Thủ Đức, nơi này ít ngập.

Việc bê tông hóa khiến nước từ các khu vực cao hơn thoát nhanh về chợ Thủ Đức. Trong khi, cống thoát nước khu này ra rạch Cầu Ngang còn nhỏ, hẹp khiến ngập nghiêm trọng.

Ông tính toán trận mưa lớn ngày 6/8/2020, mực nước trên sông Sài Gòn không tăng, nhưng rạch Cầu Ngang dâng gần 2m. Điều đó cho thấy rạch quá tải đã 4 năm trước chứ không phải mới đây. Quy hoạch giao thông khu này đang dồn nước về chợ Thủ Đức, rạch Cầu Ngang lại hạn chế thoát nước.

TP Thủ Đức chi 4.000 tỷ đồng để chống ngập - 3

PGS.TS Lê Song Giang trình bày tại buổi tọa đàm (Ảnh: An Huy).

Theo ông Giang, biện pháp cấp bách chống ngập khu này là TP Thủ Đức tìm cách hạn chế cho nước từ các khu đổ về chợ và cải tạo rạch Cầu Ngang, rạch Thủ Đức làm sao thoát nhanh ra sông Sài Gòn.

"Tôi nghĩ rằng tìm cách chia nước từ các đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân… không cho đổ toàn bộ về chợ Thủ Đức. Cách này phải kết hợp một số phương án khác chứ không thể đứng riêng lẻ", ông Giang nói.

PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Viện phó Viện Môi trường Tài nguyên - Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, cần làm lại quy hoạch mới cho thành phố để chống ngập, vì quy hoạch 752/QĐ-TTg của TPHCM đã cũ, cần thay đổi.

TP Thủ Đức bây giờ không tìm cách đối phó, ngập sẽ nghiêm trọng hơn. Mực nước sông rạch thời gian qua trên địa bàn gia tăng khi chúng ta xây dựng bờ bao; tình trạng lún, bê tông hóa cũng rất đáng quan tâm.

Ông nhận định TP Thủ Đức cần hành động nhưng phải làm theo đề án nghiên cứu tổng thể, có số liệu rõ ràng về cống, tình trạng ngập, hướng nước chảy… chứ không làm theo kiểu "thầy bói xem voi". Nếu không tính toán, việc chống ngập có thể chệch hướng.

TP Thủ Đức chi 4.000 tỷ đồng để chống ngập - 4

PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang cho rằng TPHCM cần làm lại quy hoạch mới để chống ngập (Ảnh: An Huy).

Theo PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, nguồn lực chúng ta còn hạn chế nên khi làm phải có kế hoạch tổng thể. Sau đó, thành phố chọn dự án khả thi nhất để giải quyết ngập lần lượt từ hạ lưu lên thượng lưu.

Cụ thể, chợ Thủ Đức có cốt nền thấp trũng, chúng ta chưa triển khai nạo vét và nâng cấp cống từ đây ra rạch Cầu Ngang, mà làm cống thoát nước đường Võ Văn Ngân trước. Thành ra, ngập nặng ở khu vực Thủ Đức trong 2 trận mưa lớn vừa qua.

"Phải nạo vét rạch Cầu Ngang, rạch Thủ Đức. Sau đó, chúng ta có thể dùng máy bơm, bơm nước hỗ trợ từ chợ Thủ Đức ra rạch Cầu Ngang để giảm ngập trước khi thực hiện các dự án lâu dài. Thành phố Thủ Đức cũng nên có tiêu chuẩn thoát nước riêng", ông Quang hiến kế.

Nạo vét, mở rộng kênh

TS Ngô Châu Phương, trường Đại học Giao thông Vận tải nêu một ví dụ chống ngập rất hay mà quận lân cận Thủ Đức đã làm hiệu quả.

Theo ông Phương, nhiều nơi tại quận 12 trước đây hay ngập. Tuy nhiên, từ năm 2012, quận này đã đầu tư nạo vét hàng loạt các kênh, rạch nhỏ làm đê, hệ thống ngăn triều, đường giao thông hai bên ở các phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông… Từ đó, tình trạng ngập nước giảm hẳn.

"Nạo vét, mở rộng kênh rạch và làm đường giao thông hai bên… cần ưu tiên số 1 và làm ngay ở khu vực TP Thủ Đức. Chúng ta vừa qua làm cống chứ chưa tính toán trữ nước. Đường giao thông ở Thủ Đức còn nhiều diện tích trống, có thể làm điểm trữ nước chống ngập. Việc nắp cống xung quanh chợ Thủ Đức bung lên, tôi cho rằng do nước chảy trong lòng cống tương đối nhỏ, tạo áp lực", ông Phương chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Ngô Trùng Dương, Chủ tịch Hội đồng Khoa - Khoa Kỹ thuật hạ tầng đô thị - Giám đốc Trung tâm đào tạo cơ sở Cần Thơ - trường Đại học Kiến trúc TPHCM, cho biết, TP Thủ Đức cần thiết kế các điểm trữ nước bằng hồ điều tiết mà nhiều quốc gia đã áp dụng. Phải làm sao hồ này tự thấm nước xuống đất, các hố ga cũng thiết kế tự thấm.

Nếu chưa làm được van giảm tốc trên đường Võ Văn Ngân, hãm tốc độ nước ở phía thượng lưu, thành phố có thể dùng các bao cát để giảm tốc độ nước.

"Rạch Cầu Ngang dài 1km, rạch Thủ Đức dài 1,3km chống ngập cho khu vực rộng khoảng 604ha. Tuy nhiên, rạch bị lấn chiếm và hẹp nên nước thoát không kịp. Tôi đề xuất ngoài biện pháp nạo vét, có thể lắp trạm bơm 4-5m3/giây từ rạch Thủ Đức để xả nước nhanh ra sông Sài Gòn", ông Dương nêu quan điểm.

TP Thủ Đức chi 4.000 tỷ đồng để chống ngập - 5

Ông Mai Hữu Quyết - Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết đơn vị sẽ chi 4.000 tỷ đồng chống ngập khu vực chợ Thủ Đức (Ảnh: An Huy).

Tổng kết buổi tọa đàm, ông Mai Hữu Quyết - Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, đơn vị sẽ tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia, sau đó làm đề án tổng thể ghi nhận ngập trên địa bàn.

Đồng thời, địa phương triển khai giải pháp giảm ngập khu chợ Thủ Đức với các công trình. Cụ thể, mở rộng rạch Cầu Ngang, rạch Thủ Đức và nâng cấp đường Dương Văn Cam… Dự án đã được lên kế hoạch với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2026 đến năm 2030. Đồng thời, thành phố nghiên cứu làm hồ điều tiết tại khu vực Gò Dưa.

"Phương án tách dòng nước từ đường Võ Văn Ngân sang các nhánh khác, không đổ về chợ Thủ Đức sẽ được đơn vị xem xét thực hiện. Chúng tôi sẽ triển khai sớm các biện pháp phi công trình như: Tuyên truyền vận động người dân không xả rác và ngăn cản mực nước triều... để chống ngập", ông Quyết nói.

Dòng sự kiện: TPHCM vào mùa mưa