(Dân trí) - 8 năm cầm súng chiến đấu, Trần Kim Cầu 14 lần được tặng danh hiệu dũng sỹ diệt cơ giới, dũng sỹ diệt Mỹ. Năm 1971, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về căn nhà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng - Thiếu tá Trần Kim Cầu (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Trong căn nhà nhỏ khiêm tốn, nép mình bên quốc lộ 7, người lính già quắc thước vẫn dành thời gian ngồi đọc báo, theo dõi tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
Thật khó hình dung người đàn ông 86 tuổi, dáng gầy gò, nhỏ bé này đã 13 lần được tặng danh hiệu dũng sỹ diệt xe cơ giới. "Hồi đó tôi nhỏ con, gầy, nên viết đơn đến 3 lần mới được vào bộ đội đấy", như đoán được sự ngạc nhiên của chúng tôi, người lính già lý giải cùng tiếng cười giòn giã.
Quê ông ở xã Thanh Bài, huyện Thanh Chương, Nghệ An, hơn 1 tuổi mồ côi mẹ. Cha ông đi bước nữa, sinh một lèo 8 đứa em. Cậu bé Cầu trở thành anh cả, phụ cha đồng áng để nuôi đoàn em thơ dại. Ngày ấy, vóc dáng nhỏ bé nhưng việc đồng áng Cầu chẳng thua ai, có khi oằn vai gánh cả gánh lúa to hơn người mình. 18 tuổi, chàng trai Kim Cầu thoát ly, theo người anh họ ra Phú Thọ, làm công nhân cho một xí nghiệp sản xuất chè.
Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, người thanh niên Trần Kim Cầu viết đơn vào bộ đội nhưng thể trạng thấp bé, đơn bị từ chối. Đến lá đơn thứ 3, nguyện vọng vào Nam đánh giặc của anh mới trở thành hiện thực.
"Từ Phú Thọ, tôi về quê cưới vợ theo lời mai mối của người bà con. Ra trận, biết còn có ngày trở về! Vợ chồng ở với nhau được 3 hôm thì tôi lên đường vào Nam", ông Cầu nhớ lại.
Một ngày tháng 7/1967, trong cái nắng như đổ lửa ở xứ Nghệ, chàng trai Trần Kim Cầu hăm hở lên đường trong không khí sôi sục quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Chuyến đi của ông kéo dài suốt 8 năm mà không có một dòng tin tức gửi về. Nghe tin chồng đã hi sinh ở chiến trường, người vợ trẻ mới nếm trải hạnh phúc đôi lứa vỏn vẹn 3 ngày quyết định đi bước nữa.
"Tôi không trách cô ấy, chiến tranh mà, vả lại con gái có thì...", lời ông nhẹ như hơi thở.
8 năm chiến đấu ở chiến trường, người lính Trần Kim Cầu bị thương 8 lần với những mảnh bom bi vẫn nằm trên đầu và viên đạn trong bắp chân.
Năm 1972, trong đội hình Sư đoàn 7, người lính Trần Kim Cầu và đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chốt chặn 150 ngày đêm chia cắt địch ở Đường 13, tạo điều kiện cho các đơn vị tiến công giải phóng Lộc Ninh và căn cứ An Lộc (Bình Long). Cuối năm 1974, đầu năm 1975, ông cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Đường 14 Phước Long, mở thông con đường tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong khí thế tổng tiến công hừng hực khắp mặt trận, người lính Trần Kim Cầu được lệnh ra Bắc học tập. "Không được cùng đồng đội đi đến trận chiến đấu cuối cùng là điều tiếc nuối lớn nhất của tôi", người lính già tâm sự.
Gần 90 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, trí nhớ của ông Cầu có phần giảm sút nhưng nhắc tới những ngày trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông trở nên tươi trẻ lạ thường.
Người lính trẻ Trần Kim Cầu được biên chế vào Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 164, Sư đoàn 7, chiến đấu ở Tây Ninh, Bình Dương... "Thời ấy, bộ đội ta lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày. Cuộc chiến khốc liệt đến nỗi có những thời điểm gạo đầy đó mà phải nhịn đói, không thể nấu cơm, phải ăn quả trám trừ bữa", ông kể.
Những người lính giải phóng thời điểm đó thường ém quân trong các cánh rừng gần đồng bằng. Ban ngày, họ ẩn nấp dưới các căn hầm bí mật, tránh máy bay B52 và các trận càn của địch. Ban đêm, từ trong cánh rừng, quân giải phóng bí mật "nống" ra về hướng đồng bằng, phối hợp lực lượng địa phương tìm cách tiêu hao sinh lực địch.
Dẫu trí nhớ đã phủ một "lớp bụi thời gian" nhưng trận đánh đầu tiên dùng súng chống tăng, tiêu diệt xe tăng M41 của địch vẫn như một nốt son đỏ chói trong ký ức người lính. Đó là trận đánh vào năm 1969, tại chiến trường Đông Nam Bộ.
Cũng bởi thể hình có phần nhỏ bé nên khi ông đề đạt nguyện vọng trực tiếp sử dụng súng chống tăng B40, thủ trưởng đơn vị không đồng ý. Ông tìm cách thuyết phục, đáp lại, là cái lắc đầu của vị thủ trưởng đáng kính: "Đơn vị ghi nhận tinh thần xung phong của đồng chí Cầu, nhưng cuộc chiến còn dài, để lần sau". Nhưng cuối cùng, chính vị thủ trưởng đơn vị cũng phải nhượng bộ trước sự quyết tâm của người lính trẻ.
Dù thể trạng nhỏ bé nhưng khi đơn vị vận động vào chiếm lĩnh trận địa, người lính Trần Kim Cầu mang trên vai khẩu chống tăng B40 cùng 5 quả đạn, trườn dưới lớp dây thép gai, chọn địa điểm ém chặt thân mình xuống đất, đặt giá súng lên vai chờ đợi. Khi chiếc xe tăng M41 của địch hiện ra trong khe ngắm, người lính Trần Kim Cầu bình tĩnh bóp cò. Một tiếng nổ chát chúa, chiếc xe tăng khựng lại rồi bốc cháy...
Chiến công đầu tiên khiến người lính trẻ vỡ òa sung sướng. Chiếc xe tăng bốc cháy dữ dội khiến đội hình địch bị rối loạn, quân giải phóng thừa cơ ào lên chiếm lĩnh trận địa. Trong trận đánh này, đơn vị đã phá hủy 50 xe cơ giới của địch, riêng bản thân ông bắn cháy 3 xe tăng M41.
"Trong 8 năm ở chiến trường, tôi trực tiếp bắn cháy 13 xe tăng địch, tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch. Cá nhân tôi 13 lần được phong dũng sỹ diệt cơ giới, một lần là dùng sỹ diệt Mỹ cấp 2", ông nhớ lại.
Hơn 50 năm đã trôi qua, ông vẫn nhớ như in trận đánh kéo dài 3 ngày, 4 đêm, bắt đầu từ đêm 13/6/1970, khi 35 tay súng do ông chỉ huy đã có trận đấu quyết liệt với 2 đại đội lính dù được trang bị tối tân của địch. Với cách đánh táo bạo, bất ngờ, đơn vị do ông chỉ huy đã tiêu diệt gọn 2 đại đội địch nhưng chỉ bị thương 1 người.
"Hai bên giằng co từng mét đất, chúng tôi đẩy lùi từng đợt tấn công của địch, loại bỏ khỏi vòng chiến đấu nhiều quân địch. Số lính dù bị thương được đưa ra tuyến sau, số thương vong bị để lại trận địa. Anh em chúng tôi cùng địa phương phải chôn cất cho người ta, chả lẽ cứ để họ nằm phơi sương, phơi nắng như thế", ông Cầu nhớ lại.
Người lính già kể tiếp: "Sang ngày thứ 4, Sư đoàn cho đặc công xuống. Tôi bảo các anh cứ về đi, chúng tôi tiêu diệt hết địch rồi. Các anh cứ về, nếu còn thằng địch nào, tôi xin chịu kỷ luật trước Sư đoàn. Trong trận này, chúng tôi thu rất nhiều vũ khí của địch, riêng tôi thu được 11 khẩu súng".
Chiều ngày 16/6/1970, đơn vị ông được lệnh đúng 15h phải rút khỏi trận địa. Nhưng linh cảm của người chỉ huy đã khiến ông quyết định cho anh em rút sớm hơn 15 phút, dẫu biết rằng điều này sẽ khiến bản thân ông phải đối mặt với kỷ luật chiến trường. Đúng 15h, khi tốp cuối cùng rút khỏi trận địa an toàn thì cũng là lúc địch cay cú vì mất 2 đại đội lính dù, điều máy bay tới ném bom trận địa, nhằm "làm cỏ quân giải phóng".
Với chiến công đặc biệt xuất sắc trong trận đánh và quyết định rút quân sớm giúp đơn vị bảo toàn lực lượng, người lính trẻ Trần Kim Cầu được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì ngay ở mặt trận.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 20/9/1971, người lính trẻ Trần Kim Cầu được Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng. Danh hiệu cao quý này cổ vũ ông chiến đấu khắp nhiều chiến trường ác liệt ở miền Đông Nam bộ như trận chiến giữ đường 13, chiến dịch đường 14 giải phóng Phước Long...
Đầu năm 1975, theo yêu cầu của cấp trên, người lính Trần Kim Cầu ra Bắc học tập, sau đó được phân công về Quân khu 4. Năm 1976, qua mai mối, ông nên duyên với bà Hoàng Thị Tâm, người phụ nữ cùng quê ít hơn 14 tuổi, sinh được 3 người con. Năm 1980, Thiếu tá Trần Kim Cầu được phân công giữ chức vụ Phó Ban chỉ huy Quân sự huyện Anh Sơn, đến năm 1985 nghỉ hưu.
Người lính già sống bình lặng cùng con cháu trong căn nhà nhỏ. Vết thương chiến tranh vẫn nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời nhưng ông luôn thấy mình hạnh phúc và may mắn bởi trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhiều đồng đội của ông không thể trở về...