Lời kể của người đàn ông bám cột đèn xuyên đêm trong lũ dữ ở Quảng Bình
(Dân trí) - Đò bị chìm, ông Duy (ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cố gắng bơi đến cột đèn đường, bám vào khung biển quảng cáo, chịu đói và dầm mưa cả đêm, xung quanh trời tối đen như mực, mênh mông nước lũ.
Bám trụ trên cột đèn giữa mênh mông nước lũ
Chiều 31/10, sau khi nước lũ rút dần, ông Trương Văn Duy (SN 1968), trú thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cùng vợ khẩn trương lau dọn nhà cửa, sửa chữa lại con đò hư hỏng.
Ông Duy là người không may bị chìm đò, phải bám vào cột đèn suốt đêm, trong thời điểm mưa lớn, nước lũ đang dâng cao.
Nhớ lại giây phút sinh tử, ông Duy cho biết, chiều 28/10, ông điều khiển con đò nhỏ của gia đình, vượt lũ để đi mua xăng và một số đồ dùng thiết yếu. Ông dự kiến sẽ đi từ nhà đến xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, quãng đường khoảng 10km.
Khoảng 17h30 cùng ngày, khi đi đến khu vực cánh đồng ngập nước ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, con đò không may bị lũ nhấn chìm, ông Duy vội nhảy xuống, cố gắng bơi vào khu vực có cột đèn đường trên quốc lộ 9C. Thời điểm này, quốc lộ 9C cũng ngập sâu khoảng 1,5m, chỉ còn nhìn thấy 1 nửa cột đèn trên mặt nước.
"Thấy đò chìm, tôi liền nhảy xuống nước, bơi vào ôm lấy cột đèn đường. Tôi có ý định bơi dần theo dãy cột đèn đường để cầu cứu, nhưng lúc đó nước ngập sâu, gió to, sóng lớn rất nguy hiểm. Tôi bơi được khoảng 50m, bám vào một cột đèn khác và ở đó suốt đêm", ông Duy kể lại.
Sau một đêm bám cột đèn trong lũ dữ, ông Duy được người dân đi qua phát hiện, giải cứu (Ảnh: Nhật Anh).
Cột đèn mà ông Duy bám trụ có treo biển quảng cáo, người đàn ông này nhanh trí xé phần vải bạt, ngồi lên khung sắt. Trời tối dần, nỗi lo lắng bủa vây ông Duy, một phần vì nước lũ dâng cao, phần nữa chiếc điện thoại của ông bị ướt hư hỏng, không thể gọi điện cầu cứu.
Ông Duy cố gắng hô hoán, thế nhưng vì cách xa khu dân cư, không ai nghe, thấy. Để không bị rơi xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy, ông Duy dùng dây ở áo phao, buộc người mình vào cột đèn, vứt bỏ áo mưa, mũ bảo hiểm cho đỡ nặng, tìm cách chống chọi với lũ dữ giữa màn đêm.
Về khuya, mưa càng nặng hạt, ông Duy vừa đói, vừa lạnh, cơ thể mệt nhoài nhưng ông phải cố gắng tỉnh táo, bám chặt cột đèn, bởi chỉ cần thiếp đi sẽ rơi xuống dòng nước lũ bất cứ lúc nào.
"Cả đêm mưa lớn, người tôi ướt nhẹp, cũng may là trên người có mặc chiếc áo phao nên đỡ lạnh hơn. Đó là một đêm dài với tôi, chỉ mong sao thời gian trôi nhanh đến buổi sáng, có người đi qua để cầu cứu", ông Duy chia sẻ thêm.
Sau hơn 12 giờ bám cột đèn trong lũ dữ, rạng sáng 29/10, ông Duy nghe tiếng máy nổ, nhìn ra xa, người đàn ông vui mừng khi thấy một con đò của người dân đang tiến đến.
Ông Duy vẫy tay ra hiệu, vừa hét lớn, những người trên đò cũng phát hiện ra người đàn ông trên cột đèn nhờ chiếc áo phao màu cam nổi bật. Đò tiến lại gần, người dân nhanh chóng đưa ông Duy lên và chở về trụ sở Điện lực huyện Lệ Thủy.
Được cung cấp đồ ăn, nước uống, ông Duy dần lấy lại sức, chính quyền địa phương sau đó đã đến thăm hỏi, nắm bắt tình hình sức khỏe và đưa ông Duy trở về nhà.
Trắng đêm thấp thỏm ngóng tin chồng
Đến thời điểm này, bà Lê Thị Tín (SN 1968), vẫn chưa hết cảm giác bất an sau sự việc của chồng. Tối 28/10, mãi không thấy chồng về, điện thoại không được, nước lũ ngày một cao khiến bà Tín đứng ngồi không yên.
Bà gọi điện hỏi khắp nơi nhưng chẳng ai biết ông Duy đi đâu. Nước lũ bủa vây, cả đêm bà Tín cứ lội bì bõm từ nhà ra sân, ngóng xem có tiếng máy đò nào không. Các đứa con của bà Tín đi làm xa, khi nghe tin bố chưa về cũng thấp thỏm lo âu, liên tục gọi điện về cho mẹ để hỏi.
"Đó là một đêm kinh hoàng với tôi và các con, nước lũ bủa vây, chẳng thể đi tìm chồng, hỏi không ai biết, lòng tôi cứ như lửa đốt. Thỉnh thoảng tôi lại thắp hương lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên phù hộ cho chồng được bình an, nếu ông có mệnh hệ gì thì mẹ con tôi sống sao nổi", bà Tín tâm sự.
Đến sáng 29/10, nhận tin chồng bị chìm đò nhưng đã được cứu, nỗi bất an trong lòng bà Tín dần vơi đi, nhưng vẫn còn lo lắng. Phải đến khi ông Duy trở về nhà, ôm lấy chồng, bà Tín mới thở phào nhẹ nhõm. Bà Tín sau đó cũng đã gọi điện báo để các con yên tâm.
Nói về nguyên nhân chìm đò, ông Duy cho biết mặc dù bản thân là dân sông nước, có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn có đôi phần chủ quan khi lũ đang lên. Ông Duy đi đò một mình, phía đầu thuyền nhẹ hơn nên khi gặp sóng lớn, mũi thuyền bị đánh nổi lên khiến phần đuôi ngập nước rồi chìm nhanh chóng.
"Nếu có người ngồi phía trước hoặc bỏ vài viên đá nặng, thuyền sẽ không bị chìm. Khi bám được vào cột đèn, tôi mới vững tin là mình sẽ vượt qua được, chỉ có điều điện thoại hỏng, không thể gọi cầu cứu nên phải trụ lại trên cột đèn suốt đêm. Sau sự việc này ,tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm, không được chủ quan, nhất là trong mưa lũ", ông Duy nói.
Vợ chồng ông Duy làm nghề nông, 3 con đều đi làm ăn xa, trận lũ vừa qua, căn nhà nằm bên sông Kiến Giang của gia đình ông ngập khoảng 1,5m, đến nay nước đã rút hết.
Sau khi lũ rút, ông Duy đã ra khu vực gặp nạn trước đó và may mắn tìm lại được con đò bị chìm, đưa về nhà để sửa chữa. Về phía chính quyền địa phương, ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết cũng đã đến thăm hỏi sức khỏe, động viên ông Duy.
Đến chiều 31/10, nước lũ tại huyện Lệ Thủy cơ bản đã rút, người dân đang tích cực dọn dẹp nhà cửa, dọn bùn dọc theo các tuyến đường.
Theo thống kê, đợt mưa lũ vừa qua tại Quảng Bình đã làm 7 người chết, 7 người bị thương; gần 1.000ha rau màu, hoa màu hư hỏng; trên 70.000 con gia cầm, 400 con gia súc bị chết; 5 tàu cá bị sóng đánh chìm, 1,5km bờ biển sạt lở...