DNews

Những lần thay đổi địa giới hành chính ở vùng Đất Mũi - Cà Mau

Thế Kha

(Dân trí) - Nằm ở cực Nam của Tổ quốc, tỉnh Cà Mau được tái lập năm 1997, tách ra từ tỉnh Minh Hải. Cà Mau có diện tích 5.294,80km2 - xếp thứ 26 toàn quốc - dân số trên 1,19 triệu người, xếp thứ 35 toàn quốc.

Những lần thay đổi địa giới hành chính ở vùng Đất Mũi - Cà Mau

Lịch sử vùng đất Cà Mau

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có chép: "Thời Gia Long, những giồng đất cao ráo ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bảy Háp và một vài phụ lưu mới có người khai khẩn, lập thành xóm, ấp. Tuy vậy, đến thời Tự Đức, Cà Mau vẫn là vùng rừng đước, vẹt, tràm, không mấy ai đến lập nghiệp vì thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn".

Đến thời Gia Long thứ 7 (1808), đạo Long Xuyên được đổi ra huyện Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên (lúc đó đất Nam Bộ có 3 dinh: dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn, dinh Long Hồ và trấn Hà Tiên). Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà Nguyễn đã đặt ra một quan tri huyện để cai trị.

Với sự phát triển của lịch sử, Nam Bộ được chia thành 6 tỉnh (lục tỉnh Nam Kỳ), gồm: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Riêng tỉnh Hà Tiên có 3 phủ, 7 huyện; Cà Mau thuộc huyện Long Xuyên, phủ An Biên (Hà Tiên), tỉnh Hà Tiên.

Để ổn định về hành chính trong việc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Pháp đã chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh. Ngày 18/2/1882, một phần đất Bạc Liêu (tỉnh Sóc Trăng), một phần đất Cà Mau (thuộc Rạch Giá) được hợp thành tỉnh Bạc Liêu.

Những lần thay đổi địa giới hành chính ở vùng Đất Mũi - Cà Mau - 1

Biểu tượng con tàu ở Mũi Cà Mau (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ngày 9/3/1956, chính quyền Sài Gòn lấy quận Cà Mau, quận Quảng Xuyên và 4 xã của quận Giá Rai là Định Thành, Hòa Thành, Tân Thành, Phong Thạnh Tây lập thành tỉnh Cà Mau.

Ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh đổi tên tỉnh Cà Mau thành tỉnh An Xuyên.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 2/1976, một số tỉnh ở miền Nam được hợp nhất. Hai tỉnh Cà Mau (An Xuyên) và Bạc Liêu được hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Tỉnh này có thị xã Minh Hải, thị xã Cà Mau và 7 huyện, gồm Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Châu Thành, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển.

Ngày 11/7/1977, Hội đồng Chính phủ ra quyết định giải thể huyện Châu Thành. Các xã thuộc huyện này được nhập vào các huyện Giá Rai, Trần Văn Thời, Thới Bình.

Ngày 29/12/1978, Hội đồng Chính phủ ra quyết định lập thêm 6 huyện mới: Phước Long, Cà Mau, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn. Khi đó, số huyện trong tỉnh tăng lên 12 huyện.

Ngày 30/8/1983, Hội đồng Bộ trưởng quyết định giải thể huyện Cà Mau, các xã của huyện này được sáp nhập vào thị xã Cà Mau và các huyện Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước. Khi đó, tỉnh có 2 thị xã và 11 huyện.

Ngày 17/5/1984, Hội đồng Bộ trưởng quyết định đổi tên thị xã Minh Hải thành thị xã Bạc Liêu; hợp nhất huyện Hồng Dân và huyện Phước Long thành huyện Hồng Dân; hợp nhất huyện Cái Nước và huyện Phú Tân thành huyện Cái Nước.

Cuối năm 1984, huyện Năm Căn (cũ) được đổi tên thành huyện Ngọc Hiển (mới), huyện Ngọc Hiển (cũ) được đổi tên thành huyện Đầm Dơi (mới). Tỉnh lỵ Minh Hải được chuyển từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau. Lúc này, tỉnh Minh Hải có 2 thị xã (thị xã Cà Mau và thị xã Bạc Liêu) và 9 huyện là Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển.

Tại kỳ họp ngày 6/11/1996, Quốc hội khóa IX phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thực hiện từ ngày 1/1/1997.

Tháng 4/1999, thị xã Cà Mau được công nhận thành phố loại 3, trực thuộc tỉnh. Đến tháng 9/2010, thành phố Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố loại 2, trực thuộc tỉnh.

Những lần thay đổi địa giới hành chính ở vùng Đất Mũi - Cà Mau - 2

Bản đồ hành chính tỉnh Cà Mau (Ảnh: Cổng TTĐT Cà Mau).

Ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam

Nghị quyết số 1252/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025 nêu rõ, sau khi sắp xếp Cà Mau có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Cà Mau và các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân) và 100 đơn vị hành chính cấp xã (82 xã, 9 phường và 9 thị trấn).

Cà Mau hiện có tổng diện tích 5.294,80km2 - xếp thứ 26 toàn quốc; dân số trên 1,19 triệu người, xếp thứ 35 toàn quốc.

Biển Cà Mau tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, gần tuyến hàng hải quốc tế nên thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế biển.

Năm 2024, kinh tế Cà Mau tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,09% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 72,6 triệu đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Nơi đây cũng là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khu du lịch Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển), cách trung tâm TP Cà Mau hơn 100km, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng cả nước, bởi nơi đây là cực Nam Tổ quốc.

Khu vực này có nhiều công trình ý nghĩa để du khách chiêm ngưỡng như Cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng cột cờ Hà Nội, Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ; Biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh.

Những lần thay đổi địa giới hành chính ở vùng Đất Mũi - Cà Mau - 3

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, với kiến trúc mô phỏng cột cờ tại thủ đô, là nơi du khách có thể tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của Cà Mau cũng như Hà Nội (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ngành du lịch Cà Mau dự báo, khách đến Mũi Cà Mau đến năm 2030 đạt khoảng 2,8 triệu lượt (chiếm gần 60% tổng số lượt khách toàn tỉnh); đến năm 2050 đạt khoảng 5,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ du lịch sẽ đạt 7.500 tỷ đồng năm 2030 và đến 2050 là 15.000 tỷ đồng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 84 cơ sở lưu trú du lịch với 2.683 phòng (trong đó có 15 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1-5 sao với 947 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 940 phòng).

Cà Mau hiện có 34 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, 2 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; có 10 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành.

Thành phố Cà Mau được mở mang cách đây hơn 300 năm

 Thành phố Cà Mau là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh Cà Mau.

Thông tin từ UBND TP Cà Mau cho thấy, thành phố này được mở mang cách đây hơn 300 năm. Vào thế kỷ 17, một số lưu dân người Việt vì không chịu nổi cảnh áp bức bóc lột của chế độ phong kiến đã rời bỏ quê hương nơi cư trú đến làm ăn sinh sống tại đây, dựng thành một xã với tên gọi "xã Cà Mau".

Ngoài di tích chùa chiền, thành phố Cà Mau còn có những khu phố cổ, với những cái tên khá nổi tiếng: Khu Hoàng Gia, Hồng Anh Thư Quán và quán cơm - cà phê Tâm Đồng (trên đường Phạm Văn Ký, phường 2). Đây là các di tích của thập niên XX với ngành nghề thương mại dịch vụ phát triển cực thịnh đã tạo nên. Chính nơi này đã quy tụ các sĩ phu yêu nước, nơi in ấn, phát hành các tài liệu cách mạng.

Sang đầu thế kỷ 18, vùng đất này thuộc quyền quản lý của chúa Nguyễn. Năm 1714, xã Cà Mau có tên trên bản đồ nước Việt Nam. Dưới thời Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) trực thuộc trấn Hà Tiên, đạo Long Xuyên. Đến năm 1808, dưới thời Gia Long, Minh Mạng, xã Cà Mau được nâng lên thành huyện Long Xuyên thuộc tỉnh Hà Tiên.

Những lần thay đổi địa giới hành chính ở vùng Đất Mũi - Cà Mau - 4

Một góc thành phố Cà Mau (Ảnh: Phạm Dương Hải - Du lịch Cà Mau).

Qua hơn 300 năm mở mang và khai phá với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, sự thay đổi tên gọi khác nhau cũng như trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, người Cà Mau đã tạo nên dấu son tô thắm thêm truyền thống dựng nước và giữ nước của người dân nước Việt.

Thành phố Cà Mau cách TPHCM 349km, cách Thủ đô Hà Nội 2.085km. 

Nghị quyết số 1252 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, sau khi sắp xếp, thành phố Cà Mau có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường và 7 xã.