DNews

Lời hẹn tháng 7 của metro Nhổn - Ga Hà Nội

Ngọc Tân

(Dân trí) - Trong tháng 7, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội có 2 việc phải xong là đưa đoạn trên cao vào khai thác và khởi động máy khoan TBM của đoạn đi ngầm.

Lời hẹn tháng 7 của metro Nhổn - Ga Hà Nội

Sau khi hoàn thành 100% khối lượng thi công đoạn trên cao, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đang đối mặt với "cửa ải" cuối cùng mà dự án Cát Linh - Hà Đông từng chật vật trải qua cách đây 3 năm. Cửa ải mang tên Chứng nhận an toàn hệ thống và Nghiệm thu đưa vào khai thác.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vẫn khẳng định quyết tâm đưa dự án vào khai thác thương mại cuối tháng 7. Tuy nhiên, thời hạn này phụ thuộc vào nhiều biến số.

Mong khó khăn ở tuyến Cát Linh - Hà Đông không lặp lại

Theo lãnh đạo MRB, đoạn trên cao của metro Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành toàn bộ khối lượng thi công. Công tác vận hành thử với đội ngũ nhân sự (353 người) của Hanoi Metro cũng đã xong từ cuối tháng 5/2024.

Lời hẹn tháng 7 của metro Nhổn - Ga Hà Nội - 1

Đoàn tàu metro Nhổn - Ga Hà Nội đi qua hệ thống rửa tàu tự động tại Depot Nhổn (Ảnh: Ngọc Tân).

Chủ đầu tư đang chờ Tư vấn ABC của Pháp hoàn thiện báo cáo đánh giá và phát hành Chứng nhận an toàn hệ thống. "Tư vấn hẹn 28/6 nhưng sau đó lùi sang ngày 10/7", lãnh đạo MRB chia sẻ.

Dù bắt đầu có dấu hiệu chậm trễ trong khâu đánh giá an toàn, phần việc này tại dự án Nhổn - Ga Hà Nội được tin tưởng là không tốn nhiều thời gian như dự án Cát Linh - Hà Đông. Lý do là Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đã tham gia cùng nhà thầu từ quá trình thi công xây dựng, làm đến đâu góp ý và nghiệm thu đến đó.

Trước đó, quá trình đánh giá an toàn hệ thống dự án Cát Linh - Hà Đông trở thành một cuộc "đôi co" suốt thời gian dài do khác biệt quan điểm giữa Tư vấn ACT của Pháp và Tổng thầu Trung Quốc. Kết quả là Tư vấn ACT chỉ đồng ý cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án với một danh sách những khuyến cáo đi kèm.

Lời hẹn tháng 7 của metro Nhổn - Ga Hà Nội - 2

Công tác đánh giá an toàn tại metro Nhổn - Ga Hà Nội được kỳ vọng không tốn nhiều thời gian khi Tư vấn của Pháp đánh giá an toàn cho một dự án cũng do Pháp tài trợ (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).

Bên cạnh việc chờ đánh giá an toàn hệ thống, MRB cũng đang phải hoàn thành các thủ tục về bảo vệ môi trường, trong đó phải xin cấp Giấy phép môi trường cho dự án. 

Dự kiến, sau khoảng 15 ngày kể từ khi Tư vấn ABC phát hành chứng chỉ an toàn hệ thống cho đoạn trên cao, Cục Đường sắt sẽ kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.

Sau khi có Chứng nhận an toàn hệ thống và Giấy phép môi trường, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu sẽ họp phiên kết luận và có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành đoạn trên cao. Sau công tác nghiệm thu, dự án sẽ được bàn giao cho Hanoi Metro khai thác vận hành.

Lãnh đạo MRB vẫn khẳng định mục tiêu đưa dự án vào vận hành thương mại trong tháng 7. Tuy nhiên, việc này là không dễ với khối lượng quy trình, thủ tục nêu trên.

Trước đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được cấp chứng nhận an toàn hệ thống vào ngày 29/4/2021, nhưng phải chờ thêm 6 tháng sau mới được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước phê duyệt kết quả nghiệm thu.

Sẵn sàng vận hành máy khoan ngầm

Song song với việc vận hành đoạn trên cao, MRB cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm. Khối lượng thi công của hạng mục này đến nay mới đạt 34,5%.

Theo khẳng định của lãnh đạo MRB, 2 robot đào hầm (TBM) của dự án sẽ được vận hành trong tháng 7.

2 robot này có chức năng đào 2 ống hầm dài 4km, kết nối 4 ga ngầm là S9 (Kim Mã), S10 (Cát Linh), S11 (Quốc Tử Giám) và S12 (Ga Hà Nội). Trong đó, ga ngầm Cát Linh dự kiến kết nối với Ga Cát Linh của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thông qua 1 hầm đi bộ. 

Metro Nhổn - Ga Hà Nội lắp xong robot khoan ngầm, chờ 2 năm chưa được chạy (Video: Ngọc Tân).

Đến nay, 3 ga ngầm S9, S10 và S11 đã hoàn thành kết cấu bê tông cốt thép, sẵn sàng đón robot đào hầm xuyên qua. Riêng ga S12 đang phải thúc tiến độ do có khối lượng thi công lớn (gồm cả gara). 

Trước đó, nhà thầu đã đưa 2 robot khoan ngầm về công trường và hoàn thành lắp ráp từ tháng 3/2021. 2 robot được đặt tên là "Thần Tốc" và "Táo Bạo" với kỳ vọng sớm được vận hành. Trớ trêu thay, chúng đã nằm im dưới ga ngầm S9 suốt từ đó đến nay. 

Theo tiến độ được điều chỉnh, hạng mục ngầm của metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ phải hoàn thành vào năm 2027; máy khoan ngầm phải khởi động trong quý II/2024 (đến nay đã trễ 1 tháng).

Nhà thầu thi công phần đi ngầm đang đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm, song song với việc vụ đúc vỏ hầm để chuẩn bị cho việc khởi động robot trong tháng 7.

Mỗi ngày, robot TBM sẽ khoan được khoảng 10m, khoan đến đâu lắp vỏ hầm đến đấy. Khối lượng phế thải trong quá trình đào hầm sẽ được tập kết và đưa ra khỏi công trường.