PhotoStory

Những ngọn đồi bị "cạo trọc" trước mùa mưa lũ

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Khai thác keo tràm ở xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) diễn ra ồ ạt trên khu vực thượng nguồn hồ chứa nước Đập Họ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và mất an toàn hồ đập mùa mưa lũ.

Những ngọn đồi bị "cạo trọc" trước mùa mưa lũ (Video: Dương Nguyên).

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 1

Thời gian qua, những ngọn đồi với hàng chục hecta trồng keo tràm thuộc địa phận xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được người dân khai thác đồng loạt. Đây là xã miền núi vùng cao nằm về phía tây của huyện Hương Khê và có chung đường biên giới giáp với nước bạn Lào hơn 21km.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 2

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, những khu vực rừng, mảng đồi bị "cạo trắng" cây nằm ở vùng sâu, vùng xa, dọc hai bên tuyến đường độc đạo đi đến thôn biên giới Phú Lâm, xã Phú Gia.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 3

Từ đầu năm đến nay, người dân nhận thấy keo tràm được giá nên đã cắt bán ồ ạt.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 4

Việc khai thác tự do, thiếu tính toán khiến những cánh rừng đang phủ một màu xanh bỗng bị "cạo trọc" trơ trọi.

Điều này làm dấy lên mối lo ngại về biến động độ che phủ rừng, biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, tụt mạch nước ngầm.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 5

Đáng chú ý, những cánh rừng trồng keo đã khai thác nằm ở vị trí thượng nguồn hồ chứa nước Đập Họ, thuộc xã Hương Long, huyện Hương Khê. Những mảng xanh hai bên hồ đều là rừng sản xuất keo tràm chưa đến kỳ khai thác.

Hồ chứa nước Đập Họ được xây dựng từ những năm 1970, đầu tư nâng cấp sửa chữa và hoàn thiện năm 2018. Công trình thủy lợi này có nhiệm vụ đảm bảo cấp nước tưới cho 150ha lúa đông xuân, 135ha lúa hè thu, 17ha hoa màu và cây ăn quả. Hồ này còn có chức năng giảm lũ cho hạ du, tạo cảnh quan môi trường, sinh thái cho khu vực.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 6

Khi đến kỳ cao điểm khai thác, nhiều khu vực rừng trắng cây dẫn đến nguy cơ làm giảm khả năng giữ nước, giữ đất, tạo sự bồi lấp, xói mòn đe dọa an toàn hồ chứa nước Đập Họ.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 7

Để khai thác, vận chuyển keo tràm, người dân sử dụng máy móc, phương tiện đào bới, mở đường nham nhở.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 8

Nhìn từ trên cao, những con đường vận chuyển keo tràm chằng chịt, chạy từ chân đồi lên đến đỉnh. Trong mùa mưa bão, những con đường này sẽ vô tình trở thành rãnh thoát nước, gây xói mòn, làm tăng nguy cơ sạt lở đất đá.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 9

Những ngọn đồi trồng keo nằm cạnh huyện lộ 6 - tuyến đường độc đạo từ thị trấn Hương Khê đi bản Phú Lâm, xã Phú Gia và Đồn Biên phòng Phú Gia. Việc trồng và khai thác keo sẽ làm giảm khả năng giữ đất, tiềm ẩn sạt lở đất đá trên tuyến đường.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 10

Điều này gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại trong mùa mưa.

Những ngọn đồi bị cạo trọc trước mùa mưa lũ - 11

Theo đại diện UBND xã Phú Gia, những khu vực rừng sản xuất khai thác ồ ạt nêu trên thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê và địa phương này.

Xã Phú Gia có hơn 13.000ha đất rừng, trong đó xã quản lý 1.600ha rừng trồng giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, sản xuất. Số diện tích này, người dân đều lựa chọn trồng cây keo. Việc trồng, thu hoạch keo đều diễn ra theo phương án của từng gia đình.

Còn theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê, trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác keo tràm toàn huyện là 22.800m3/1.187ha rừng. Cũng trong thời gian này, người dân đã trồng trở lại 250ha.

Theo Điều 11 của Thông tư số 26 ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và Thông tư số 22 ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, yêu cầu:

Khi khai thác gỗ rừng trồng, các tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư phải xây dựng hồ sơ (phương án khai thác, các quyết định liên quan đến thực hiện các biện pháp lâm sinh...) gửi cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra, phê duyệt, giám sát.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo UBND xã Phú Gia thừa nhận rằng các Thông tư nêu trên đã không được người dân thực hiện nghiêm túc dẫn đến việc khai thác "trắng" các cánh rừng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về môi trường, an toàn hồ đập.