(Dân trí) - Ca sĩ Kim Tuyết là người phụ nữ duy nhất đến Làng Lò, chiến trường ác liệt nhất sát ngay đường biên, vì nguyện vọng "được nghe văn công hát" của người lính biên giới.
Năm 1984, ca sĩ Kim Tuyết (Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2) trở thành nữ văn công đầu tiên và cũng là người phụ nữ duy nhất đặt chân đến hang Làng Lò - cao điểm chiến đấu ác liệt nhất của ta và địch - nơi nằm sát ngay đường biên giới, đáp ứng nguyện vọng "mong được nghe văn công hát, mong được gặp phụ nữ một lần" của những người lính trẻ.
Buổi diễn suốt 24 tiếng đồng hồ, không đàn, không nhạc, không hoa, chỉ có bát mì "không người lái" làm quà tặng, là buổi biểu diễn dài nhất, cũng là buổi biểu diễn mà suốt đời bà không thể quên.
"Từng tốp nhỏ lần lượt vào hang nghe tôi hát, rồi lại ra ngoài chiến đấu. Có những người vừa ngồi đó, mà chỉ vài tiếng sau đã vội hy sinh… Đi khắp bao chiến trường, đó là lần tôi thực sự hát giữa tiếng đạn pháo đúng nghĩa" - bà kể.
Kỷ niệm 43 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, từ nước Đức, ca sĩ Kim Tuyết đã chia sẻ với Báo Điện tử Dân trí về buổi biểu diễn đặc biệt nhất của bà giữa chiến trường Vị Xuyên.
Vào một đêm cuối năm 1984 - giữa những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, khi Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên - Tướng Hoàng Đan, vào thăm hang Làng Lò, nơi cách công sự địch chỉ 100m, cũng là một trong những cứ điểm chiến đấu ác liệt nhất ở Vị Xuyên, ông hỏi những người lính trẻ:
-Các cậu ở trong này bây giờ cần gì nhất?
Lính của ông giãi bày:
-Báo cáo Thủ trưởng, Thủ trưởng cho chúng em xin ít văn công. Đã 6 tháng trong hang không nhìn thấy mặt đàn bà…
Tư lệnh Hoàng Đan trịnh trọng hứa:
- Được, các cậu sẽ có văn công, sẽ gặp đàn bà!
Sau lời hứa đó của Tư lệnh Hoàng Đan, tôi và anh Hoàng Chè, cùng một nghệ sĩ thổi sáo trong Đoàn Nghệ thuật Quân khu II được lệnh đi từ Sở Chỉ huy Tiền phương ở Hà Giang vào Hang Làng Lò, trận địa đầu chống địch ngay sát đường biên giới, hát cho những người lính đang đóng quân ở đây nghe, hoàn thành tâm nguyện của họ.
Cho đến thời điểm đó, vì tính chất ác liệt của trận địa, chưa từng có người phụ nữ nào đặt chân đến khu vực hang Làng Lò. Tôi chính là người phụ nữ đầu tiên. Mà lúc lên đường, ai trong chúng tôi cũng phải xác định tâm lý có thể chuyến đi này sẽ là chuyến đi không có ngày trở về.
Trước lúc lên xe, nhạc sĩ Thuận Yến hỏi tôi: "Cậu là đàn bà, lại có 2 con nhỏ, vào nơi nguy hiểm ngày đêm bom rơi đạn lạc như thế có sợ không?".
Tôi trả lời: "Sợ chứ. Nhưng là văn công của một đoàn quân đội, nếu không phải là chúng ta, thì ai sẽ làm việc đó?".
Để đến Hang Làng Lò, đoàn chúng tôi bắt đầu lên đường từ thị xã Hà Giang giữa trời tối vào mặt trận Vị Xuyên. Đi đêm, nhưng xe không dám bật đèn, chỉ lò dò bò từng bước, vì sợ địch tấn công.
Hết đoạn đường ô tô có thể đi là bắt đầu đi bộ, băng đèo, vượt suốt, men theo chiến hào được đào trên dãy núi Vị Xuyên. Có những đoạn gặp vách núi hiểm trở, không có đường đi, thì có dây thừng để leo lên; có đoạn gặp suối lớn, chúng tôi đi qua chiếc "cầu treo" chỉ có hai sợi dây mỏng manh và vài thanh gỗ chằng ngang qua suối. Đến sáng thì vào đến Hang Làng Lò, chỉ nghỉ ngơi một chút, chúng tôi bắt đầu buổi biểu diễn của mình.
Trận địa và cuộc sống của những người lính ở Làng Lò có thể tóm lại qua bài hát mà nhạc sĩ Thuận Yến đã sáng tác:
Điểm tựa nằm trong mây
Mắt kẻ thù chẳng thấy
Nơi chúng tôi ở đấy
Là hang đá trời cho
Không đủ chỗ nằm co
Nên ngủ ngồi cũng tiện
Ánh mặt trời thắp sáng
Lấy ánh trăng làm đèn...
Cơm trắng chấm muối trắng
Cọng rau chia hai phần
Uống nước trong của trời
Nên lòng dạ sáng ngời...
Tôi vào Đoàn Nghệ thuật Quân khu II từ năm 1976, nên suốt những năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, mỗi năm 12 tháng thì có đến 5 - 6 tháng tôi sẽ đi chiến trường hát phục vụ những người lính; có không ít lần vào tận bệnh viện dã chiến giữa chiến trường, đến tận giường những người thương binh đã mất chân, mất tay, mất đi ý thức, để hát cho họ nghe. Nhưng không có buổi biểu diễn nào in dấu trong lòng tôi như buổi biểu diễn kéo dài suốt 24 giờ của tôi ở Làng Lò.
Hang Làng Lò nằm sâu trong lòng núi, nhưng phía trên đỉnh núi là trận địa của ta và địch, nên ở trong núi dù ngày hay đêm vẫn có thể nghe được tiếng súng. Suốt những năm đi hát trong Chiến tranh Biên giới, đó là lần mà tôi thực sự hát giữa tiếng pháo rơi đạn nổ một cách đúng nghĩa.
Buổi biểu diễn của chúng tôi hoàn toàn không có đàn, không có nhạc, chỉ có một cây sáo nhỏ làm nhạc nền, sân khấu là một khoảnh đất rộng giữa hang. Cả hang Làng Lò đầy bóng tối được thắp sáng bằng đèn dầu - thứ vốn là xa xỉ phẩm trong ngày thường; khán giả của tôi là những người lính trẻ, hầu hết đều chỉ mười tám, đôi mươi, có người băng bó đầy đầu, có người chân tay vừa gãy, tất cả ngồi trên những phiến đá quanh tôi, chăm chú xem chúng tôi biểu diễn.
Ca sĩ bình thường chỉ hát 5-10 bài là đã đuối sức, đã mất tiếng, nhưng lần biểu diễn đó, anh Hoàng Chè và tôi thay nhau hát suốt 1 ngày 1 đêm, vì khi nhìn vào ánh mắt háo hức, vui mừng, phấn khởi và mãn nguyện của những người lính Làng Lò ngày hôm đó, cả hai chúng tôi đều không thể nào dừng lại.
Tôi không đếm nổi hôm đó tôi đã hát bao nhiêu bài hát, nhưng chỉ cần là bài hát mà lính Làng Lò yêu cầu, chỉ cần là tôi biết, tôi đều hát. Khi mà giọng hát của tôi đã khản đặc lại, những cậu lính trẻ Làng Lò đã hát cùng tôi. Họ đem xoong nồi, bát đĩa ra làm nhạc cụ để tạo tiết tấu cho tôi hát. Lúc đó tôi hiểu, khi đến đây biểu diễn, việc tôi hát hay hay không, đúng nhạc hay không, không còn ý nghĩa nhiều nữa; điều quan trọng hơn mà những người ca sĩ như tôi cần làm là tặng họ những giây phút bình yên giữa chiến trường khốc liệt. Vì giữa chiến trường, họ ngồi đó, nghe chúng tôi hát, sẽ quên đi ngoài kia là súng đạn và chết chóc có thể đang chờ họ.
Ở thành phố, khán giả của tôi có thể ngồi nghe tôi biểu diễn từ đầu đến cuối, nhưng ở đây thì không thế, họ đứng lên và rời đi liên tục. Nhưng tôi không hề cảm thấy mình không được tôn trọng. Từng tiểu đội vào nghe tôi hát rồi lại ra ngoài chiến đấu, thay phiên cho tiểu đội khác.
Có những người lính bị thương vẫn được đồng đội khiêng vào hang, vừa băng bó, vừa chăm chú nhìn tôi. Cũng có cậu lính trẻ, vừa đề nghị tôi hát một bài hát mà cậu yêu thích, chỉ vài tiếng sau, đã hy sinh sau khi rời khỏi hang về vị trí chiến đấu.
Có tiểu đội thông tin không thể có mặt vì phải đảm bảo trực chiến 24/7, nên cuối cùng, qua máy bộ đàm, họ tha thiết đề nghị tôi:
- Chị ơi, hát cho chúng em nghe qua bộ đàm, có được không?
Làm sao có thể từ chối một lời đề nghị như thế? Nên tôi đồng ý. Nhưng lúc cầm trên tay bộ đàm và hát cho những khán giả tôi không bao giờ biết mặt, tôi đã không thể ngăn được mình nghẹn ngào rơi nước mắt.
Nếu ai hỏi đi hát ở chiến trường có khổ không? Tôi không thể lắc đầu. Nhưng tôi biết, ở trận địa nào tôi đi qua, ở đơn vị nào mà tôi đến hát, thì những nữ văn công chúng tôi cũng luôn được dành cho những thứ tốt nhất. Chúng tôi sẽ được ưu tiên nằm trên những tấm ván tốt nhất, có chiếc chăn ấm nhất, nguyên vẹn nhất, sẽ được những người lính gánh giúp từng gánh nước mang về tắm trong lán tạm; nếu có phải ăn cơm với đầu cá khô, với muối trắng, thì đó cũng là những thứ ngon nhất, tốt nhất mà những đơn vị bộ đội ấy có thể dành cho chúng tôi.
Ở hang Làng Lò, giữa quãng nghỉ của những buổi biểu diễn, trong khi những người lính ăn lương khô, thì họ nấu cho tôi bát mì. Ở hang Làng Lò, có người lính tôi không biết tên trước khi quay trở lại chốt trực chiến đấu đã dúi vào tay tôi một lọ dầu thơm nho nhỏ, ngượng ngùng nói:
- Đây là chiến lợi phẩm em nhặt được của địch. Tặng chị…
Tôi bèn hỏi:
- Sao cậu không giữ lại để chờ ngày về tặng cho người yêu?
Người lính tôi không biết tên ấy trả lời:
- Chiến trường gian khổ, chúng em xác định có thể hy sinh bất kỳ lúc nào...
Tôi có thể nói rằng, văn công chúng tôi được yêu thương, với tất cả sự nâng niu, trân trọng. Khi một người lính nói "họ muốn được nghe văn công hát, muốn được gặp đàn bà", tôi hiểu rằng, nhìn thấy chúng tôi, họ sẽ nhớ đến người mẹ, người chị, người em gái và người yêu của họ. Đó là động lực để họ có thể ngay lập tức sau buổi biểu diễn, đứng lên bước ra ngoài hang để tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, dù biết rằng, mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào.
Có lẽ vì những người lính như thế, mà đi hát ở chiến trường biết là khổ, biết là nguy hiểm, nhưng sau này, dù có bao nhiêu cơ hội xin ra khỏi Đoàn Nghệ thuật Quân khu II để chuyển đến các đoàn khác, tôi đều từ chối, cho đến ngày tôi rời Việt Nam sang Đức định cư cùng gia đình. Hơn 40 năm qua, đứng ở trên đủ các sân khấu lớn nhỏ trong nước và ngoài nước, tôi vẫn nhớ về sân khấu đặc biệt và thiêng liêng ở hang Làng Lò trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm ấy.
Nội dung: Tô Lan Hương (ghi theo lời kể của ca sĩ Kim Tuyết)
Thiết kế: Thủy Tiên
* Ảnh tư liệu trong bài được lấy từ bộ phim tài liệu "Hát giữa chiến hào" do Hãng phim Quân đội sản xuất, dựng lại buổi trình diễn của hai nghệ sĩ Kim Tuyết và Hoàng Chè tại hang Làng Lò.