(Dân trí) - Nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu, bảo tồn động vật hoang dã miệt mài đi tìm bóng dáng "kỳ lân châu Á" trên các cánh rừng Trường Sơn. Giấc mơ "chạm trán" sao la ngày ngày thôi thúc bước chân của họ.
Trong cuộc tìm kiếm thông tin về sao la, loài động vật được mệnh danh là "kỳ lân châu Á", qua kết nối của Phó Giáo sư Cao Tiến Trung, Viện trưởng Viện sinh, hóa và công nghệ, Đại học Vinh, chúng tôi gặp ông Lữ Văn Thương (trú bản Cướm, xã Diên Lãm, Quỳ Châu, Nghệ An).
"Sao la à? Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ở vùng này nhiều lắm. Ngày ấy, cứ vào khe là gặp sao la", ông Lữ Văn Thương nói khi chúng tôi đề cập đến loài động vật quý hiếm này.
"Ông có chắc đó là sao la không?", tôi hỏi. Ông Thương trả lời chắc nịch: "Đúng mà. Sao la có cặp sừng thẳng, dài, trơn, không ngắn hay có gờ (vân nổi) như sơn dương. Sau này, khi tham gia các chương trình bảo vệ thiên nhiên hoang dã của các tổ chức quốc tế và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, tôi mới biết nó là động vật quý hiếm, chứ trước kia toàn vào rừng săn về làm thức ăn", ông Thương chia sẻ.
Ông Thương không nhớ chính xác mình đã từng "hạ" bao nhiêu con sao la, chỉ ước chừng 30 con. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, ông "rất lấy làm tiếc" khi nhắc lại chuyện này.
Vùng quê Diên Lãm của ông Thương nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nghệ An). Đây từng là điểm nóng của tình trạng săn bắt động vật hoang dã. Với ông Thương và nhiều người dân bản địa, ngày ấy, việc săn bắt động vật trong rừng Pù Huống đơn giản để giải quyết vấn đề về nhu cầu thực phẩm.
"Người ta săn bắn, đặt bẫy, rồi người ta đưa cả máy cưa lớn vào rừng làm gỗ, ầm ầm cả ngày đêm. Từ những năm 90 của thế kỷ trước về sau không thấy sao la ở đây nữa. Có thể bị bắt hết rồi, cũng có thể nó chạy sang Lào rồi", ông Thương nói.
Khi công tác bảo vệ rừng, sự đa dạng sinh học được siết chặt, đặc biệt khi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống ra đời (năm 2002), việc săn bắt trái phép mới từng bước được khống chế. Nhưng khi đó, sao la cũng gần như đã vắng bóng ở đây.
Từ một người sống bằng nghề săn bắn trong rừng, ông Thương gác súng, tham gia vào các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có loài sao la, lúc này đã đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Hiện ông Thương là thành viên Tổ đội quản lý bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, có nhiệm vụ tham gia tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng. Là người có nhiều kinh nghiệm trong nhận biết các loài động vật hoang dã, ông Thương tham gia những đợt tìm kiếm của các tổ chức bảo vệ thiên nhiên trong và ngoài nước với vai trò là thành viên tình nguyện.
Là người nhiều năm gắn bó với rừng, biết đặc điểm, đặc tính của nhiều loài động vật, nhiệm vụ của ông Thương là cùng các đoàn chuyên gia, nhà khoa học, phối hợp các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế, thực hiện các chuyến tìm kiếm sao la và các loài động vật quý hiếm khác.
Các cuộc tìm kiếm chủ yếu diễn ra ở khu vực Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), rừng tự nhiên thuộc huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), đi sâu vào khu vực biên giới giữa Quảng Trị và Xavanakhet (Lào), nơi được đánh giá là "tiềm năng".
Tháng 2/2021, ông Thương tham gia đoàn tìm kiếm sao la ở khu vực tiếp giáp giữa Quảng Trị và Xavanekhet.
"Chúng tôi đã đi nhiều ngày trong rừng. Đến một lèn đá, tại khu vực khá bằng phẳng, tôi phát hiện có phân và lông động vật. Sao la sống và kiếm ăn ở khu vực lèn thấp như con nai, con hoẵng chứ không sống ở lèn cao như sơn dương. Phân của sao la lại giống phân dê hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, những dấu vết này có tới 50% của sao la. Nhưng thời điểm đó, chúng tôi không nghĩ tới phương án lấy mẫu phân về xét nghiệm, khi về đến thành phố Vinh (Nghệ An) đã quá xa để quay lại lấy", ông Thương kể đầy tiếc nuối.
Tính từ thời điểm "rửa tay gác súng" vào năm 1996 tới nay, ông Thương chưa gặp lại con sao la nào. Giấc mơ "chạm trán" sao la của ông Thương cũng là niềm mong mỏi chung của những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), nơi từng gây chấn động khi phát hiện sao la vào năm 1992, công cuộc tìm kiếm loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao này vẫn đang tiếp diễn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí trên đường vào một điểm đặt bẫy ảnh, ông Trần Hữu Hà, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sao La, Vườn Quốc gia Vũ Quang, người có 12 năm gắn bó với rừng cho biết, đặt bẫy ảnh là công việc thường lệ của cán bộ trạm khi phối hợp với các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã tìm kiếm sao la.
Những cuộc hành quân xuyên rừng, kéo dài 9-10 ngày, thậm chí lâu hơn, vào sâu trong đại ngàn Trường Sơn, được Vườn quốc gia Vũ Quang tổ chức thường xuyên. Nhiều thiết bị bẫy ảnh đã được đặt tại các vị trí ưu tiên theo đánh giá của các chuyên gia, với hy vọng ghi lại được hình ảnh của loài động vật có vú, nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới này.
"Sau nhiều năm tìm kiếm, đặt bẫy ảnh, chúng tôi chưa tìm thấy dấu vết về loài sao la. Mỗi hành trình vào rừng, chúng tôi đều hy vọng sẽ tìm được sao la, nhưng vẫn chưa một lần chạm tới nó", ông Trần Hữu Hà cho hay.
Cũng như ở Vườn quốc gia Vũ Quang, công cuộc tìm kiếm dấu vết của sao la tại Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An) được triển khai từ năm 1998. Trong giai đoạn 1998-2001, thiết bị bẫy ảnh đã ghi nhận được 4 hình ảnh về một cá thể sao la trong tự nhiên. Đó cũng là lần duy nhất, các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của loài động vật quý hiếm này ở đây.
Qua bẫy ảnh, nhiều động vật quý đã được phát hiện. Đặc biệt, tại Pù Mát có cả loài gấu ngựa và gấu chó sinh sống, điều này không xảy ra ở các vườn quốc gia hay khu bảo tồn khác trong cả nước. Thế nhưng, riêng sao la đang là một "ẩn số" khi chưa có thêm bằng chứng xác đáng nào về sự hiện diện của loài vật này tại Vườn quốc gia Pù Mát.
Ông Võ Công Anh Tuấn, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Pù Mát, cho rằng, các mẫu vật của sao la như sừng, đầu được ghi nhận có trong nhà dân và thông tin từ người dân sinh sống quanh Vườn cung cấp, đã cho thấy sự hiện diện của loài động vật này trước đây trong khu vực.
"Trong các năm 2006, 2010, người dân cung cấp thông tin là thấy sao la khi vào rừng. Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin mang tính tham khảo. Muốn khẳng định có phải sao la hay không, phải có hình ảnh ghi lại để đối chiếu, mẫu vật để giám định ADN", ông Tuấn cho hay.
Những năm qua, cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng và người dân, diện tích che phủ của rừng tại Vườn quốc gia Pù Mát không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, hàng nghìn hộ dân đã được di dời, biến khu rừng đặc dụng có diện tích hơn 94.000ha này trở thành môi trường lý tưởng và an toàn cho các loài động vật hoang dã sinh sống.
Bởi vậy, nguyên nhân chưa ghi nhận thêm hình ảnh về sao la trong khu vực, theo ông Tuấn, ngoài khả năng quần thể loài giảm xuống, cần tính đến việc vị trí đặt bẫy ảnh chưa đúng khu vực có loài động vật này sinh sống.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang cũng cho rằng, công cuộc tìm kiếm qua phương pháp bẫy ảnh chưa cho ra kết quả như kỳ vọng, nhưng Vườn quốc gia Vũ Quang còn nhiều nơi "bí ẩn", con người chưa thể đặt chân tới hết.
Bên cạnh đó, tại khu vực núi rừng ở biên giới Việt - Lào, các loài động vật thường di chuyển giao thoa qua lại, đã ảnh hưởng lớn đến sự phân bố của sao la nơi đây. Một nguyên nhân nữa có thể xảy ra, theo ông Hùng là do tác động của ngoại cảnh, khiến loài động vật này đã thay đổi khu vực sinh sống so với trước kia, dẫn tới việc tìm kiếm dấu vết của nó trở nên khó khăn hơn.
"Việc ghi nhận dấu vết về sự tồn tại của sao la vẫn là thách thức lớn đối với những người làm công tác bảo tồn", ông Thái Cảnh Toàn, Phó giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang nhìn nhận.
Người từng "hạ" 30 con sao la ở rừng Pù Huống, ông Lữ Văn Thương, vẫn để ngỏ câu trả lời của chúng tôi về sự tồn tại của loài sao la. "Những loài động vật quý hiếm như chó sói, bò tót không phải là đối tượng săn bắn của người dân trước kia, nhưng giờ gần như không thấy ở Pù Huống. Tôi nghĩ rằng, chó sói, bò tót hay sao la, có thể đã di chuyển vào những vùng rừng sâu hơn, nơi chưa có nhiều sự tác động của con người, hoặc có thể đã qua bên kia biên giới", ông Thương nói.