Hạ tầng giao thông "chậm nhịp" khiến Bến xe miền Đông mới ế ẩm
(Dân trí) - Hoạt động 3 năm, bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức) thường xuyên rơi vào tình trạng ế ẩm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hạ tầng giao thông xung quanh chưa hoàn thiện.
Bến xe miền Đông mới có diện tích 16ha, nằm trên đường Hoàng Hữu Nam (TP Thủ Đức). Bến xe được đầu tư xây dựng từ năm 2016, hoàn thành giai đoạn 1 và chính thức đưa vào hoạt động ngày 10/10/2020.
Chủ một cửa hàng kinh doanh nước giải khát bên trong Bến xe miền Đông mới chia sẻ, tình trạng những chuyến xe không có khách hoặc chỉ có từ 2-3 khách nhưng đến giờ vẫn phải chạy đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, thời gian qua, lượng hành khách tại bến xe mới chưa đạt 50% công suất.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, một trong những nguyên nhân khiến bến xe ế ẩm là do các dự án hạ tầng quanh bến xe Miền Đông mới chưa hoàn thiện.
Trước bến xe miền Đông mới là nhà ga thuộc tuyến số metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Dự án xây dựng tuyến metro số 1 hiện đạt 94% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay. Đây là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi và đến bến xe.
Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) đã thi công hoàn thành nâng cấp mặt đường chính quốc lộ 1, đưa vào khai thác từ năm 2017 đến nay. Phạm vi có mặt bằng trước khu vực bến xe miền Đông mới (dài khoảng 520m) đã được thi công hoàn thành phần đường song hành bên phải (đường, thoát nước, vỉa hè) từ tháng 1/2022.
Các hạng mục thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương (đường song hành, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng dọc tuyến song hành) hiện chưa có mặt bằng thi công. Sau khi tiếp nhận toàn bộ mặt bằng (dự kiến tháng 12/2023), sẽ triển khai thi công đồng bộ các hạng mục còn lại hoàn thành vào tháng 12/2024.
Dự án xây dựng đường Hoàng Hữu Nam (đoạn từ Bến xe miền Đông mới đến nút giao Xa lộ Hà Nội) dài 1,7km, mặt cắt ngang 30m. Dự án khởi công từ năm 2015, đến nay thi công đạt khoảng 40% khối lượng, đang tạm ngưng thi công do chưa có mặt bằng. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.
Dự án xây dựng cầu vượt trước bến xe trên Xa lộ Hà Nội có tổng chiều dài hơn 1,5km, gồm: 2 cầu vượt (số 3 và số 4), 1 cầu vượt bộ hành, 2 hầm chui bên trái và bên phải. Hiện đã thi công hoàn thành cầu vượt số 3 và hầm chui bên phải.
Cầu vượt số 4, cầu vượt bộ hành và hầm chui bên trái chưa thi công do chưa được bàn giao mặt bằng trên địa bàn TP Dĩ An, Bình Dương và chưa xác định được thời điểm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến, công trình hoàn thành trong vòng 12 tháng thi công sau khi được bàn giao mặt bằng.
Dự án xây dựng đường A8 (phường Long Bình, TP Thủ Đức) dài 621m, mặt cắt ngang 12m, gồm hệ thống thoát nước, bó vỉa, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức đang triển khai công tác trình thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng; thực hiện đo vẽ bản đồ hiện trạng vị trí từng hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án.
Để phục vụ cho việc đưa Bến xe miền Đông mới vào hoạt động khi đường A8 chưa hoàn thành, Samco (đơn vị quản lý) đã dành một phần đường của tuyến đường E3 trong phạm vi bến xe (bề rộng 2,75m) để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân giữa TP Thủ Đức và phường Bình Thắng, TP Dĩ An, Bình Dương.
Hầm chui bên phải trước Bến xe Miền Đông mới (hướng từ TPHCM đi Đồng Nai) đã chính thức thông xe. Hầm chui có chiều dài 670m, rộng 8m cho xe 2 bánh, ô tô con lưu thông để tránh xung đột giao thông với các phương tiện vào bến xe. Hầm chui bên trái chưa thi công do chưa có mặt bằng.
Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xung quanh khu vực Bến xe miền Đông mới.
Đồng thời, đề nghị UBND TP chỉ đạo Samco rà soát, triển khai đầu tư, xây dựng các hạng mục còn lại của bến xe theo quy hoạch 1/500 được UBND TP phê duyệt nhằm đảm bảo mục tiêu theo quy hoạch của bến xe.
Ghi nhận trong bến xe ngày 4/4, tình trạng vắng vẻ vẫn tiếp diễn. Bà Lê Thị Hoa (quê Bình Thuận, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ, bến xe mới khang trang, đẹp hơn bến cũ nhưng ở quá xa nên khiến bà e ngại mỗi lần di chuyển về quê. "Tôi nhờ con trai chở đến bến bằng xe máy, quãng đường di chuyển xa khiến tôi mệt mỏi", bà Hoa nói.
Theo Sở GTVT, sau khi di dời giai đoạn 2 các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ bến cũ sang bến mới từ ngày 11/10/2022, có tình trạng một số đơn vị vận tải thuộc các tuyến di dời đã giảm chuyến hoặc ngừng khai thác do ít khách tại bến.
Đoạn đường ngắn nhất di chuyển từ Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) đến Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức) dài khoảng 15km (Đồ họa: Phương Nhi).
Ngoài hạ tầng giao thông xung quanh khu vực chưa được hoàn thiện, những nguyên nhân khác khiến bến xe này ế ẩm thời gian qua còn có thói quen đi lại của người hành khách, việc tổ chức phương tiện trung chuyển hành khách đi, đến xe chưa đáp ứng nhu cầu và tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định.