DNews

"Nhiều tỉnh phát triển nhờ xin ngân sách Trung ương, không thể phụ thuộc thế được"

Hoài Thu

(Dân trí) - Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra bất cập khi chỉ một quận của Hà Nội có nguồn thu cao gấp 2-3 lần một tỉnh, thậm chí có tỉnh nhiều tiềm năng nhưng không phát triển được, chỉ dựa vào xin ngân sách Trung ương.

"Nhiều tỉnh phát triển nhờ xin ngân sách Trung ương, không thể phụ thuộc thế được"

Thực tế này được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, sáng 17/5.

Với những chuyển biến chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, Tổng Bí thư cho rằng ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức sẽ thành công. Ngược lại, sẽ rơi vào hoàn cảnh "trâu chậm uống nước đục".

"Bộ tứ chiến lược" giúp đất nước cất cánh

Nhấn mạnh mệnh lệnh từ tương lai dân tộc, Tổng Bí thư cho biết lần này việc cải cách tập trung vào 4 đột phá.

Nghị quyết 57 của Bộ chính trị thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng (đã được quán triệt học tập). Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Tổng Bí thư ví 4 nghị quyết này như "Bộ tứ chiến lược" giúp đất nước cất cánh.

Thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, Tổng Bí thư nhấn mạnh chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.

"Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất", theo lời Tổng Bí thư.

Trước hết, Tổng Bí thư khẳng định phải phát triển kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc gia, như tinh thần Nghị quyết 68.

Dù vậy, ông vẫn khẳng định vai trò chủ đạo, dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước.

"Chúng ta nói nhiều về kinh tế tư nhân nhưng không phủ nhận vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước. Tôi cảm nhận có đồng chí băn khoăn nên phải chia sẻ điều này", Tổng Bí thư nói.

Nhiều tỉnh phát triển nhờ xin ngân sách Trung ương, không thể phụ thuộc thế được - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt nhiều nội dung cốt lõi, đột phá trong 4 nghị quyết của Bộ Chính trị (Ảnh: Phạm Thắng).

Quan điểm trên, theo ông, đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức chiến lược về vai trò của khu vực tư nhân: từ vị trí thứ yếu trở thành trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể, tạo thành thế "kiềng ba chân" vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

Cùng với rất nhiều quan điểm đột phá, Nghị quyết 68 khẳng định doanh nhân Việt Nam là "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế" trong thời kỳ mới. Họ không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân mà còn thực hiện sứ mệnh cao cả, đó là dựng xây đất nước hùng cường và thịnh vượng.

"Ai cũng phải lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm cho xã hội, như vậy xã hội mới phát triển, giàu có được", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tại sao một quận có thể thu nhiều gấp 2-3 lần một tỉnh?

Ông đồng thời chia sẻ một thực tế về vai trò của kinh tế tư nhân ở địa phương. "Ở Hà Nội, TPHCM, chỉ một quận thôi tại sao người ta có thu nhập cao hơn gấp 2-3 lần của một tỉnh, trong khi họ không có đất đai? Như quận Hoàn Kiếm, chủ yếu nhờ vào doanh nghiệp tư nhân, dựa vào kinh doanh và dịch vụ mà họ phát triển được như thế. Tỉnh mà không bằng một quận thì rất khó khăn", Tổng Bí thư nêu thực tế.

Ông cho biết có tỉnh rất nhiều tiềm năng nhưng không sản xuất, không kinh doanh được, không phát triển được doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu dựa vào đầu tư công.

"Có đồng chí nói với tôi phát triển của tỉnh chủ yếu dựa vào xin ngân sách Trung ương, không thể phụ thuộc như thế được. Tiền trong dân rất nhiều, tiền dân gửi ngân hàng rất nhiều nhưng tỉnh không tiêu được. Người dân không biết sản xuất, kinh doanh, không mở được doanh nghiệp thì tỉnh làm sao thu được thuế, còn người dân thì rất vất vả", theo Tổng Bí thư, đây là bài học đáng suy ngẫm.

Tổng Bí thư cho rằng những tỉnh nghèo đều do doanh nghiệp không phát triển được. Vì thực tế, chỉ cần một doanh nghiệp lớn có thể đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng cho nguồn thu của tỉnh. Đó là lý do Tổng Bí thư nhấn mạnh các địa phương cần chú trọng phát triển doanh nghiệp để tăng nguồn thu.

Nhiều tỉnh phát triển nhờ xin ngân sách Trung ương, không thể phụ thuộc thế được - 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị (Ảnh: Hồng Phong).

"Nhiều tỉnh khó khăn không phải do thiếu tiền mà do không có cách thức phát triển. Thậm chí khi có tiền, người ta mang sang tỉnh khác tiêu chứ không tiêu ở tỉnh mình, như thế rất thiệt thòi, là điều rất trăn trở, rất suy nghĩ", Tổng Bí thư chia sẻ.

Ông cho rằng Nghị quyết 68 lần này đã đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, từ việc "thừa nhận" sang "bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy", từ "bổ trợ" sang "dẫn dắt phát triển".

Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.

Không để tư duy cũ, lối làm việc thụ động cản trở sự phát triển

Về tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57, Tổng Bí thư nhấn mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là phương tiện hỗ trợ, mà là nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư quán triệt phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán, không để tư duy cũ, lối làm việc hình thức, thụ động cản trở tiến trình phát triển.

"Chúng ta muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, không có con đường nào khác ngoài con đường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, sáng tạo bứt phá hơn, biến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự thành nền tảng và động lực then chốt đưa đất nước vươn tới những tầm cao mới", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đề cập nội dung đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư cho biết Nghị quyết 66 coi đây là nền tảng cho tiến trình xây dựng Nhà nước trong kỷ nguyên mới.

Nhiều tỉnh phát triển nhờ xin ngân sách Trung ương, không thể phụ thuộc thế được - 3

Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: Hồng Phong).

Nghị quyết khẳng định pháp luật không chỉ đơn thuần là công cụ điều chỉnh hành vi xã hội, mà phải được xem là cơ sở tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tinh thần cải cách lần này, theo Tổng Bí thư, là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật từ "quản lý" sang "phục vụ", từ bị động sang chủ động, kiến tạo sự phát triển.

Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất; phân cấp, phân quyền rõ ràng gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế "xin - cho", triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm.

Về hội nhập quốc tế trong tình hình mới Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị xác định đây là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn sâu sắc: hội nhập quốc tế không chỉ là mở cửa, giao lưu, mà là một sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, tích cực và bản lĩnh.

Một nội dung đặc biệt quan trọng, có tính nền tảng trong nghị quyết, theo Tổng Bí thư, là xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhập quốc tế vững mạnh.

"4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện", Tổng Bí thư quán triệt.

Theo ông, sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch thì kinh tế tư nhân khó phát triển, khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả.

Nêu thực tế chúng ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư nước ngoài, song Tổng Bí thư đặt vấn đề: "Thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hưởng ứng, được hưởng lợi?". Ông cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa biết nội dung các hiệp định này thế nào và mình được hưởng lợi gì.

Bất cập ấy cho thấy từ ban hành chính sách đến thực tiễn còn khoảng cách rất xa, theo nhận định của Tổng Bí thư.

Không tạo đột phá ngay sẽ lỡ thời cơ vàng

Nhắc đến nhiều nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025, Tổng Bí thư lưu ý nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.

Tổng Bí thư cho biết kể từ Hội nghị Trung ương X khóa XIII (9/2024) đến nay, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những "điểm nghẽn", tạo không gian phát triển mới cho đất nước.

Nhiều tỉnh phát triển nhờ xin ngân sách Trung ương, không thể phụ thuộc thế được - 4

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vững chắc vào một tương lai tươi sáng của đất nước (Ảnh: Phạm Thắng).

Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương về "một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả" cũng được quyết liệt triển khai cùng với việc xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Những việc này, theo Tổng Bí thư, nhằm giúp đất nước cất cánh.

"Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Vì "Biết đồng sức, biết đồng lòng/ việc gì khó, làm cũng xong"", Tổng Bí thư quán triệt.

Ông mong mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.

Với lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, theo Tổng Bí thư, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.

Tổng Bí thư cho rằng, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vững chắc vào một tương lai tươi sáng của đất nước.

"Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới - Khát vọng - Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045", Tổng Bí thư kêu gọi.