Hiện trạng nút giao dự kiến xây dựng hầm chui thứ 6 tại Hà Nội
(Dân trí) - Hầm chui thứ 6 tại Hà Nội được thiết kế tại nút giao Cổ Linh và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy nhằm mục tiêu giảm ùn tắc và xung đột giao thông cho khu vực này.
Ngày 30/8, cầu Vĩnh Tuy 2 thông xe đã hoàn chỉnh "mảnh ghép" tiếp theo trên trục đường Vành đai 2, đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày một tăng cao giữa quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.
Sau khi thông cầu giai đoạn 2, lượng phương tiện di chuyển qua cầu nhanh hơn, dồn lên nút giao Cổ Linh (trên địa bàn quận Long Biên) và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy.
Đây là nút giao có lượng phương tiện lưu thông lớn, đã được Thành phố Hà Nội đầu tư cầu vượt năm 2017 nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi từ cầu Vĩnh Tuy về cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tuy nhiên, khi cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành, lượng phương tiện đi qua nút giao này càng lớn, xung đột giao thông tăng cao dẫn đến tình trạng ùn tắc xảy ra phức tạp hơn trước.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, UBND Hà Nội giao các đơn vị liên quan lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh (thuộc địa phận quận Long Biên) và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 - 700 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024.
Theo kế hoạch, hầm được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy - Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp gồm hầm kín, hầm hở, tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm.
Chiều dài hầm dài khoảng 500m, chiều rộng mặt cắt ngang khoảng 7,75m và 2 làn xe cơ giới mỗi chiều. Thông số thiết kế hầm và chức năng sử dụng cần đảm bảo tương tự các hầm chui đã đưa vào sử dụng. Dự kiến sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh và đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có 3 tầng gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.
Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có tổng cộng 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng và một hầm chui đang xây dựng. Trong đó, 4 hầm chui được đưa vào sử dụng tại 4 nút giao thông lớn gồm: Trung Hòa, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Kim Liên. Một hầm đang xây dựng nằm trên trục đường Vành đai 2,5, nút giao Kim Đồng - Giải Phóng.
Hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với Đại lộ Thăng Long. Kết cấu hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12m, 3 làn xe cơ giới. Phần hầm hở phía đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25m. Hầm chui Trung Hòa giúp tăng cường lưu thông, giảm thiểu ùn tắc trên nút giao Vành đai 3 (Khuất Duy Tiến và Đại lộ Thăng Long).
Hầm chui Lê Văn Lương được đưa vào sử dụng từ ngày 5/10/2022, nút giao thông tại đây có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại. Công trình giúp giải quyết vấn đề ùn tắc kéo dài, tồn tại nhiều năm qua, hoàn thiện hạ tầng giao thông Thủ đô.
Hầm chui Thanh Xuân hiện là nút giao 4 tầng, gồm ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) - Vành đai 3 cùng với tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao. Hầm chui hỗ trợ giảm tải tình trạng ùn tắc kéo dài và xung đột giao thông từ các hướng Trần Phú, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến khi qua nút giao này.
Hầm đường bộ tại nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Thủ đô, với chiều dài đường hầm 644m, rộng 18,5m, chiều cao trong hầm 6,25m. Trong tổng chiều dài hầm có 140m hầm kín, hầm hở dài 405m và 99m đường dẫn. Hầm Kim Liên là hạng mục giao thông quan trọng của Hà Nội, công trình góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn.