DNews

Hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất áp lực thế nào sau cao điểm Tết?

Thư Trần

(Dân trí) - Sau nhiều biện pháp "chắp vá", việc sớm hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga T3 là phương án cấp bách để Tân Sơn Nhất thoát cảnh quá tải trên trời, dưới đất.

Hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất áp lực thế nào sau cao điểm Tết?

Hơn 154.000 lượt trong một ngày là lượng khách kỷ lục mà lần đầu tiên sân bay Tân Sơn Nhất đón trong dịp cao điểm sau Tết. Đây chưa phải sản lượng tối đa ở một cảng hàng không. Nhưng áp lực này đang khiến sân bay lớn nhất cả nước bộc lộ rõ yếu kém của hạ tầng sau gần 100 năm khai thác.

Khách đông là "vỡ trận"

Một tuần sau Tết, sân bay Tân Sơn Nhất liên tiếp ghi nhận lượng khách tăng bùng nổ. Ngành hàng không đang trải qua những ngày phục vụ căng thẳng nhất kể từ thời điểm cao điểm trước năm 2019 đến nay.

Lưu lượng khách đạt đỉnh được dự báo ban đầu qua Tân Sơn Nhất là 150.000 người/ngày. Thế nhưng cách một tuần trước Tết Nguyên đán, lượng khách gần 130.000 người đã khiến hai nhà ga của sân bay đứng đầu cả nước rơi vào cảnh "vỡ trận" vì thời tiết cực đoan. 

Có đến 659 trên tổng 1.000 chuyến bay bị chậm giờ, chiếm gần 60% số chuyến bay khai thác trong 3 ngày cao điểm; đồng thời 40/1.100 chuyến bay bị hủy vì cùng lý do thời tiết. Một ngày sau kỳ nghỉ Tết, lượng khách tiếp tục tăng vọt, vượt ngưỡng cao nhất được dự kiến.

Hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất áp lực thế nào sau cao điểm Tết? - 1

Sân bay Tân Sơn Nhất lần đầu đón lượng khách kỷ lục trong dịp cao điểm Tết Giáp Thìn (Ảnh: Hải Long).

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng có nhiều động thái giải tỏa kịp thời, tuy nhiên hành khách vẫn khó tránh khỏi tình trạng chờ đợi vì những bất cập từ hạ tầng. 

Là một trong số nhiều hành khách bị dời chuyến từ đêm đến trưa 3/2, chị Nguyễn Bảo Phương Trinh thừa nhận rất thông cảm với lý do thời tiết, nhưng trải nghiệm tại sân bay vào thời điểm đó khiến nữ hành khách phải "lắc đầu".

"Một rừng người vừa đứng, vừa ngồi chen chúc. Ghế không đủ, nhiều gia đình không tìm được chỗ nằm luôn ra sàn vì phải chờ hàng giờ đồng hồ. Đụng đến khâu nào cũng phải tắc ở khâu đó một khoảng thời gian nhất định", chị Trinh nhận xét.

Để có trải nghiệm tốt hơn cho khách trong lẫn ngoài nước, nữ hành khách cho rằng sân bay cần được nâng cấp về hạ tầng sau quá nhiều năm khai thác, đặc biệt là khả năng chứa đựng của các nhà ga.

Hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất áp lực thế nào sau cao điểm Tết? - 2

Khu vực cửa ga đi của hãng bay Vietjet Air vào 28 Tết Giáp Thìn (Ảnh: Hải Long).

"Ngoài ra, vé máy bay vào dịp cao điểm rất đắt, đi kèm đó dịch vụ chăm sóc hành khách của hãng cũng phải thay đổi để người mua cảm thấy xứng đáng với số tiền", chị Nguyễn Bảo Phương Trinh góp ý.

Lượng khách tăng đột biến, tình trạng chậm, hủy chuyến không chỉ khiến các sảnh quá tải, hoạt động ký gửi, nhận hành lý tại cửa đến những ngày qua cũng thường xuyên trong tình trạng "bận rộn". Nhiều hành khách cho biết phải mất hơn một giờ để rời khỏi khu vực băng chuyền hành lý.

Trong khi đó, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam thừa nhận có những khung giờ quá đông. Thay vì thông thường, thời gian trả hành lý lâu nhất chỉ mất 35-40 phút.

Ngày 17/2, sân bay Tân Sơn Nhất lần đầu đón lượng khách cao nhất từ giai đoạn trước đại dịch đến nay - hơn 154.000 khách. Sân bay này cũng lần đầu phục vụ hơn 5.500 lượt khách trong cùng một khung giờ cao điểm vào đêm 16/2, với lượng khách trong ngày là 152.000 lượt.

Ngày 19/2, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón hơn 143.000 khách dù cả nước đã quay lại ngày làm việc thông thường.

Phải sớm có ga T3

Trong chuyến thị sát thực tế của đoàn công tác do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu trong Tết Nguyên đán vừa qua, người đứng đầu Chính phủ nhận định ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất là dự án rất cấp bách. 

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị xác định mục tiêu đẩy tiến độ trong 2 tháng tới; tăng ca, tăng kíp, bồi dưỡng người lao động thi công xuyên ngày nghỉ.

"Dự án đến nay tương đối đúng tiến độ. Lưu ý cột mốc 50 năm kỷ niệm thống nhất đất nước vào 2025, chúng ta phải tạo ra những công trình khác, những chiến thắng mới", Thủ tướng chỉ đạo. Bên cạnh đó, ông yêu cầu chủ đầu tư phải theo sát tiến độ, đồng thời thúc đẩy các dự án kết nối giao thông dài hơi cho sân bay.

Hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất áp lực thế nào sau cao điểm Tết? - 3
Hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất áp lực thế nào sau cao điểm Tết? - 4

Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chiều mùng 3 Tết Giáp Thìn (Ảnh: Chí Hùng).

Sân bay Tân Sơn Nhất có năng suất thiết kế 15 triệu khách mỗi năm. Nhưng từ năm 2017 đến nay, con số này đã tăng lên 26 triệu khách/năm.

"Lượng khách quá tải khiến Tân Sơn Nhất đối mặt với cảnh kẹt từ trên trời lẫn dưới mặt đất", ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm điều hành sân bay - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thừa nhận.

"Sân bay quá tải từ trên trời, dưới đất, tuy nhiên đang gồng mình để phục bà con. Nhà ga T3 sẽ sớm hoàn thiện sẽ giúp người dân đi lại dễ dàng hơn", ông Sơn nói và mong người dân thông cảm cho ngành hàng không vì sân bay đã quá công suất.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, khẳng định trong bối cảnh hạ tầng hai nhà ga hiện hữu cho thấy đã không thể "gồng gánh" lâu hơn, và việc sớm hoàn thành nhà ga T3 là rất cấp bách.

Dự án nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Đây là công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải với các hạng mục xây dựng gồm nhà ga hành khách T3 đạt tiêu chuẩn quốc tế với công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, mở rộng sân đỗ máy bay, các hạng mục phụ trợ như hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, nước thải.

Song, chuyên gia Võ Kim Cương cho rằng tình trạng quá tải không dừng lại ở bên trong sân bay, mà mạng lưới giao thông, hạ tầng xung quanh Tân Sơn Nhất cũng đang là vấn đề cần được giải quyết đồng bộ.

"Với năng suất 26 triệu hành khách mỗi năm như hiện tại, mạng lưới giao thông xung quanh sân bay đã liên tục ách tắc. Như vậy với lượng khách gấp đôi khi hoàn thành ga T3, giao thông qua Tân Sơn Nhất chắc chắn thêm áp lực lớn", ông Cương chỉ ra.

Hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất áp lực thế nào sau cao điểm Tết? - 5

Vị trí dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và đường kết nối nhà ga (Đồ họa: Tâm Linh).

PGS TS Nguyễn Thiện Tống cũng thẳng thắn cho rằng áp lực giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng cao hơn khi sân bay có thêm nhà ga T3. Việc hành khách vào, ra nhà ga mới T3 ở phía tây nam theo trục đường C12 và trục đường Hoàng Hoa Thám - Hẻm 22 Cộng Hòa sẽ tiếp tục làm tắc nghẽn giao thông ở cung đường Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ của vùng phía tây nam và nam sân bay, trầm trọng nhất là ở giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa.

Chuyên gia cho hay khách đến sân bay không chỉ là người dân từ trung tâm TPHCM mà còn từ các vùng ngoại thành và các tỉnh Miền Tây, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Do đó, nếu chỉ kết nối giao thông phía nam thì những người này vào sân bay sẽ tốn thời gian đi qua khu vực trung tâm, "chèn" vào mạng lưới giao thông đô thị, dẫn đến ách tắc nghiêm trọng. "Điều này khiến thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án còn lại.

Hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất áp lực thế nào sau cao điểm Tết? - 6

Đường hầm đầu tuyến dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đạt hơn 50% khối lượng (Ảnh: Thư Trần).

Trong đó, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành đường Cộng Hòa) dài 4.400m là công trình quan trọng nhất", chuyên gia nói.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Công trình được cam kết hoàn thành sớm trong năm 2024 nhằm kết nối ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất để giải bài toán quá tải ở cửa ngõ này.

Đầu năm nay, công trình được triển khai đồng bộ 5 gói thầu xây lắp. Mục tiêu trước mắt là 30/7 hoàn thành gói thầu hầm chui đầu tuyến, khu vực đường Thăng Long).

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cho biết, hiện đường hầm đầu tuyến đạt hơn 50% khối lượng, các đoạn còn lại hơn 20%.

"Nhiệm vụ năm 2024 là tăng tốc, các vướng mắc mặt bằng đã được giải quyết. Chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ thi công hoàn thành dự án vào 31/12/2024", ông Phúc cho hay.