Nhịp sống ở khu nhà xưởng cũ nát tại bến Bình Đông TPHCM
(Dân trí) - Khu nhà xưởng xay xát lúa gạo, bột mì bến Bình Đông (quận 8, TPHCM) được xây dựng từ trước năm 1975. Hiện nơi này chỉ còn vài nhà máy hoạt động, cơ sở vật chất xuống cấp.
Khu nhà máy xay xát kết hợp nhà kho bến Bình Đông nằm dọc kênh Tàu Hủ được xây dựng từ trước năm 1975. Đầu những năm 1980, hoạt động thương mại tại đây diễn ra "trên bến dưới thuyền" khá nhộn nhịp.
Theo nhiều tài liệu, thời điểm đó bến Bình Đông được xem là vựa cung cấp lúa gạo và nhiều loại lương thực khác cho thương lái khắp các tỉnh miền Tây.
Trải qua hàng chục năm, nơi này hiện xuống cấp nặng và không còn duy trì được nhịp độ sản xuất, thương mại như trước kia.
Thiết kế của khu nhà xưởng này có sự pha trộn giữa kiến trúc Đông - Tây với những mảng tường lớn được sơn màu vàng, cột gạch lớn, lan can bằng sắt, gờ chỉ làm bằng thạch cao hoặc vôi.
Cận cảnh một nhà kho bị bỏ hoang, vách tường phía trước bong tróc khá nhiều.
Bên trong một nhà kho với phần mái che hư hỏng nặng.
Một nhà kho cũ đang bị đập đi để xây mới. Theo nhiều người dân, hoạt động phá dỡ này diễn ra khá thường xuyên trong những năm gần đây.
Một vài công trình mới đang được xây dựng trên nền nhà xưởng cũ.
Theo ông Quý - thủ kho 62 tuổi có hàng chục năm làm việc tại đây - cho biết, dù hạ tầng khu nhà xưởng xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn còn một số nhà máy, kho bãi hoạt động cầm chừng. Lượng hàng hóa xuất, nhập khá ít và không thường xuyên.
Một nhà kho bột mì vẫn có công nhân làm việc. Theo lời kể của ông Quý, nơi này được xây dựng hoàn thiện trước năm 1975. Từ đó đến nay đã qua một vài lần nâng cấp, sửa chữa.
"Nghe nhiều người kể lại, trước khi những nhà máy xay xát và nhà kho được xây dựng kiên cố, nơi này từng là nhà xưởng nhỏ của những thương nhân người Hoa đến lập nghiệp từ thế kỷ 19", ông Quý nói.
Một nhóm người hành nghề bốc vác tại Bình Đông ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện phía trước một nhà kho cũ. "Nghề của tôi giờ ế lắm, chỉ đủ kiếm sống qua ngày. Nhiều anh em khác đã bỏ nghề", ông Bính (áo xanh bên trái) nói.
Phía ngoài các nhà xưởng dọc đường Bến Bình Đông, nhiều người dân che lều tạm để ở và làm nhiều nghề như sửa xe, hớt tóc, bán cây kiểng, cà phê, nhặt ve chai...
Cư dân sống trong khu vực nhà xưởng tại bến Bình Đông không chỉ có những người vô gia cư, nhiều người cũng đến đây thuê mặt bằng buôn bán thức ăn, nước giải khát.
Ông Quang (58 tuổi) đến khu nhà kho dựng tạm một tiệm hớt tóc nhỏ từ 2 năm trước để hành nghề.
"Khu nhà xưởng xuống cấp nặng, nhưng vẫn là nơi để những người vô gia cư như chúng tôi nương náu. Sắp tới, nếu có chỗ ở khác thuận lợi cho công việc, tôi sẽ dọn đi", ông Quang nói.
Cách tiệm tóc của ông Quang khoảng 200m là căn chòi có mái che bằng bạt nhựa của vợ chồng ông H. (65 tuổi). Cả hai sống tại khu vực nhà kho hơn 10 năm, làm nghề buôn bán đất phân để trồng cây kiểng.
"Tuổi càng lớn, chắc là vợ chồng tôi sẽ chấp nhận cuộc sống lang bạt cho đến già. Sắp tới nếu chính quyền có yêu cầu, chúng tôi sẽ chuyển đi nơi khác ở", ông H. nói.
Đêm muộn cũng là lúc khu nhà xưởng bến Bình Đông trở nên vắng vẻ, thỉnh thoảng có gánh hàng rong qua lại trên đường.
Khung cảnh này đối lập với cảnh sống nhộn nhịp, sầm uất của một khu dân cư thuộc quận 6 sáng ánh đèn, soi bóng xuống dòng kênh Tàu Hủ.
Theo người dân địa phương, khu nhà xưởng này dù cũ nát nhưng vẫn mang "cái hồn" đặc trưng. Nó minh chứng cho giai đoạn bến Bình Đông xưa nhộn nhịp các hoạt động thương mại kiểu "trên bến dưới thuyền".