DNews

Quản lý flycam như xe cộ: Phải có bằng lái, giấy đăng ký

Ngọc Tân

(Dân trí) - Với sự ra đời của Luật Phòng không nhân dân, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu chứng chỉ, giấy đăng ký phương tiện và giấy phép bay với người sử dụng drone, flycam...

Quản lý flycam như xe cộ: Phải có bằng lái, giấy đăng ký

Ngày 27/11, Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội thông qua thu hút sự quan tâm của cộng đồng sử dụng máy bay không người lái (drone) tại Việt Nam. 

Loại hình drone, với mục đích sử dụng đa dạng, hứa hẹn vô vàn lợi ích lẫn rủi ro cho xã hội, sắp được quản lý quy củ bằng luật định và thủ tục hành chính.

3 điều kiện để cất cánh drone

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Vũ Văn Thảo, Phó cục trưởng Cục Phòng không lục quân, đơn vị tham gia dự thảo Luật Phòng không nhân dân, cho biết việc sử dụng drone tại Việt Nam đang nở rộ với nhiều mục đích, từ giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, an ninh trật tự, báo chí truyền thông...

Quản lý flycam như xe cộ: Phải có bằng lái, giấy đăng ký - 1

Ứng dụng drone trong canh tác nông nghiệp (Ảnh: Toàn Vũ).

"Drone xuất hiện với nhiều chủng loại và mục đích sử dụng khác nhau. Việc quản lý gặp khó khăn, không bao quát được hết. Đây là vấn đề bức xúc không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới", Đại tá Thảo nói và cho biết, nhu cầu quản lý drone ngày càng cấp thiết trong bối cảnh phương tiện này có thể trở thành vũ khí tấn công, khủng bố.

Theo ông Thảo, Luật Phòng không nhân dân quy định rõ 3 điều kiện để sử dụng máy bay không người lái: Phương tiện bay phải được đăng ký; người lái phải có chứng chỉ; chuyến bay phải được cấp phép.

Với điều kiện thứ nhất, máy bay không người lái phải được đăng ký, tương tự như một chiếc xe máy phải có đăng ký xe (cà vẹt). Người dân mang drone đến Ban chỉ huy quân sự quận/huyện để làm thủ tục đăng ký như một thủ tục hành chính thông thường.

Ở điều kiện thứ 2, người lái drone phải trên 18 tuổi và được cấp chứng chỉ lái drone tại cơ sở đào tạo của Việt Nam hoặc sử dụng chứng chỉ quốc tế được nhà chức trách Việt Nam công nhận. "Chúng tôi đang thống nhất với Bộ GD&ĐT về việc bổ sung ngành học và chứng chỉ điều khiển drone", ông Thảo chia sẻ.

Khi đã có đăng ký phương tiện và chứng chỉ lái drone, người dân vẫn cần được cấp phép bay. Nghị định sắp tới sẽ nêu rõ tỉnh thành, quân khu được cấp phép bay thế nào, độ cao bay của từng cấp là bao nhiêu... 

"Bạn không nhất thiết phải xin cấp phép bay cho từng lần cất cánh, có thể xin phép bay trong một tháng, nhưng trước mỗi lần cất cánh bạn phải thông báo trước. Ví dụ ngày mai bay thì hôm nay đã phải báo trước với nhà chức trách về ngày, giờ, phạm vi bay", Đại tá Thảo chia sẻ.

Trong tương lai, cơ quan chức năng sẽ ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành luật, đồng thời thiết lập cổng thông tin điện tử tiếp nhận yêu cầu cấp phép bay từ công dân, giải quyết như một thủ tục hành chính. 

Quản lý flycam như xe cộ: Phải có bằng lái, giấy đăng ký - 2

Bên cạnh việc xây dựng quy định quản lý drone, Bộ Quốc phòng cũng phát triển các công nghệ xử lý drone bay trái phép (Ảnh: Mạnh Quân).

Sau khi đã thỏa mãn hết các điều kiện để cất cánh một chuyến bay drone, người điều khiển vẫn phải ý thức rằng toàn bộ quá trình bay sẽ được nhà chức trách giám sát để đảm bảo nội dung bay đúng như giấy phép, không xâm phạm khu vực cấm, không đe dọa an ninh quốc phòng...

Theo Đại tá Vũ Văn Thảo, công nghệ theo dõi, giám sát hoạt động bay của drone cũng như các công cụ áp chế, súng bắn drone sẽ được phát triển và trang bị cho cơ quan quản lý để thực thi việc giám sát, xử lý người vi phạm.

Hiện, một số hãng flycam như DJI cũng đã cài đặt thiết bị của mình để đảm bảo người dùng không thể cất cánh tại cảng hàng không hoặc trong vùng cấm bay của một quốc gia. Để bay trong khu vực cấm, người dùng phải làm thủ tục xin phép cơ quan chức năng, sau đó liên hệ DJI để "mở khóa" khu vực bay.

Sắp hết thời "bay chui"?

Hiện, chưa có thống kê chính thức về số người sử dụng drone tại Việt Nam. Tuy nhiên, Đại tá Vũ Văn Thảo cho biết tình trạng drone "bay chui", bay không xin phép cơ quan chức năng xảy ra phổ biến. Nhiều chủ drone đã bị lực lượng chức năng địa phương xử phạt hành chính.

Quản lý flycam như xe cộ: Phải có bằng lái, giấy đăng ký - 3

Vụ tai nạn drone tại Kiên Giang hôm 20/11 khiến một người đi xe máy thiệt mạng (Ảnh: Mai Vy).

Dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô vừa qua, anh N.H., một phóng viên ảnh tại Hà Nội, đã liên hệ Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN) để xin cấp phép bay flycam chụp ảnh các công trình tiêu biểu của thành phố thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Dù đã có công văn giới thiệu của tòa soạn, anh H. vẫn phải chờ gần 2 tuần mới được phê duyệt giấy phép bay. Quá trình bay flycam tác nghiệp, anh cũng phải liên hệ thông báo cho ban chỉ huy quân sự quận và các đơn vị áp chế drone để đảm bảo chiếc flycam của mình không bị "bắn nhầm".

Trong bối cảnh cộng đồng sử dụng drone tại Việt Nam đang gia tăng, việc ban hành luật yêu cầu đăng ký, cấp phép bay drone là cơ sở để kéo giảm tình trạng drone bay chui, bay trái phép. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi nhà chức trách phải hình thành một bộ phận giải quyết thủ tục hành chính khi người dân xin đăng ký, cấp phép bay.

"Tình trạng bay chui khá nhiều, nhưng không phải ai cũng muốn như vậy. Là người bay flycam chuyên nghiệp với mục đích hợp pháp, tôi muốn được đăng ký, cấp phép đàng hoàng. Vấn đề là thủ tục đăng ký phải nhanh gọn, tránh phiền hà", anh N.H. chia sẻ.

Trước thời điểm Luật Phòng không nhân dân được ban hành, người dân muốn sử dụng drone sẽ phải xin cấp phép từ Cục Tác chiến theo hướng dẫn tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. 

Tuy nhiên, liên hệ Cục Tác chiến như thế nào, thủ tục có tinh gọn, nhanh chóng hay phải chờ đợi lâu... là điều khiến người dùng băn khoăn. Do các quy định chưa chặt chẽ, nhiều người chọn cách "bay chui".

Vài ngày trước khi Quốc hội thông qua Luật Phòng không nhân dân, một người đi xe máy tại huyện Đất Đỏ (Kiên Giang) đã thiệt mạng vì bị cánh quạt máy bay không người lái chém vào đầu. Va chạm xảy ra khi một người dân điều khiển máy bay phun thuốc cho mảnh ruộng gần đó.

Vụ tai nạn chỉ là một trong nhiều dẫn chứng về rủi ro gia tăng khi sử dụng phương tiện bay không người lái. Hồi tháng 10, trong khi xịt thuốc cho lúa, một thiết bị bay nông nghiệp vướng vào đường dây điện 110kV khiến hàng chục nghìn hộ dân ở Long An mất điện.

Người dân địa phương cho biết đã ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc trên đồng ruộng từ nhiều năm nay. Công nghệ này cho thấy rõ tính ưu việt trong tăng năng suất lao động, tuy nhiên việc quản lý, cấp phép bay vẫn có "khoảng mờ".

Trước đó, cơ quan chức năng đã ghi nhận hàng loạt vụ việc drone bay trái phép, uy hiếp không lưu, xâm phạm căn cứ quân sự, thậm chí được sử dụng để vận chuyển ma túy.