(Dân trí) - 5h sáng 12/12, đoàn tàu đầu tiên xuất phát từ ga Cát Linh rời bến, bắt đầu "hành trình" 20 ngày để đánh giá an toàn, kỹ thuật.
Toàn cảnh 9 đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông băng băng qua các nhà ga
5h sáng nay, đoàn tàu đầu tiên xuất phát từ ga Cát Linh chính thức rời bến.
Xuất phát cùng giờ với đầu Cát Linh, đoàn tàu đầu tiên từ ga Yên Nghĩa ( Hà Đông) cũng xuất bến. Các đoàn tàu sẽ vận hành giống như khi đưa vào vận hành khai thác thương mại thật, tức chạy liên tục không nghỉ từ 5h sáng đến 23h đêm, tàu vào ga sẽ dừng 30 giây để đón trả khách. Tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
Dự án có 13 đoàn tàu, tuy nhiên Tổng thầu sẽ vận hành thử nghiệm liên tục 9 đoàn qua 12 ga trong vòng 20 ngày, 3 đoàn tàu còn lại để dự phòng. Hoạt động vận hành thử nghiệm có sự tham gia của nhiều bên, gồm: Chủ đầu tư dự án, Tổng thầu Trung Quốc, Tư vấn độc lập của Pháp, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước...
Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Trên tàu và các ga trong buổi vận hành chạy thử sáng nay chỉ có các chuyên gia, lái tàu, kỹ thuật viên. Báo chí, khách mời cũng như người dân không được tham gia vào kế hoạch vận hành chạy thử.
Tổng số 12 ga lần lượt là: Yên Nghĩa - Văn Khê - La Khê - Hà Đông - Văn Quán - Phùng Khoang - Vành Đai 3 - Thượng Đình - Láng - Thái Hà - La Thành - Cát Linh. Hai ga Yên Nghĩa và Cát Linh là hai ga đầu bến và cũng là cuối bến. Trong ảnh: đoàn tàu đường sắt rời ga Vàng Đai 3 chạy về ga Phùng Khoang.
Đoàn tàu rời ga Láng về ga Thượng Đình vào khoảng 6h sáng. Chợ tạm ngã Tư Sở - Láng bên dưới vẫn tấp nập cảnh người mua kẻ bán.
Hai đoàn tàu ngược xuôi tại đường rẽ từ ga Láng sang ga Thượng Đình.
Tàu có vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.
Trước khi về tới ga, tàu sẽ giảm dần tốc độ. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người.
Anh Tuân (ảnh trên) và những người bạn tại một phòng tập gym ở phố Hào Nam đã quá quen thuộc với cảnh tàu chạy qua chạy lại bên cửa kính tầng 6. "Chúng tôi tò mò từ quá trình xây dựng metro đã gần 10 năm rồi, chạy đi chạy lại thử cũng 2 năm nay rồi nhưng không biết bao giờ mới chạy thật", anh Tuân thắc mắc.
Sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, ngoài những đánh giá chung của đơn vị thực hiện dự án thì tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác thì tư vấn Pháp mới cấp chứng chỉ cho dự án này. Trong ảnh: đoàn tàu rời bến từ ga Thái Hà đi qua hồ Hoàng Cầu tiến về ga La Thành.
Hai đoàn tàu ngược xuôi khi rời ga - vào ga La Thành tại ngã tư Đê La Thành - Hào Nam.
Bộ GTVT dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.