PhotoStory

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM

Thực hiện: Hữu Khoa

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người trên cả nước. Riêng TPHCM có hơn 17.000 người tử vong, tất cả đều ra đi trong lặng lẽ, không lễ mai táng, không người thân tiễn đưa.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 1

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã đưa ngành y tế vào những tháng ngày chưa từng có trong lịch sử. Đến nay, 50/63 tỉnh thành đã ghi nhận các ca tử vong do Covid-19. Trong đó, các tỉnh thành phía Nam, nhất là TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nhất với hơn 17.000 trường hợp tử vong, chiếm 74% tổng số ca tử vong trên cả nước. Ngày đỉnh điểm thành phố này ghi nhận 340 người tử vong do Covid-19.

Sự ra đi đột ngột đã khiến hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh ly biệt tang thương. Trong lúc chính quyền quá sức, người dân cạn lực thì những giáo viên, nhân viên ngân hàng, sinh viên… đã xắn tay kết thành đội thiện nguyện tới tận nhà, bó từng thi hài, miệt mài thực hiện nghĩa cử mai táng 0 đồng.

Mất ba, mất mẹ, mất ông bà… Uyển Nhi lên đường tình nguyện giúp vá nỗi đau do Covid-19

Đêm 28/8, những cơn mưa nối tiếp nhau khiến chuyến xe mai táng chưa kịp xuất phát đã vương vãi sình lầy. Bảy người đàn ông, trong đó người đã có gia đình, người mới đang là sinh viên và 4 cô gái trẻ chưa chồng cùng nhau mang vác đồ bảo hộ, cồn khử khuẩn, găng tay và vàng mã để phục vụ mai táng ra xe. Họ chuẩn bị cho ca trực với 11 thi thể phải mang đi mai táng trong một đêm.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 2
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 3
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 4

Những ngày đỉnh dịch, các đội mai táng thiện nguyện thay quan tài gỗ công nghiệp bằng túi đựng tử thi. Họ đặt cho cái túi ấy cái tên ít chua xót hơn là "túi ngủ". Lý do sử dụng "túi ngủ" là do những người mất thường là người nghèo, thuê trọ, lang thang hoặc sống ở chung cư cũ, lối đi chật hẹp, di chuyển qua nhiều khúc quanh nên nếu mang quan tài thì đi không... lọt.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 5

Đội mai táng 0 đồng có hơn 100 thành viên. Chia làm 4 đội, làm 4 ca liên tiếp trong ngày. Trung bình mỗi ngày, một đội đi khoảng 6 ca. Tuy nhiên, có những ngày phát sinh thì phải đi nhiều hơn, gần 10 ca.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 6
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 7
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 8

Phạm Uyển Nhi (20 tuổi, Quận 4), sau khi ba, mẹ, ông bà ngoại và nhiều người thân trong gia đình mất vì Covid-19 đã quyết định tham gia đội mai táng 0 đồng. Công việc của Nhi mỗi ngày là chuẩn bị nhang đèn, khăn tang, đồ bảo hộ để các đội sẵn sàng đi ca.

"Chưa đầy một tháng, em đã mất 8 người thân, em mồ côi rồi! Em gọi điện xin tham gia vào đội mai táng 0 đồng để chung tay giúp đỡ mọi người", những giọt nước mắt nghẹn ngào rơi trên gò má Nhi.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 9
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 10
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 11

Ca đầu tiên trong đêm 28/8 là một ca nằm ngoài danh sách. Người mất là ông Nguyễn Văn N. ở cùng gia đình trong phòng trọ. Khi ông mất, phòng trọ không cho mang xác về. Ngay lúc ấy, em Nguyễn Thị Bích Ngọc (31 tuổi, con gái ông N.) đã liên hệ với nhóm mai táng 0 đồng nhờ đưa xác ba đi.

Khoảng 23 giờ thi thể ông N. Được đưa ra khỏi nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Quận 5). Sau khi thi thể của ông được đưa lên xe, người con gái vẫn quỳ mãi dưới mưa trong tiếng khóc nấc, nghẹn ngào.  

 "Con không thấy mặt ba rồi ba ơi", tiếng khóc nỉ non trong mưa như xé lòng những thành viên đội mai táng. Quỳ dưới mưa khóc thương cha, Nguyễn Thị Bích Ngọc gần như kiệt sức. 

 Nước mưa chảy từng giọt, từ tóc xuống má hòa với nước mắt, Ngọc chia sẻ: "Em nghe tin ba mất lúc 9h sáng. Lúc đầu em tính xin đưa về nhà trọ nhưng nhà trọ không đồng ý. Tới tối bệnh viện cũng thông báo xác ba không được để qua đêm. Không biết được ba ở đâu, em gọi lên nhóm mai táng 0 đồng may được tiếp nhận ngay. Nhờ vậy ba được đưa đi…".

Chăm chút, nâng niu từng thi thể

Mỗi khi đến đón một nạn nhân mất vì Covid-19, đội tình nguyện viên thường đốt nhang, làm lễ tại gia đình nạn nhân sau đó mới tiến hành các thủ tục mai táng. Sau khi đã nhận xác, thành viên đội mai táng vái lạy thay gia đình người đã khuất như lời tiễn biệt cuối cùng.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 12

Những nén nhang, nải chuối, xấp vàng mã... dù sơ sài và ít ỏi nhưng phần nào cũng đã giúp người thân của những người đã mất được an ủi.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 13
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 14
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 15

Một người đàn ông ở tầng 2, tại một chung cư cũ trên đường Mạc Thiên Tích (Quận 5) mất do Covid -19 được gia đình tiễn đưa trong lặng lẽ. Trước khi đội mai táng có mặt, gia đình để cụ ông nằm nguyên trên giường trong căn phòng nhỏ đắp chiếc chăn mỏng như đang ngủ ngon giấc. Chiếc chăn có họa tiết hoa tím trắng ngày thường cụ ông vẫn đắp.

 Túi ni lông, vải trắng, khăn tang được chuẩn bị sẵn sàng. Tình nguyện viên mang theo một đôi găng tay, một đôi vớ chân màu trắng để đeo cho nạn nhân vì các quy định giãn cách, gia đình không thể ra ngoài để tự mua đồ mới mặc cho người đã khuất.

Sáu thanh niên lực lưỡng trong đội mai táng khiêng thi thể nép mình lách qua khung cửa hẹp từng bước một đi xuống cầu thang. Một thành viên trong đội mai táng theo sau đeo bình phun khử khuẩn, bậc cầu thang ướt sũng, nồng nặc mùi cồn.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 16
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 17
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 18

Ngôi nhà có cụ bà 73 tuổi mất vì Covid-19 nằm bên trong căn nhà ngay cạnh đồng cỏ ở huyện Bình Chánh. Lau sậy cao trên đầu gối khiến không gian tang thương càng trở nên lạnh lẽo. Cụ bà nằm một mình trên tấm nệm mỏng đặt dưới nền nhà trên lầu 2 như đang ngủ say. Ngay trong nhà mình nhưng chỉ có duy nhất người con trai lo toan mọi việc giúp đội mai táng. Tình nguyện viên đeo cho cụ bà một đôi vớ trắng, cuốn tấm ga giường và đặt bà vào chiếc "túi ngủ".

Cạnh cầu thang, nơi thi thể di chuyển ngang qua là chỗ cụ ông nằm liệt giường vì bị bệnh. Thấy đông người mặc đồ trắng kín mít ông ú ớ, ngơ ngác như muốn hỏi điều gì... Thi thể bà được đưa ra xe, qua đám cỏ lau ướt sũng trong tiếng ễnh ương, ếch nhái yếu ớt thay tiếng kèn nhạc tiễn đưa.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 19
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 20
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 21

Giây phút tiễn biệt người thân trong đại dịch chóng vánh. Nỗi đau đột ngột khi người thân ra đi khiến những người ở lại không thể nào nguôi ngoai. 

Thấm đẫm cả lít cồn khử khuẩn trên người mỗi tình nguyện viên hàng đêm

 Trời mưa, mười mấy tình nguyện viên xuyên đêm tìm tới từng địa chỉ đón thi thể người qua đời vì Covid -19. Họ ngâm mình trong cồn khử khuẩn, ướt sũng quần áo và ủ mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít suốt đêm.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 22
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 23
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 24

Hòa với những giọt mồ hôi mệt nhọc mỗi đêm là những giọt nước mắt của các thành viên đội tình nguyện khi chứng kiến cái chết bi thương của nạn nhân.

 Trước khi tẩm liệm, đội mai táng phải trang bị bảo hộ thật kỹ với bộ đồ bảo hộ cấp 4, mặt nạ chống độc, đeo thêm 2 - 3 lớp găng tay y tế. Sau khi hoàn tất các thủ tục, người mất đã được đưa lên xe họ chọn một góc để trút bỏ bộ đồ bảo hộ. Sau cùng, họ xoay người 360 độ để xịt cồn khử khuẩn rồi lên xe đi ca tiếp theo.

Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM - 25

Hơn 3 giờ sáng, quốc lộ 1A những ngày thực hiện chỉ thị 16, không một bóng người. Chiếc xe 16 chỗ chở thi thể lao nhanh trên đường vắng. Tiếng còi xe cứu thương kêu inh ỏi, hòa quyện vào lời bài hát của các tình nguyện viên: "Nếu chỉ còn một ngày để sống… Xin cho tôi đi giữa hừng đông…".

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4