(Dân trí) - Ngoại trừ cầu Trung Hà và cầu Vĩnh Thịnh ở huyện xa, Hà Nội có tổng cộng 6 cây cầu nối trung tâm thành phố với phần đô thị đang phát triển từng ngày phía bên kia sông Hồng. Có cây cầu "chứng nhân lịch sử" hơn trăm tuổi như cầu Long Biên, có cây cầu hiện đại, bề thế biểu tượng cho tình hữu nghị quốc tế như cầu Nhật Tân...
TOÀN CẢNH 6 CÂY CẦU "HUYẾT MẠCH" BẮC QUA SÔNG HỒNG
Ngoại trừ cầu Trung Hà và cầu Vĩnh Thịnh ở huyện xa, Hà Nội có tổng cộng 6 cây cầu nối trung tâm thành phố với phần đô thị đang phát triển từng ngày phía bên kia sông Hồng. Có cây cầu "chứng nhân lịch sử" hơn trăm tuổi như cầu Long Biên, có cây cầu hiện đại, bề thế biểu tượng cho tình hữu nghị quốc tế như cầu Nhật Tân...
Cầu Long Biên
Không chỉ là một "chứng nhân" của lịch sử, cầu Long Biên còn là chứng tích chiến tranh khốc liệt. Đoạn cầu bắc qua mặt nước sông Hồng đã bị bom Mỹ đánh sập chỉ còn lại một nhịp nguyên bản duy nhất, các đoạn còn lại do quân và dân ta xây dựng lại.
Đoạn nguyên bản dài còn lại ở đầu cầu phía trung tâm Hà Nội cho thấy vẻ đẹp đặc biệt của công trình. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn gồm 19 nhịp dầm thép.
Cầu Chương Dương
Những năm 1980, trung tâm Hà Nội vẫn chỉ có duy nhất cầu Long Biên, thường xuyên ùn tắc tới mức người ta gọi đây là cây cầu dài nhất thế giới do phải mất nhiều giờ mới qua được. Vì thế, cầu Chương Dương được cấp bách xây dựng.
Sau chưa đến 2 năm thi công, cầu Chương Dương hoàn thành vào tháng 6/1985 trong hoàn cảnh đất nước còn rất khó khăn, thiếu thốn, phải tận dụng vật tư từ công trình cầu Thăng Long.
Cầu Chương Dương nằm gần cầu Long Biên, dài 1.230 m với 21 nhịp, trong đó có những trụ bị tách ra vì hoàn cảnh thiếu thốn thời bấy giờ.
Toàn cảnh cầu Chương Dương và cầu Long Biên trong buổi hoàng hôn từ góc nhìn trên cao.
Cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long là công trình thế kỷ biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Xô. Cầu nằm cách cầu Long Biên 11 km về phía thượng lưu sông Hồng.
Cầu Thăng Long được xây dựng từ năm 1974 đến năm 1985, chủ yếu do Liên Xô giúp đỡ. Cầu có hai tầng, chia tách 3 loại đường khác nhau là cầu đường sắt dài 5503,3 m, cầu đường ô tô dài 3116 m, cầu đường xe thô sơ dài 2658,42 m. Ở thời điểm mới hoàn thành, đây là cây cầu lớn bậc nhất Đông Nam Á.
Cầu Thanh Trì
Cầu Thanh Trì được xây dựng từ năm 2002 và hoàn thành năm 2007, được coi là dự án cầu lớn nhất Đông Dương hiện nay, nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên.
Vòng xuyến hoa thị khổng lồ ở một bên đầu cầu Thanh Trì để dẫn nối phương tiện chuyển đường giữa đường 5, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cầu Thanh Trì và đường vành đai 3 Hà Nội.
Cầu đường trên cao khổng lồ ở một bên đầu cầu Thanh Trì để dẫn xe chuyển đường giữa vành đai 3 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Cầu Vĩnh Tuy
Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng từ năm 2005 đến năm 2010, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy dài 3.690 m, rộng 38 m. Tuy nhiên, mới chỉ là một nửa cây cầu theo thiết kế hoàn chỉnh. Một nửa cầu còn lại đang được Hà Nội lên kế hoạch xây dựng để giúp cầu sẽ có bề rộng gấp hai lần hiện tại.
Đoạn cầu đặc biệt đi trên rừng cây xanh ngắt.
Cầu Nhật Tân
Cầu Nhật Tân là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, cũng là cây cầu hiện đại nhất trong các cây cầu của Hà Nội. Cầu có kết cấu dây văng, dài 3.900 m nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, xây dựng từ năm 2009 đến năm 2015.
Video: Toàn cảnh 6 cây cầu nối liên giao thông Hà Nội qua sông Hồng
Quý Đoàn