Khám phá làng nghề cung cấp đồ chơi Trung thu truyền thống khắp cả nước
(Dân trí) - Tròn một tháng nữa là tới Tết Trung thu (rằm tháng Tám âm lịch), làng Ông Hảo (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) lại tất bật vào vụ, chuẩn bị đồ chơi truyền thống cung cấp cho các tỉnh thành trên cả nước.
Trong khoảng sân rộng khoảng 40m2, vợ chồng ông Vũ Huy Đông đang hoàn thiện hàng trăm chiếc mặt nạ giấy bồi để kịp giao hàng cho các đại lý. Hai ông bà đã có gần 40 năm gắn bó với món nghề truyền thống của làng.
Trong thời đại phát triển với sự xuất hiện của đa dạng các món đồ chơi trẻ em, nhiều mẫu mã và hình thức khác nhau, tuy nhiên, gia đình ông Đông vẫn quyết định gắn bó với từng mảnh giấy bồi, những cây cọ, lọ sơn... Hơn tất cả, đó là tình yêu dành cho nghề truyền thống tại nơi gia đình ông sinh sống qua bao thế hệ.
Theo ông Đông, mặt nạ giấy bồi làm thủ công bằng giấy đắp lên khuôn có sẵn, được phủ lớp keo kết dính tạo độ cứng là bột củ sắn nấu lên, vừa bền chắc mà không gây độc hại.
Từ những nguyên liệu đơn giản mà gần gũi như tre, nứa, bìa các tông hay thậm chí là giấy phế liệu, ông Đông "hô biến" thành những sản phẩm mặt nạ với muôn màu muôn vẻ hình dạng như ông Địa, thằng Bờm, các linh thú khác nhau...
"Hồi xưa mặt nạ không có nhiều mẫu đâu, chỉ có ông Tễu nhưng sau này để đáp ứng nhu cầu theo từng giai đoạn, dần dần gia đình đã sáng tạo thêm các mẫu khác với nhiều hình dáng bắt mắt", ông Đông chia sẻ.
Ông Đông cho biết, trước kia, ông sẽ tự tay bồi giấy trước khi vẽ nhưng hiện tại quy trình bồi giấy được gia đình thuê nhân công để đảm bảo tiến độ, 2 vợ chồng ông cùng con trai chủ yếu sẽ hoàn thiện việc vẽ, sơn và tạo thành phẩm.
Để tạo ra một chiếc mặt nạ giấy bồi không quá khó nhưng đòi hỏi cần phải khéo léo, tỉ mỉ trên từng nét vẽ. Những chiếc mặt nạ phải mang lại thần thái, có được cái hồn của từng nhân vật. Người thợ sẽ nhấn vào các chi tiết râu, mắt..., sử dụng màu sắc tươi sáng, sinh động để tạo sự gần gũi, thân thuộc không chỉ với trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích.
Trong những năm gần đây, xu hướng lựa chọn những sản phẩm đồ chơi Trung Thu truyền thống như mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao... đang dần quay trở lại là động lực để gia đình ông Đông cùng nhiều gia đình khác trong làng tiếp tục gắn bó với nghề.
Ông cho biết, tính tới thời điểm trước rằm Trung thu một tháng, gia đình ông đã xuất đi khoảng 8.000 sản phẩm mặt nạ giấy bồi tới tay khách hàng trên khắp cả nước, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Dù số lượng này so với thời điểm trước dịch không bằng nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng.
Làng Ông Hảo cũng được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công. Tại cơ sở sản xuất trống gỗ của ông Vũ Duy Ninh, người cũng có thâm niên khoảng 40 năm gắn bó với nghề cũng đang tất bật để hoàn thiện hàng trăm chiếc trống phục vụ thị trường Trung thu.
Những khúc gỗ đề sau khi được cắt ra thành từng đoạn sẽ được đem đi tiện thành những khối trụ tròn rỗng (là thân trống hoặc tang trống), sau đó sẽ được đem ra phơi trước khi chuyển tới giai đoạn gắn mặt trống.
Da trâu được thuộc kỹ, cạo lớp phôi thật mỏng rồi đem phơi khô, phủ lên mặt trống.
Quy trình bưng trống (đóng mặt trống) là công đoạn cần sự khéo léo của những thợ lành nghề. Nếu bưng quá căng, trống sẽ không tròn tiếng, còn ngược lại nếu quá chùng thì tiếng sẽ non, sản phẩm nhanh hỏng. Sau khi đóng mặt trống xong, người thợ sẽ sơn đỏ xung quanh tang trống.
Bà Vũ Thị Là với gần hơn 30 năm trong nghề làm trống gỗ chia sẻ, đây là nghề truyền thống của làng cũng như nhiều thế hệ trong gia đình nên bà rất muốn giữ và tiếp tục truyền lại cho con cháu. Theo bà, so với các ngành nghề khác thì thu nhập của nghề này là không cao nhưng lại có thể làm tại nhà, giúp bà có thể quán xuyến được việc trong gia đình.
Hàng trăm chiếc trống hoàn thiện được xếp kín nhà kho, chờ được các đơn vị đặt hàng tới vận chuyển đến các chợ đầu mối trên khắp các tỉnh thành. Giá mặt nạ giấy bồi xuất xưởng với số lượng lớn là 15.000-25.000 đồng/chiếc, trống gỗ thì từ 14.000-80.000 đồng/chiếc.