PhotoStory

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng

Thực hiện: Tiến Thành

(Dân trí) - Thành cổ Đồng Hới nằm trong tổng thể các di tích lịch sử quân sự của Đồng Hới vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, được xây dựng trên một vùng đất xung yếu của đường xuyên việt từ Bắc vào Nam.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 1

Thành cổ Đồng Hới, hay còn gọi là Định Bắc Trường Thành - một trong những điểm đến nổi bật mà du khách nhất định phải ghé thăm khi có dịp đi du lịch Đồng Hới (Quảng Bình). Đây là một công trình thành lũy quân sự được xây dựng trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 2

Việc xây dựng Thành Đồng Hới bắt đầu vào năm Gia Long thứ 10 (1812). Thành được xây trên mảnh đất năm xưa chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho dựng lũy Trấn Ninh (hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ - 1631) và đồn Động Hải (1774) trong cuộc chiến tranh Trịnh -Nguyễn. Vào thời kỳ đầu này, Thành Đồng Hới chỉ được xây dựng bằng cách đắp đất vô cùng đơn sơ.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 3

Đến đời vua Minh Mạng, vị vua này đã nhờ một viên sĩ quan Pháp thiết kế lại Thành Đồng Hới và xây bằng gạch vào năm 1824 theo kiến trúc vô băng, mang dáng dấp thành lũy quân sự, hình múi khế, 4 múi to, 4 múi nhỏ theo hướng tây nam - đông bắc và tây bắc - đông nam.

Thành được thiết kế có dạng hình học rõ ràng với các góc lồi lõm, phù hợp với điều kiện quân sự phát triển, có hào rộng và sâu bên ngoài thành. Thành là sự kết hợp giữa kiến trúc quân sự châu Âu với tinh hoa địa phương, được thể hiện qua lối xây dựng bằng gạch, vữa, trộn mật mía với cát, không tô trát, gạch nung.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 4

Chu vi thành dài 465 trượng, tức khoảng 1.860m, cao một trượng, tức khoảng 4m, mặt thành rộng 1,35m, móng dày 2m, mặt chính của thành quay về hướng tây. Thành có 3 cổng lớn bắc - nam - đông, trên cổng có vọng canh 8 mái, cổng thành xây cuốn kiểu tam quan, thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch cũng xây kiểu vòm cuốn bắc qua hào.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 5

Năm 1885, thực dân Pháp tiến đánh miền Trung, Thành Đồng Hới trở thành nơi phòng ngự, phản công của quan quân nhà Nguyễn. Ngày 19/7/1885, thực dân Pháp tấn công Thành Đồng Hới lần 2 và thành đã rơi vào tay Pháp.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 6

Phần lớn Thành Đồng Hới đã bị phá hỏng trong thời kỳ Pháp thuộc. Sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, với mục đích san phẳng và hủy diệt, biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá nhằm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã trút xuống Đồng Hới hàng vạn tấn bom, đạn và phá hủy một phần thành cổ.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 7

Ngày 21/1/1992, Thành Đồng Hới được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Tháng 8/2005, tỉnh Quảng Bình đã trùng tu Thành với tổng ước tính khoảng 31 tỷ đồng. Cho đến nay, Thành cổ Đồng Hới đã được phục dựng bằng gạch. Các đường đi cũng được trải gạch và có hệ thống đèn điện chiếu sáng.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 8
Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 9

Ngày nay, Thành Đồng Hới chỉ còn dài khoảng 1.087m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế, đoạn thành phía nam còn lại 2/3 tương đối nguyên vẹn, đoạn thành phía đông còn 3 cổng, 2 cầu nam, bắc thành đã bị sập hoàn toàn, nhìn rõ nhất từ trên bản đồ là một hào nước xung quanh thành theo kiến trúc xưa.

Mặc dù đã bị phá hủy nhiều qua hai cuộc chiến tranh nhưng Thành Đồng Hới vẫn bảo lưu được những yếu tố gốc cần thiết.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 10
Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 11

Với tầm quan trọng là một di tích tồn tại hơn 200 năm, là chứng tích lịch sử của mảnh đất Đồng Hới - Quảng Bình, Thành Đồng Hới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp là một trong 32 công trình trong danh mục dự án văn hóa trọng điểm được đầu tư từ năm 2001-2010.

Thành cổ hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố hoa hồng - 12

Sau khi được trùng tu, Thành Đồng Hới không chỉ mang dáng dấp của một công trình phòng thủ quân sự với thành cao hào sâu, mà cửa Đông trông ra sông Nhật Lệ bằng chiếc cầu kiểu vòm cuốn còn trở thành điểm tham quan, nghiên cứu của du khách khi đến với Đồng Hới - thành phố hoa hồng.