DNews

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình

Ngọc Tân

(Dân trí) - Sau sự nghiệp tình báo đáng nể, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dành trọn 10 năm cuối đời để sáng lập và phát triển lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam.

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình

Đêm 13/9, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh rơi vào cơn nguy kịch. Túc trực bên giường bệnh của ông là Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình, người cấp dưới gần gũi với Thượng tướng trong suốt 10 năm xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. 

10 năm trước, sĩ quan Hoàng Kim Phụng được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh gọi về nước khi đang là Tùy viên quân sự ở Philippines.

"Bác Vịnh đã vỗ vai tôi và nói một cách rất cá nhân: "trong lịch sử quân đội ta mới có kéo tùy viên quốc phòng về để kỷ luật thôi. Còn mày là thằng đầu tiên được kéo về để cho nhận một nhiệm vụ mới. Thăng cấp, thăng chức'", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng xúc động nhớ lại.

Những ngày cuối của năm 2013 đó, Tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng những tướng lĩnh quân đội tâm huyết đã xây dựng nền móng đầu tiên cho một lực lượng bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa".

Người sáng lập đội quân "mũ nồi xanh" Việt Nam

Trong ấn tượng của ông Hoàng Kim Phụng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn giữ một tư duy chiến lược: Không chỉ bảo vệ Tổ quốc vỏn vẹn ở trong lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình, mà phải bảo vệ một cách chủ động, từ sớm, từ xa.

Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng đã đóng góp vào việc xây dựng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế. Nghị quyết do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 10/4/2013 nêu rõ Việt Nam sẽ gia nhập các cơ chế đa phương như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình - 1

Lực lượng công binh "mũ nồi xanh" Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Abyei, Châu Phi (Ảnh: Mạnh Quân).

Tướng Vịnh sau đó lập tức bắt tay vào xây dựng đề án Quân đội tham gia gìn giữ hòa bình ở Liên Hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. 

Khi trình bày ý tưởng đưa quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, Tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng các cộng sự phải đối mặt với rất nhiều ý kiến trái chiều.

"Nhiều người ý kiến ta còn đầy rẫy công việc, tại sao phải đưa lính đi tham gia ở châu Phi làm gì?. Có người lại lo lắng nguy cơ mang bệnh dịch về nước. Những bệnh dịch kinh khủng nhất của thiên niên kỷ đều phát sinh từ đấy cả", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhớ lại.

Ông Phụng cho biết một số người thậm chí coi lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là đối tượng. Họ hình dung nếu Việt Nam tham gia thì có giống như UNTAC? (lính Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc ở Campuchia giai đoạn 1992-1993). Phái bộ UNTAC được lập sau khi quân tình nguyện Việt Nam rút đi và từng có những hoạt động gây ý kiến trái chiều.

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình - 2

Người lính tình báo Nguyễn Chí Vịnh đã có trải nghiệm với "lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc" ở Campuchia. Một trải nghiệm không mấy dễ chịu. Nhưng sau này chính ông đã quyết tâm đưa quân đội Việt nam tham gia GGHB Liên Hợp quốc dựa trên những tính toán có lợi cho vị thế quốc tế của Việt Nam.

Quan điểm của Tướng Vịnh là nghiên cứu khó khăn là để hóa giải, không phải để lùi bước. Một mặt, ông bảo vệ quan điểm đưa quân đội tham gia hoạt động của Liên Hợp quốc, mặt khác ông nghiêm khắc yêu cầu các cộng sự phải nghiên cứu đầy đủ những trở ngại, khó khăn nêu trên, tận dụng mọi nguồn lực để hóa giải khó khăn đó.

"Nhờ Tướng Vịnh dám đương đầu với thách thức mới, chúng tôi đã nghiên cứu rất bài bản và vận động được cả hệ thống chính trị. Hành động đưa quân đội đi gìn giữ hòa bình thể hiện cam kết hội nhập quốc tế một cách cụ thể, mãnh liệt, dũng cảm nhất của chúng ta", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ.

Ngày 4/12/2013, Quân ủy Trung ương thành lập Tổ công tác để chuẩn bị cho sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ông Hoàng Kim Phụng được Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh gọi về nước và giao trọng trách tổ trưởng. Đến ngày 27/5/2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình chính thức thành lập. Ông Phụng là Giám đốc Trung tâm và sau đó là Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam. 

"Đó là điều khiến tôi thấy vinh dự, nhưng cũng cảm nhận được trọng trách của mình trước lòng tin của Tướng Vịnh, của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Quân ủy. Điều đó đối với tôi là quá lớn, nên tôi không dám mắc sai sót gì, phải hết lòng để phụng sự cho một mặt trận mới", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ.

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình - 3

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (ngồi bên cạnh, cùng hàng ghế) trong một cuộc họp về Gìn giữ Hòa bình tại Liên Hợp Quốc.

Qua gần 10 năm, đến nay Liên Hợp quốc đã biết đến và trân trọng lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Hình ảnh Bộ đội cụ Hồ được tôn vinh thêm trong giai đoạn mới khi có lực lượng "mũ nồi xanh" này.

Từ chỗ gửi 1-2 sĩ quan độc lập sang làm việc, hiện nay Việt Nam có một đội công binh 184 người, một bệnh viện dã chiến 63 người ở nước ngoài. Quân của ta có ở 4 Phái bộ Liên Hợp quốc gồm Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Abyei và trụ sở Liên Hợp Quốc. Ngoài ra còn có một nhóm của ta ở phái bộ huấn luyện của Liên minh Châu Âu.

"Đối với cá nhân tôi, thủ trưởng Vịnh là người thầy. Một người đã cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh sáng lập lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam, dám dấn thân vào một công cuộc mới và đã rất thành công", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ.

Vị tướng thương lính

Trong việc tuyển chọn quân nhân "mũ nồi xanh", Tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu lực lượng này không chỉ đáp ứng tiêu chí của Liên Hợp quốc mà còn phải đáp ứng hình ảnh của quân đội ta, đại diện cho một nền văn hóa Việt Nam yêu hòa bình, những con người phải có kiến thức và phẩm chất.

"Ông có lòng tin vào cấp dưới, một sự giao phó khiến cho mình cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với đất nước này... nên tất cả lực lượng của chúng tôi đã rất hăm hở bước vào một cuộc chiến mới bằng cả trái tim và khối óc của mình để cống hiến", vị Thiếu tướng nhớ lại.

Nguyên Cục trưởng Gìn giữ hòa bình cho biết Tướng Vịnh là vị chỉ huy rất thương lính. Thương một cách chu đáo và cụ thể. Ông lo nhất là tình huống lính của mình ốm đau, thương vong hoặc hy sinh ở nước ngoài.

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình - 4

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (đứng giữa), Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (thứ 2 từ phải sang) và các sĩ quan Gìn giữ hòa bình của Việt Nam.

Tướng Vịnh luôn căn dặn phải làm sao đảm bảo tốt nhất cho người lính ở nước ngoài, từ việc tiêm phòng trước khi đi cho tới mang thuốc men để chữa trị.

Khi phóng viên hỏi bài học lớn nhất mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã truyền đạt là gì, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng xúc động nói: "Điều quan trọng nhất bác Vịnh dạy tôi là tinh thần yêu nước".

Trong bất luận tình huống nào, thủ trưởng Vịnh cũng luôn luôn yêu cầu những người lính của mình phải quyết tâm giữ được nền hòa bình và chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm.

"Một người thủ trưởng, một người chỉ huy, một người thầy làm cho tôi rất khâm phục và biết ơn. Dạy cho tôi phong cách sống tình nghĩa", nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình chia sẻ.

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình - 5

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng từng là Phó tùy viên quân sự ở Mỹ từ năm 2000 đến 2003. Sau đó, ông được cử đến Brazil để mở phòng tùy viên quân sự và được đánh giá cao về kết quả công tác. Ông giữ vị trí Phó cục trưởng Cục tình báo đối ngoại rồi Tùy viên trưởng tại Philippines (Ảnh: TTXVN).

Yêu nước, yêu con người

Khi chỉ huy quân đội sang châu Phi, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng được Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh căn dặn nhiều lần về việc không chỉ thực hiện những nhiệm vụ của Liên Hợp quốc mà ngoài giờ còn phải tranh thủ công tác từ thiện vì người dân của nước sở tại.

Ông yêu cầu bộ đội sang nước bạn phải mang gáo tre, đũa tre, bát tre... để sau này khi giúp bạn xong và rút đi, không để lại gánh nặng về rác thải nhựa hoặc những thứ khó phân hủy ra môi trường.

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình - 6

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng cán bộ chiến sĩ tại Đảo Trường Sa.

"Thượng tướng luôn nhắc nhở khi ta đã có hòa bình, ta phải tham gia vào môi trường đa phương để tri ân các dân tộc đã giúp ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây. Nó cũng thể hiện chúng ta có nền văn hóa yêu chuộng hòa bình, nghĩa tình, có trước có sau", nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình chia sẻ.

Điều đó đã để lại trong ông Phụng ấn tượng lớn về một nhà chiến lược quân sự tài ba có kiến thức văn hóa sâu rộng. Nền văn hóa Việt Nam và hình ảnh Bộ đội cụ Hồ luôn được thủ trưởng Vịnh tôn vinh và không bao giờ muốn làm điều gì để phai mờ, ảnh hưởng xấu đến thanh danh của quân đội trước bạn bè quốc tế. 

Ngay cả khi làm nhiệm vụ tình báo, ông Phụng khẳng định cách làm tình báo của thủ trưởng Vịnh là vì con người, vì nền hòa bình của đất nước.

"Chứ nó không phải kiểu tình báo đi làm thủ đoạn để giải quyết một số vấn đề lợi ích cục bộ của nhóm nào hay tư lợi cho phe cánh nào", ông nói.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người trưởng thành trong ngành tình báo quốc phòng, từ một chiến sĩ tình báo cho đến khi lên vị trí cao nhất trong ngành là Tổng cục trưởng.

"Đọc cuốn sách Người Thầy của ông mới thấy được một sự khiêm tốn học hỏi và luôn luôn tri ân, sống nghĩa tình với những người thầy đã chỉ bảo mình. Đấy là những nét tính cách đặc trưng của Tướng Vịnh", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng khẳng định.

Tâm nguyện dang dở

Tháng 12/2021, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh được Bộ Quốc phòng cho nghỉ công tác sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ và cống hiến hết mình cho quân đội.

Từ đó, ông bắt đầu thể hiện tấm lòng của mình với người cha thông qua việc gây dựng bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và sự tri ân với người thầy Đặng Trần Đức (ông Ba Quốc) thông qua cuốn sách Người Thầy xuất bản năm 2022. 

Người thầy Nguyễn Chí Vịnh qua lời kể của Tướng gìn giữ hòa bình - 7

Sau khi nghỉ công tác, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dành tâm huyết để tri ân người cha, người thầy của mình (Ảnh: Ngọc Tân).

Ngoài 2 việc trên mà công chúng đã biết, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng tiết lộ rằng Tướng Vịnh còn rất trăn trở về lực lượng "mũ nồi xanh". Ông đang viết dở cuốn sách về lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để chuẩn bị xuất bản vào năm 2024 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập lực lượng.

Cuốn sách không chỉ đơn giản là một biên niên sử. Ông muốn những câu chuyện hóc búa, gai góc nhất trong việc hình thành và phát triển lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam phải nằm trong đó.

"Thủ trưởng hẹn tháng 11 hoàn thành bản thảo cuối nhưng ông đã không chờ được. May mắn là cuốn sách đã 'hòm hòm' và chúng tôi còn giữ nhiều bản ghi chép, ghi âm góp ý của Thượng tướng về nội dung từng chương. Hy vọng có thể xuất bản nó trong năm tới", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ.

Đêm 13/9, "người học trò" túc trực bên giường bệnh của Tướng Nguyễn Chí Vịnh tại nhà riêng, không trò chuyện được với "người thầy" của mình lời nào vì ông đã quá yếu. Tướng Vịnh trút hơi thở cuối lúc 1h17. Rạng sáng, ông Phụng tháp tùng thi hài vị thủ trưởng đến Nhà tang lễ Bệnh viện để chuẩn bị lo hậu sự.

"Tôi đã ở bên ông đến phút cuối, cả đêm không chợp mắt. Ông là một vị tướng xuất sắc của quân đội ta. Đây là một sự mất mát rất to lớn", Tướng Phụng nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 15/9, lãnh đạo Cục Tuyên huấn cho biết Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với gia đình Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh để tổ chức tang lễ cho ông theo nghi thức quân đội.

Văn phòng bộ cho biết tang lễ dự kiến diễn ra từ 7h ngày 18/9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ an táng diễn ra vào 17h cùng ngày tại nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.