Nắng nóng kéo dài, nhiều hồ thủy lợi ở Bình Thuận trơ đáy
(Dân trí) - Nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nhiều hồ thủy lợi của tỉnh Bình Thuận đã khô đáy, cạn nước. Hơn 960ha cây trồng bị thiếu nước tưới, khô héo ảnh hưởng đến năng suất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn tại các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết bị thiếu nước sản xuất và sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gần 76.000 người.
Tình trạng thiếu nước đang xảy ra, gay gắt nhất tại khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận, đặc biệt trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Đầu tháng 4, huyện Hàm Thuận Nam đã phải áp dụng điều tiết nguồn nước tưới đất nông nghiệp, nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt ứng phó thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài nhiều ngày qua.
Nhiều hồ thủy lợi tại huyện Hàm Thuận Nam đã khô đáy, cạn nước khiến hàng ngàn hecta thanh long của người dân thiếu nước tưới.
Hai hồ thủy lợi Sông Phan, Tà Mon (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã cạn đáy không đảm bảo nguồn nước tưới tiêu sản xuất và nông nghiệp. Nước từ các kênh rạch dự kiến cũng sẽ cạn không đảm bảo cung cấp phục vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt.
Tình trạng các hồ thủy lợi khô đáy bắt đầu từ cuối tháng 3. Hồ Tà Mon khô đáy, lòng hồ nứt nẻ, không còn nước dữ trữ cho diện tích trồng thanh long của bà con xã Tân Lập.
Từ giữa tháng 3, khi lòng hồ Tà Mon xuống mực nước chết, người dân vẫn cố gắng dùng ống để bơm nước tưới cho vườn thanh long. Tuy nhiên đến cuối tháng 3, nước khô đáy, hồ Tà Mon dừng hoạt động.
Ngoài hồ Tà Mon và Sông Phan khô đáy dừng hoạt động, các hồ thủy lợi khác tại huyện Hàm Thuận Nam như hồ Ba Bàu, Đu Đủ đến nay đã xấp xỉ xuống mực nước chết.
Hồ Đu Đủ có công suất lớn hơn hồ Tà Mon cũng đã cạn nước từ giữa tháng 3. Hiện mực nước đã xuống dưới mực nước chết theo qui định của hồ thủy lợi nên không thể xả tràn xuống các kênh, mương.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, cho biết, thời gian qua, huyện đã theo dõi nguồn nước, đồng thời thông báo cho người dân biết về nguồn nước để tổ chức thực hiện sản xuất và phòng chống hạn. Từ đầu tháng 3 do không đủ nguồn nước thủy lợi, nông dân nhiều xã không bố trí sản xuất được.
Do mực nước lòng hồ cạn, cửa xả hồ thủy lợi Ba Bàu (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã ngừng hoạt động từ ngày 4/4.
Các hồ thủy lợi khô nước, không đủ nguồn nước cung cấp cho việc tưới tiêu, nhiều vườn thanh long của bà con xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) cháy khô, gây thiệt hại lớn đến kinh tế nông nghiệp của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, hiện các xã vận động người dân không chong đèn thanh long trái vụ vì các hồ thủy lợi đã hết nước, ưu tiên nước sinh hoạt. Đồng thời đẩy nhanh xây dựng thêm hồ thủy lợi để chống hạn.
Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, tính đến ngày 21/3, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi là 115,14/363,55 triệu m3 đạt 31,7% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38,85 triệu m3.
Người dân xã Thạnh Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam) khoan nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt.
Diện tích đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 365ha (chủ yếu là thanh long và rau màu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam) và diện tích có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 1.175ha. Công ty này kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, hồ La Ngà 3 để bổ sung nguồn nước tích trữ phục vụ chống hạn.