Tiền Giang đã trải qua bao nhiêu lần điều chỉnh địa giới hành chính?
(Dân trí) - Nhìn lại lịch sử, hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp từng là một phần của tỉnh Định Tường, tỉnh Đồng Tháp Mười. Năm 1976, tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang được thành lập và phát triển mạnh mẽ.

Địa danh Tiền Giang
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang, trước thế kỷ XVII, đất Tiền Giang thuộc Chân Lạp.
Từ thế kỷ XVII, vùng Tiền Giang được người Việt (miền Trung và miền Bắc, trong đó phần lớn từ vùng Ngũ Quảng) đến khai hoang và định cư. Năm Nhâm Tý (1772), chúa Nguyễn Phước Thuần quyết định thành lập tại Mỹ Tho một đơn vị hành chính mang tính quân quản là đạo Trường Đồn.
Đời Gia Long (1802), đơn vị dinh được đổi thành trấn. Lúc bấy giờ Nam kỳ có 5 trấn gồm Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long và Hà Tiên; thành Gia Định thống lĩnh 5 trấn này.
Đất Tiền Giang bấy giờ thuộc trấn Định Tường. Trấn Định Tường có phủ Kiến An gồm ba huyện Kiến Hưng, Kiến Hòa và Kiến Đăng.
Vào năm Đinh Mão (1831), Minh Mạng đổi đơn vị "trấn" thành đơn vị "tỉnh" và bắt đầu xây dựng chế độ phong kiến theo mô hình trung ương tập quyền, xóa bỏ cấp "thành", đặt ba tỉnh kiêm nhiếp, ba tỉnh phân hạt. Theo đó, tỉnh Gia Định kiêm nhiếp tỉnh Biên Hòa (phân hạt), tỉnh Vĩnh Long kiêm nhiếp tỉnh Định Tường (phân hạt), tỉnh An Giang kiêm nhiếp tỉnh Hà Tiên (phân hạt). Tỉnh Định Tường được thành lập năm Minh Mạng thứ 13 (1832) và là một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh).
Năm 1859, Pháp xâm chiếm thành Gia Định. Hai năm sau, Pháp đánh chiếm Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long. Thời Pháp thuộc (1862-1945), Định Tường cùng với Biên Hòa và Gia Định bị cắt nhượng cho Pháp đô hộ.
Năm 1869, sau 2 năm chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây (gồm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), Pháp còn giữ 6 tỉnh nhưng chia cắt lại các phủ huyện lệ thuộc. Như tỉnh Định Tường đổi là tỉnh Mỹ Tho và coi 4 hạt Mỹ Tho (huyện Kiến Hưng cũ), Chợ Gạo (huyện Kiến Hòa cũ), Bến Tre (phủ Hoằng Trị trực thuộc tỉnh Vĩnh Long cũ), Cai Lậy (huyện Kiến Đăng cũ). Còn hạt Cần Lố (huyện Kiến Phong cũ) thì lại chuyển sang cho tỉnh Vĩnh Long cai quản.
Từ năm 1872, thực dân Pháp bỏ hẳn cả hệ thống hành chính lục tỉnh và phủ huyện cũ. Nam Kỳ được chia thành 18 hạt và 2 thành phố (Sài Gòn, Chợ Lớn). Địa bàn tỉnh Định Tường chia ra cho 5 hạt: toàn hạt Mỹ Tho (nằm trên 3 huyện Kiến Hưng, Kiến Hòa, Kiến Đăng cũ), một nửa Đồng Tháp Mười cho hạt Tân An (lấy đất tổng Hưng Long của huyện Kiến Hưng cũ), nửa còn lại (huyện Kiến Phong cũ) chia nhau cho 3 hạt Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc.

Nhà cổ Ba Đức là một trong bảy căn nhà hiếm hoi có tuổi đời từ 150-200 năm còn được bảo tồn ở làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Toàn Vũ).
Năm 1876, tỉnh Định Tường chính thức bị giải thể. Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, kể từ ngày 1/1/1900, đổi tất cả các hạt ở Nam Kỳ thành tỉnh. Địa bàn tỉnh Định Tường cũ chia ra thành 5 tỉnh giống như thời kỳ trước đây, gồm: Mỹ Tho, Tân An, Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc. Tình hình đó kéo dài cho đến năm 1956.
Những năm 1899-1900, các hạt Mỹ Tho và Gò Công lần lượt trở thành tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công. Tỉnh Mỹ Tho ban đầu có 3 trung tâm hành chính là Châu Thành, Cai Lậy và Chợ Gạo.
Từ ngày 9/2/1913 đến ngày 9/2/1924, tỉnh Mỹ Tho bao gồm cả tỉnh Gò Công nhập vào, thành quận Gò Công. Từ năm 1924 đến năm 1956, Gò Công lại trở thành một tỉnh độc lập.
Năm 1951 Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ quyết định sáp nhập 3 tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Gò Công thành tỉnh Mỹ Tho. Sau năm 1954 lại trả về 3 tỉnh như cũ.
Tháng 4/1955 tỉnh Gò Công được lập có 2 quận trực thuộc là quận Châu Thành và Hòa Đồng.
Năm 1957, tỉnh Định Tường có tỉnh lỵ đặt tại Mỹ Tho. Năm 1963, tỉnh Gò Công được tái lập, tách từ tỉnh Định Tường.
Đến năm 1957, chính quyền cách mạng nhập 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho làm một đơn vị, là tỉnh Mỹ Tho. Tháng 8/1967, Trung ương cục miền Nam chuẩn y tách thị xã Mỹ Tho ra khỏi tỉnh Mỹ Tho, đồng thời nâng lên thành thành phố Mỹ Tho trực thuộc Khu 8 - một đơn vị hành chính ngang bằng với tỉnh Mỹ Tho. Như vậy cho đến năm 1976, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho là 3 đơn vị hành chính ngang bằng nhau.
Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra nghị quyết về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc, tỉnh Long An, tỉnh Bến Tre, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.
Nhưng đến ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị có quyết định điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam cho sát với tình hình thực tế.
Ngày 24/2/1976, Chính phủ quyết định hợp nhất tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho để thành lập tỉnh Tiền Giang. Khi đó, tỉnh Tiền Giang gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và 5 huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công. Tỉnh lỵ là thành phố Mỹ Tho, vốn được Trung ương công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Tiền Giang vào năm 1976.

Bản đồ các huyện của tỉnh Tiền Giang (Nguồn: Bankervn).
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang.
Ngày 19/3/2024, Ủy ban Thường vụ có nghị quyết về sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công (có hiệu lực từ 1/5/2024).
Thành phố Gò Công được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Gò Công.
"Vương quốc trái cây"
Tiền Giang có diện tích 2.510,60km2, dân số trên 1,77 triệu người. Nghị quyết số 1202/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2025 (có hiệu lực từ 1/11/2024) nêu rõ tỉnh này có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện là Cái Bè, Châu Thành, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phước, Tân Phú Đông; thị xã Cai Lậy; 2 thành phố là Mỹ Tho, Gò Công); 164 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 135 xã, 21 phường và 8 thị trấn.
Tiền Giang được coi là "vương quốc trái cây" của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước với hơn 84.000ha, hàng năm cho sản lượng trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Một số loại trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao ở Tiền Giang như sầu riêng, mít, thanh long, xoài cát Hòa Lộc…
Thống kê cho thấy, năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả của Tiền Giang đạt khoảng 46.528 tấn, với kim ngạch hơn 112 triệu USD, tăng hơn 86% về lượng và tăng gần 79% về trị giá so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng rau quả của Tiền Giang, đặc biệt trái cây xuất đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành hàng rau quả.

Tiền Giang được coi là "thủ phủ trái cây" của cả nước (Ảnh: Bảo Kỳ).
Trục đường bộ quan trọng nhất tỉnh Tiền Giang là quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tỉnh lộ 865, tỉnh lộ 864, chạy theo hướng chủ yếu từ tây sang đông.
Các trục tỉnh lộ có hướng Bắc - Nam và hướng khác là tỉnh lộ 861, 862, 863, 866, 866B, 867, 868, 869, 870, 870B, 871, 872, 873, 873B, 874, 874B, 875, 875B, 876, 877, 877B, 878, 878B, 878C, 879D.
Tiền Giang không có sân bay dân sự.
Thế mạnh của du lịch địa phương này chủ yếu nhờ vào các di tích văn hóa lịch sử và sinh thái như Di tích văn hóa Óc Eo, Gò Thành từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công Nguyên, các di tích lịch sử trận Rạch Gầm - Xoài Mút, di tích Ấp Bắc, lũy Pháo Đài và nhiều lăng mộ, đền chùa, nhà thờ: Lăng Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Lăng Tứ Kiệt, chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm, chùa Sắc Tứ, chùa Linh Thứu, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, nhà thờ chính tòa Mỹ Tho, nhà thờ Tin Lành Ấp Bắc, nhà thờ Thánh Giuse Lao Công, nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình, nhà thờ Cái Bè,...
Tiền Giang có phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An và TPHCM; phía Tây và Tây Nam giáp các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long; phía Nam giáp tỉnh Bến Tre.
Đô thị Mỹ Tho đã hình thành 346 năm
Mỹ Tho là đô thị nằm bên tả ngạn sông Tiền, một nhánh lớn của sông Mê Kông. Theo thông tin của Báo Ấp Bắc, Mỹ Tho được hình thành và phát triển vào loại sớm nhất của vùng châu thổ sông Cửu Long, đến nay đã 346 năm (1679-2025).
Từng có nhiều ý kiến về nguồn gốc địa danh Mỹ Tho. Đa số cho rằng Mỹ Tho bắt nguồn từ phương ngữ gốc Khmer như Mi Sâr biến thể thành Mỹ và Tho, có nghĩa là xứ có người con gái da trắng, đẹp. Mỹ theo chữ Hán nghĩa là đẹp, nhưng từ Tho không có trong chữ Hán nên có lối viết khác nhau qua chữ Nôm, có hai lối viết, để chỉ vùng nước thơm hay cỏ thơm.
Mỹ Tho để lại những dấu ấn đậm nét trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng. Nghiên cứu của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang cho thấy, đô thị Mỹ Tho mà trung tâm của nó từng có tên gọi là Mỹ Tho Đại phố, chợ Phố lớn, Chợ Thành, Chợ Mỹ… đã trải qua 4 cuộc chiến tranh do ngoại bang xâm lược. Đó là Xiêm La (nay là Thái Lan) ở nửa sau thế kỷ XVIII, 2 cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX và một cuộc xâm lược do đế quốc Mỹ tiến hành vào giữa thế kỷ XX.
Những cuộc chiến tranh đó đã làm cho Mỹ Tho không chỉ bị nhiều tổn thương, mà còn kìm hãm sự phát triển. Nhưng cũng chính những sự kiện này đã để lại dấu ấn rõ nét của một thành phố anh hùng sau này.
Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhiều biến động của lịch sử dân tộc nhưng Mỹ Tho vẫn chiếm giữ vị trí trung chuyển của một vùng đồng bằng phì nhiêu và rộng lớn bậc nhất của nước ta.

Một góc thành phố Mỹ Tho nhìn từ trên cao (Ảnh: Báo Ấp Bắc).
Vị trí, địa thế của Mỹ Tho đã cho phép người Pháp xây dựng ở đây nhiều công trình để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, vốn là mục đích của thực dân, chẳng hạn như: Tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương (Sài Gòn - Mỹ Tho), Bến tàu Lục Tỉnh, kinh Bưu Điện (tức Rạch Bảo Định), Hãng Xáng… Đây được xem là những mốc son tạo dựng nên tiếng vang của Mỹ Tho Đại phố trong chặng đường lịch sử đã qua.
Nhà thơ Học Lạc (1842-1915) mô tả sự sung túc của Mỹ Tho như sau: "Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho/Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho". Tại đây người Pháp đã cho xây dựng trường trung học công lập đầu tiên của Nam Kỳ - Trường Collège de MyTho.
Đô thị Mỹ Tho cũng là nơi ra đời một loại hình nghệ thuật sân khấu mới của Việt Nam - đó là nghệ thuật sân khấu cải lương tại rạp Thầy Năm Tú - người sắm xe hơi đầu tiên của nước ta (khi xe hơi được nhập vào Sài Gòn năm 1906 và người mua đầu tiên chính là ông, vào đầu năm 1907).
Mỹ Tho cũng là nơi xuất hiện nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của cả nước như: Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Châu…
Điểm độc đáo của Mỹ Tho là được dựng lên ở ngã ba sông - thành phố ven sông, đặc trưng của hầu hết các thành phố - đô thị ở miền Nam. Đó là ngã ba sông do sông Mỹ Tho và kinh Bảo Định giao dòng với nhau, tạo ra sự thuận lợi về mọi mặt và làm chất xúc tác để Mỹ Tho vươn lên mạnh mẽ.
Mỹ Tho hiện là trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh Tiền Giang. Sau khi sắp xếp, thành phố có 14 đơn vị hành chính cấp xã (8 phường và 6 xã).
Trung tâm thành phố Mỹ Tho cách trung tâm TPHCM 70km về hướng Tây Nam và cách Cần Thơ 90km về hướng Đông Bắc.