(Dân trí) - Từng có một thời, thân nhân qua đời, người H'Mông giữ ma trong nhà, giết trâu, bò làm lễ. Sau đám tang, người khuất yên giấc, người sống vẫn khóc than vì nghĩ đến số nợ không biết bao giờ trả hết.

Gà vừa cất tiếng gáy chào bình minh, già Giàng Seo Pao (61 tuổi), dân tộc H'Mông, thức dậy xuống bếp nấu nước, pha trà. Hôm nay, nhà có khách nên già Seo Pao nấu nước nhiều hơn thường lệ.
Khi ấm trà đã yên vị trong chiếc giỏ tre đầu bàn, già Pao vệ sinh nhà cửa rồi ra đầu ngõ chờ khách. Sương dần tan, những nóc nhà, những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm hiện lên trong nắng sớm. Thấy khách, già Pao khấp khởi mời chào, đón về nhà trò chuyện.
Già Giàng Seo Pao là Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 5 (xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Ông là một trong những người H'Mông tiên phong xây dựng làng có lối sống tiến bộ. Vừa rót trà mời khách, già Pao vừa vui mừng cho biết, cái đói, cái nghèo của người H'Mông ở thôn 5 dần được đẩy lùi. Nhiều hộ dân có cái ăn, của để, tích tụ nhiều ruộng đất để sản xuất.
Nhấp ngụm trà ấm, già Pao thổ lộ, người H'Mông có đời sống tinh thần đa dạng, trọng nghĩa, trọng tình. Vui vì điệu múa khèn, ném pao, đánh cù, buồn vì nợ nần từ những phong tục, tập quán lạc hậu. Biết là thế, nhưng để bài trừ được những hủ tục ra khỏi đời sống không phải ai cũng làm được, không phải chuyện một sớm, một chiều.

"Người H'Mông thường nói, đám ma, người sống khóc thương người chết. Khi người chết yên giấc, người sống lại khóc vì nghĩ đến số nợ sau lễ ma chay, không biết đến bao giờ mới trả hết", già Giàng Seo Pao chia sẻ.
Già Pao lý giải: "Khi người xấu số qua đời, người thân phải mổ trâu, bò, lợn… để làm lễ, phục vụ những người giúp đám. Hộ nào không đủ thì đi vay, đi mượn. Có những đám tang, người thân để ma trong nhà làm lễ suốt nhiều ngày, thậm chí cả tuần lễ".
Hàng chục năm đã trôi qua, song ký ức về người sống gánh nợ sau lễ ma chay vẫn in đậm trong tâm trí già Giàng Seo Pao.
Hướng mắt nhìn ra khoảng đồi xa xăm trước cửa, già Pao chậm rãi kể: "Hồi đó, khi ông cụ mất (ông nội của già Seo Pao), nhà tôi chỉ có một con trâu và đó là tài sản duy nhất có giá trị. Giết trâu, cả nhà không biết lấy gì để cày ruộng nên phải mượn trâu hàng xóm làm lễ. Sau đám tang, cả gia đình phải làm ăn, tích góp trong gần 4 năm trời mới có tiền mua trâu trả cho hàng xóm".
Trong khi đó, đám cưới là ngày vui nhưng với người H'Mông đó cũng là gánh nặng cho bao gia đình, thế hệ. Để dựng vợ, gả chồng, người thân phải xẻ thịt hàng chục con lợn béo; làm cả trâu, bò để bày mâm rượu. Sau nhiều ngày thiết đãi khách, người thân, tài sản của gia đình tiêu tan, cặp uyên ương ôm nợ.

Năm 2005, khi hàng chục hộ dân H'Mông các tỉnh phía Bắc di cư đến địa phương, chính quyền tỉnh Lâm Đồng xây dựng khu làng tại thôn 5 (xã Rô Men, huyện Đam Rông) để tạo chốn ở. Thôn 5 vì thế cũng được gọi với cái tên khác là "làng H'Mông".
Đến nơi ở mới, những bậc cao niên, người có uy tín trong cộng đồng người H'Mông đã đại diện cho 70 hộ gia đình lập bản hương ước với 9 chương, 23 điều. Trong đó, làng quy định, toàn bộ già trẻ, gái trai phải tuân thủ, xây dựng đời sống văn minh, ấm no, hạnh phúc, bài trừ các hủ tục. Những người không tuân theo hương ước sẽ bị nhắc nhở, kiểm điểm trước toàn dân hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, cư dân của làng phải tuân thủ "4 không": Không sử dụng rượu, bia; không hút thuốc; không tệ nạn xã hội; không hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đến nay, sau 20 năm, bản hương ước vẫn được người dân làng H'Mông lưu giữ, thực hiện.
Là thế hệ trẻ, anh Dương Văn Mạnh (32 tuổi, dân tộc H'Mông) ngày ngày tập trung kinh doanh, buôn bán, chăm chút cho cuộc sống của gia đình nhỏ. Khi nói về quy định của làng, người đàn ông này không ngần ngại thổ lộ, rượu bia là nguồn cơn của nhiều điều xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Người uống rượu bị thay đổi nhân tính, không kiểm soát hành vi, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

"Quan điểm của tôi là bỏ rượu bia để đảm bảo sức khỏe, giữ hạnh phúc gia đình, tránh nợ nần", anh Mạnh chia sẻ.
Cuộc sống yên ấm, vợ chồng đồng lòng đã giúp nhiều gia đình người dân làng H'Mông vươn lên. Trong căn nhà khang trang còn vương mùi sơn mới, chị Vằn Thị Chư không giấu được niềm vui, chị nói: "Đàn ông ở thôn không ai uống tửu (rượu) nên không xảy ra việc say xỉn, đánh đập vợ con. Lễ, Tết hay các sự kiện hiếu hỉ, ma chay, người dân trong làng thường dùng trà thay cho tửu".
Theo già Giàng Seo Pao, thực hiện hương ước, người dân trong làng bỏ hoàn toàn các hủ tục. Đám tang được tổ chức lễ trang nghiêm, không giữ ma trong nhà quá 24 giờ và không mổ trâu, bò, lợn… làm mâm rượu tốn kém.
Đám cưới thực hiện đăng ký kết hôn theo pháp luật, làm lễ gọn nhẹ, không mở tiệc ăn uống dài ngày, không uống rượu, hút thuốc. Người bị bệnh được đưa đến trung tâm y tế chữa trị, không mê tín dị đoan, bày biện lễ vật, mời thầy cúng.

Cuối tháng 3, làng H'Mông chìm giữa mênh mông đồi cà phê xanh mướt. Những đứa trẻ đến tuổi đi học đều được cha mẹ chăm chút tung tăng đến trường.
Con đường bê tông thênh thang giữa làng thỉnh thoảng xuất hiện ô tô vận tải, máy cày ra vào phục vụ cho công việc sản xuất, kinh doanh. Chỉ tay về căn nhà mái thái mới xây, ông Lê Công Trọng, Chủ tịch UBND xã Rô Men, cho biết, đó là nhà anh Lý Xuân Vù, kia là nhà Giàng Seo Hồng và xa xa là nhà của Giàng Seo Hòa… Căn nào cũng khang trang, đẹp như biệt thự ở thành phố.
Nói đoạn, ông Trọng lại chỉ tay về công trình có máy trộn bê tông đang chạy ù ù, chia sẻ: "Đấy là căn nhà một hộ dân mới động thổ. Căn này dự kiến chi phí xây dựng lên đến 5 tỷ đồng. Phải nói thật, những năm gần đây, người H'Mông làm ăn trúng lớn, nhiều hộ giàu".

Được biết, những ngày mới đến định cư ở làng H'Mông, người dân được chính quyền địa phương cấp đất sản xuất. Lúc bấy giờ, các hộ trong làng cải tạo vườn đồi để trồng bắp (ngô), sắn, lúa nương để đảm bảo nguồn lương thực. Về sau, để gia tăng thu nhập, người H'Mông tìm đến các vùng nông nghiệp trong huyện để học hỏi rồi đưa cây cà phê, sầu riêng vào sản xuất.
Từ sự chịu thương, chịu khó, ham học hỏi, người dân làng H'Mông đã tạo dựng sự nghiệp, vươn lên làm giàu.
Theo thống kê của UBND xã Rô Men, đến nay, làng H'Mông có 179 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu. Năm 2024, có 30% hộ dân làng H'Mông đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng. Hàng chục hộ có nguồn thu nhập 500-800 triệu đồng. Năm 2024, có 50 hộ dân xây nhà mới với chi phí đầu tư từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Theo ông Lê Công Trọng, về đời sống tinh thần, người dân làng H'Mông theo đạo tin lành và giữ một số hoạt động văn hóa như ném pao, đánh cù, nhảy sạp, đẩy gậy… vào dịp lễ, Tết.
Ông Nguyễn Văn Châu, Bí thư Huyện ủy Đam Rông, cho biết, người dân thôn 5 (làng H'Mông) ở xã Rô Men có đời sống lành mạnh, tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vừa qua, 169/179 hộ gia đình trong thôn đạt chuẩn gia đình văn hóa. Năm 2024 là năm thứ 12 liên tiếp thôn 5 đạt danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện.

"Hiện nay, người dân làng H'Mông đoàn kết, có cuộc sống kinh tế ổn định. Người dân đã bỏ các tệ nạn, hủ tục để xây dựng đời sống văn minh, hiện đại", ông Nguyễn Văn Châu nói.
Tiến sĩ Mai Minh Nhật, Phó hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt từng nghiên cứu về văn hóa đồng bào người H'Mông cho biết, người H'Mông có nét sinh hoạt cộng đồng, văn hóa truyền thống đa dạng, đa bản sắc. Đặc biệt, ở nhiều nơi, người H'Mông vẫn duy trì các phong tục từ xa xưa. Vào các dịp lễ, Tết, hội hè, ma chay, hiếu hỉ… nam giới người H'Mông vẫn duy trì việc hút thuốc, uống rượu.
Theo Tiến sĩ Mai Minh Nhật, đồng bào H'Mông tại thôn 5, xã Rô Men thực hiện theo hương ước, duy trì lối sống không rượu bia, không hút thuốc, không tệ nạn xã hội, không hủ tục là một sự khác biệt, tiến bộ.