DMagazine

"Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong"

(Dân trí) - Theo Bí thư Phú Yên, nửa đầu nhiệm kỳ đi qua với nhiều biến động, nhưng ẩn sâu bên trong là bước tiến lớn về nội lực của hệ thống chính trị, kinh tế, giúp đất nước vững vàng bước qua thách thức.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhìn nhận nhiệm kỳ 2021-2026 là một nhiệm kỳ đặc biệt. Nửa đầu nhiệm kỳ trôi qua với nhiều biến động do đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới, song theo Bí thư Phú Yên, ẩn sâu bên trong là những bước tiến lớn về nội lực của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, giúp đất nước vững vàng bước qua những khó khăn của thời cuộc.

"Như con nhộng muốn hóa thành bướm, phải nỗ lực, dựa vào nội lực để tự thay đổi mình, để tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong, và chúng ta cũng vậy", ông Phạm Đại Dương chia sẻ.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 1

 Nhìn lại sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, có những bước phát triển ấn tượng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Theo Bí thư Phú Yên Phạm Đại Dương, đây là cơ sở, là tiền đề quan trọng để chúng ta quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, để đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Mục tiêu xa hơn, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có ngành công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Là một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã chịu những tác động to lớn từ sự bất ổn của kinh tế thế giới. Những tác động này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ.

Thế nhưng, nhìn nhận một cách lạc quan hơn, Bí thư Phạm Đại Dương cho rằng những tác động ngoài ý muốn không chỉ mang lại yếu tố tiêu cực.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 3

Theo ông Dương, tăng trưởng dù có chậm lại nhưng sự vững vàng trong phát triển kinh tế - xã hội cho thấy nền kinh tế nước ta đã tự chủ hơn rất nhiều, giữ vững được các cân đối lớn của nền kinh tế, khả năng chống chịu trước sự tác động bên ngoài cao hơn, sự vận hành của nền kinh tế đã tốt hơn, tính chủ động cao hơn.

Trước tình hình bất ổn chung của thế giới vẫn còn tiếp diễn và khó đoán định, Bí thư Phú Yên cho rằng cần có sự quyết tâm cao cùng những chính sách đột phá để bù lại những gì chưa làm được trong nửa đầu nhiệm kỳ.

Trong đó, ông Dương nhấn mạnh cần chú trọng đảm bảo và nâng cao đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung vào những thế mạnh cốt lõi, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, tìm kiếm "cơ" trong "nguy", tận dụng các cơ hội để vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn để bứt phá.

Bên cạnh đó, ông Dương mong muốn công tác cán bộ được chú trọng hơn. Từ việc có một bộ phận cán bộ không có lợi ích cá nhân thì không làm, cán bộ sợ sai đến những bài học đau xót "vừa mất tài sản Nhà nước, vừa mất cán bộ", ông Dương cho rằng thực tế này đã và đang đặt ra những yêu cầu lớn hơn cho công tác cán bộ.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 5

"Công tác tạo nguồn cán bộ cần được quan tâm từ cơ sở. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần làm thường xuyên, nhất là thông qua công tác luân chuyển, điều động cán bộ. Và có lẽ, một yếu tố cần xem xét triển khai mạnh hơn, là sự linh hoạt trong sử dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài để giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống", ông Dương góp ý.

Cũng nói về công tác cán bộ, ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) cho biết ngay sau Đại hội Đảng XIII, chúng ta đã chỉ ra nhiều vấn đề về cán bộ và cũng phải trả cái giá quá đắt về cán bộ, nên từ đó đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ, thời gian cho công tác cán bộ, với mục tiêu hoàn thiện thể chế, bổ sung quy định chặt chẽ để bịt mọi lỗ hở.

Theo ông Hà, quy định cũng chỉ là một yếu tố quan trọng, nhưng cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người.

"Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội nên liên quan đến con người, phải sử dụng tổng hợp các giải pháp, không có giải pháp nào như thuốc tiên cả. Vì thế, phải kết hợp cả vấn đề tư tưởng, giáo dục, hành chính, tổ chức, kinh tế, pháp luật… để tạo sự chuyển biến tích cực của một con người", ông Hà nói.

Theo ông, không nên quá kỳ vọng vào việc thay đổi trong một sớm một chiều, mà cần cả quá trình để tạo chuyển biến.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 6

 Về phát triển kinh tế, nhìn từ thực tế của địa phương, Bí thư Phú Yên cho biết tỉnh đã và đang có những nền tảng quan trọng để bứt phá. Nhưng sự phát triển mà Phú Yên hướng tới không phải kinh tế đơn thuần, mà là một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

"Ở đó, người dân phải là đối tượng thụ hưởng những thành quả của sự phát triển, phải có cuộc sống tốt hơn, có đời sống văn hóa tinh thần chất lượng hơn, và quan trọng hơn, là ngày càng hạnh phúc hơn", theo chia sẻ của vị Bí thư Tỉnh ủy.

Với quan điểm đó, Phú Yên đang từng bước chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế thành giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh định hướng những giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử ở Phú Yên phải được phát huy tối đa và hiệu quả, Bí thư Phạm Đại Dương nêu khát vọng đường bờ biển dài với những bãi cát trắng sẽ được chuyển hóa thành những đô thị, dịch vụ ven biển năng động, gắn với phát triển du lịch không gian biển; thành những vùng nuôi trồng, đánh bắt xa bờ gắn với trung tâm chế biến thủy hải sản; thành những khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với lợi thế cảng nước sâu…

Bên cạnh đó, vùng đồng bằng từng được mệnh danh "vựa lúa Miền Trung" sẽ trở thành những vùng dân cư yên bình gắn với phát triển nông nghiệp nhiều lợi thế như trồng lúa, các cây nông nghiệp ngắn ngày. Vùng núi tiếp giáp với Tây Nguyên có nhiều lợi thế để trở thành các vùng cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao...

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 8

Mặt khác, Bí thư Phú Yên chia sẻ định hướng tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… được tỉnh triển khai nhằm huy động các nguồn lực.

Vừa qua, ông cho biết tỉnh Phú Yên đã thông qua chủ trương đầu tư để hoàn thành tuyến đường ven biển nhằm phát triển du lịch biển; hợp tác với Tập đoàn Kyomura và một số doanh nghiệp Nhật Bản để đưa công nghệ mới vào đánh bắt, khai thác, chế biến thủy hải sản, hướng tới phát triển ngành nuôi biển ngoài khơi.

Tỉnh cũng đang thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao như xây dựng tổ hợp dịch vụ trung tâm dữ liệu Data Center, cáp viễn thông quốc tế, công nghiệp dịch vụ hàng không, xây dựng cảng biển và các ngành công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi…

Một yếu tố quan trọng mà tỉnh Phú Yên xác định trong sự phát triển bền vững, theo ông Phạm Đại Dương, chính là yếu tố con người. Ông nhấn mạnh người dân là đối tượng thụ hưởng thành quả của sự phát triển nhưng người dân cũng chính là chủ thể tạo ra sự phát triển.

"Tăng trưởng về kinh tế luôn là mục tiêu cần hướng tới, nhưng cao hơn nữa, đó chính là sự phát triển đúng nghĩa, không dựa trên những con số, mà sự phát triển để mỗi người dân ngày mai sẽ luôn có cuộc sống tốt hơn", theo Bí thư Phú Yên Phạm Đại Dương.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 10

Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Muốn kinh tế xã hội phát triển, doanh nghiệp phải phát triển.

Thế nhưng qua nửa nhiệm kỳ đối mặt với quá nhiều khó khăn, điều mong ước lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay vẫn là được tháo gỡ về thể chế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) dẫn chứng ngay trong cơ chế cho vay đối với doanh nghiệp khi Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng "có tiền không thể cho vay".

"Ví dụ hiện nay có yêu cầu doanh nghiệp phải có dòng tiền rất mạnh, phương án kinh doanh tốt mới xét đến việc tín chấp, nhưng phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tiếp cận chính sách cho vay là rất khó", ông Thân nói.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 12

Tất cả những vướng mắc ấy, theo ông Thân, do chưa giải quyết được những chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật. Ông Thân gọi đây là "thế bí" của chúng ta.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ quan làm chính sách phải giải quyết "thế bí" này, tránh tạo sơ hở để tham nhũng vặt nảy nở.

"Chống tham nhũng có mạnh đến mấy mà còn sơ hở thì tham nhũng vẫn tiếp tục sản sinh, mà muốn tham nhũng phải gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp", ông Thân cho rằng phải xử lý dứt điểm mấu chốt này, công tác chống tham nhũng mới thực sự hiệu quả.

"Doanh nghiệp thực sự ngấm đòn bởi những khó khăn đã và đang hiện hữu. Nhiều doanh nghiệp phải phá sản, tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động kiểu cầm chừng", ông Trần Khắc Tâm (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long), chia sẻ chưa bao giờ, cộng đồng doanh nghiệp khó khăn như hiện nay.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 14

Trước quá nhiều thách thức, ông Tâm nhìn nhận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phần nào giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, nhưng chưa thể là phép màu giúp họ "hồi sinh".

"Vì thế, các doanh nghiệp trong lúc đợi tháo gỡ nút thắt về cơ chế chính sách cần phải phát huy nội lực, đương đầu với khó khăn, thử thách để có hướng đi phù hợp", theo lời ông Tâm.

Với cảm nhận của doanh nghiệp, ông Tâm cho rằng điều đầu tiên cần tháo gỡ chính là tâm lý sợ trách nhiệm ở các cơ quan công vụ.

Sau hàng loạt vụ cán bộ vướng vòng lao lý vì liên quan sai phạm, tiêu cực, doanh nghiệp cảm nhận rõ nhất về việc nhiều cán bộ không dám làm, không dám quyết. Điều này khiến công việc bị đình trệ, ùn ứ, đặc biệt trong việc phê duyệt các dự án với những hồ sơ bị "om" trong thời gian rất dài, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Một dẫn chứng khác từ thực tế được ông Tâm đề cập, đó là sau cuộc khủng hoảng đăng kiểm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị tác động do nhiều xe hết hạn nhưng không đăng kiểm được, không dám ra ngoài đường.

"Giao thông là mạch máu của nền kinh tế và vận tải đảm nhận việc vận chuyển máu đến các cơ quan. Nếu vận tải tê liệt, sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ đi xuống", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhận định.

Những bất cập trong chính sách gia hạn thuế cho doanh nghiệp cũng được ông Trần Khắc Tâm chỉ ra. Theo ông, việc truy thu bằng được khi doanh nghiệp nợ thuế nhưng lại chỉ trả "nhỏ giọt" khi hoàn thuế là điều rất bất công. Và đây cũng là điều doanh nghiệp mong muốn cải thiện.

Thay các doanh nghiệp nói lên một thực tế khác, ông Tâm đề cập đến vấn đề siết tín dụng với bất động sản đã được thực hiện trong thời gian qua để ổn định và tránh các nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, điều này đã khiến các doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình cảnh khó khăn, đói vốn.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 16

"Việc không có vốn để tái đầu tư trong khi nợ đến hạn, trái phiếu đáo hạn khiến doanh nghiệp địa ốc đã khó càng khó hơn", ông Tâm nói. Ông đề nghị tổ chức tín dụng ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất được tiếp cận nhiều hơn vốn vay ưu đãi về lãi suất. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản có tính khả thi cao, pháp lý rõ ràng cũng nên được cho vay ưu đãi để có thể phát triển, giải quyết vấn đề nhà ở cho xã hội.

Ngoài ra, đại diện hiệp hội doanh nghiệp miền Tây chỉ rõ điểm nghẽn trong thủ tục hành chính đang là rào cản với doanh nghiệp, nên cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Ngay tại Sóc Trăng, ông Tâm cho biết lãnh đạo tỉnh đang quyết liệt thực hiện việc này. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định với kiến nghị của doanh nghiệp, không có chuyện tỉnh "nghe xong rồi bỏ đó", mà sẽ được xử lý đến nơi đến chốn.

Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền tỉnh còn tổ chức mô hình "cà phê với doanh nghiệp" để lắng nghe mọi tâm tư và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Tâm, đây là điều rất cần thiết và cũng là thứ doanh nghiệp mong mỏi hiện nay.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 18

Để thực hiện khát vọng phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định phòng, chống tham nhũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Văn kiện Đại hội XIII cũng đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, để hạn chế tham nhũng, tiêu cực, trước hết phải xây dựng được một cơ chế để không thể, không dám và không muốn tham nhũng. "Quan trọng nhất là phải tập trung cho khâu phòng ngừa, để không phải chống tham nhũng", theo lời ông Cường.

Ông nhấn mạnh muốn phòng ngừa tham nhũng, cơ chế chính sách phải đồng bộ, chặt chẽ, không mang lại ích nhóm và không có sở hở để có thể lợi dụng tham nhũng..

"Các quy định phải minh bạch, rõ ràng. Thực tế hiện nay có nhiều quy định người ta làm mà không biết đúng hay sai, rất nguy hiểm, rất dễ rơi vào tham nhũng mà chưa chắc họ đã có động cơ xấu", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu thực tế.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 20

Bên cạnh đó, ông lưu ý cần làm tốt việc kiểm soát xung đột lợi ích. "Ví dụ, nếu cán bộ thực hiện nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến lợi ích của mình phải báo cáo cấp trên, hoặc cán bộ quản lý Nhà nước không để cho người nhà làm trong các lĩnh vực thuộc quản lý trực tiếp của mình", ông Cường nhấn mạnh phải kiểm soát được những yếu tố này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ghi nhận qua mỗi năm, công tác chống tham nhũng càng được đẩy mạnh, song cũng có ý kiến cho rằng chống tham nhũng mạnh quá khiến một bộ phận có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Phân tích về nguyên lý, ông Cường nhấn mạnh để kinh tế xã hội phát triển bền vững, chắc chắn phải chống tham nhũng. Nhiều nước trên thế giới để đạt sự phát triển như ngày nay cũng phải trải qua quá trình phòng chống tham nhũng rất quyết liệt.

"Tham nhũng mang lại lợi ích cho một số người nhưng gây thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước, làm méo mó chính sách của Đảng và Nhà nước, khiến môi trường đầu tư kinh doanh bất bình đẳng. Để tham nhũng, có khi họ còn bẻ cong chính sách, làm mất lòng tin của người dân, làm chi phí xã hội tăng lên rất nhiều", ông Cường nói.

Vì vậy, trong thực tế của cuộc chiến chống tham nhũng, một bộ phận cán bộ có thể chùn tay, nhưng theo ông Cường, phần lớn người dân, doanh nghiệp đều có cảm nhận tích cực, nhận thấy môi trường đầu tư được cải thiện, nên họ sẽ hăng say lao động, tiếp tục sản xuất kinh doanh tốt hơn. Nghĩa là nhìn tổng thể, xã hội vẫn có thể phát hiện hơn nếu chống tham nhũng quyết liệt.

Vị Phó Chủ nhiệm chỉ ra thực tế, đấu tranh chống tham nhũng hàng năm đều quyết liệt hơn, và chỉ số phát triển kinh tế xã hội cũng như tốc độ tăng trưởng của đất nước từ 2000 trở lại đây đều tăng qua các năm, như năm ngoái tăng hơn 8%. Chỉ riêng năm phải chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 mới khiến tăng trưởng giảm.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 22

Vì vậy, ông Cường khẳng định "không thể nói tăng trưởng giảm sút là do chống tham nhũng mạnh".

Nhấn mạnh chống tham nhũng có thể gây ra tác động, nhưng theo ông Cường, đây là xu hướng chung, về lâu dài, cái lợi vẫn lớn hơn nên cần tiếp tục cuộc đấu tranh này, bên cạnh công tác phòng ngừa vẫn cần đẩy mạnh phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng.

"Tham nhũng giống như con sâu, cứ ăn dần khiến cây mục ruỗng. Dù cây vẫn phát triển, nếu không bắt được sâu, đến một lúc nào đó cái cây ấy cũng sẽ chết", ông Cường ví von và nhấn mạnh cần giải quyết tận gốc vấn nạn này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng nếu đấu tranh chống tham nhũng mà mới chỉ xử lý được tham nhũng tức là mới làm được một phần, bởi tài sản thất thoát từ tham nhũng rất lớn, nhiều người thậm chí xác định "hy sinh đời bố, củng cố đời con".

Ông góp ý việc thu hồi phải bắt đầu sớm ngay từ khi thanh tra, kiểm tra, nếu có dấu hiệu phải có tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản ngay. Ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Bên cạnh đó, cần cơ chế xử lý tài sản bất minh.

"Dù chưa chứng minh tài sản đó do phạm tội, tham nhũng mà có nhưng nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản, cần có giải pháp để xem xét, xử lý", ông Cường nêu quan điểm.

Nhộng muốn hóa bướm, phải nỗ lực tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong - 24

Nội dung: Hoài Thu

Thiết kế: Thủy Tiên

Nội dung: Hoài Thu