1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sở GTVT nêu nguyên nhân Bến xe miền Đông mới chưa đạt 50% công suất

Phương Nhi

(Dân trí) - Theo Sở GTVT TPHCM, thói quen đi lại của hành khách, hạ tầng giao thông xung quanh chưa hoàn thiện, hoạt động đón trả khách sai quy định... là những nguyên nhân khiến Bến xe miền Đông mới ế ẩm.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP về tình hình khai thác Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức). Trong đó, Sở thông tin, thời gian qua, lượng hành khách tại Bến xe miền Đông mới chưa đạt như kỳ vọng (chưa đạt 50% công suất).

Theo Sở GTVT, sau khi di dời giai đoạn 2 các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ bến cũ sang bến mới từ ngày 11/10/2022, có tình trạng một số đơn vị vận tải thuộc các tuyến di dời đã giảm chuyến hoặc ngừng khai thác do ít khách tại bến.

Bên cạnh đó, tình trạng xe khách đón trả khách không đúng nơi quy định có chiều hướng gia tăng, chủ yếu trên địa bàn quận Bình Thạnh, quận 1 và TP Thủ Đức do một số đơn vị vận tải hoạt động đón trả khách ngoài bến xe.

Sở GTVT nêu nguyên nhân Bến xe miền Đông mới chưa đạt 50% công suất - 1

Lượng hành khách tại Bến xe miền Đông mới chưa đạt 50% công suất (Ảnh: Phương Nhi).

Theo Sở GTVT, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình khai thác của Bến xe miền Đông mới sau khi di dời giai đoạn 2. Trong đó có thói quen đi lại của hành khách đến bến mới chậm hình thành; công tác tuyên truyền, thông tin việc di dời các tuyến xe chưa đạt hiệu quả cao.

Phương án tổ chức phương tiện trung chuyển hành khách đi, đến bến mới miễn phí của Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines và Samco thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu hành khách do chưa có sự cộng tác, phối hợp tốt của các đơn vị vận tải.

Đồng thời, hạ tầng giao thông xung quanh khu vực Bến xe miền Đông mới chưa được hoàn thiện, loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn (metro) chưa được kết nối với bến xe, chưa thuận lợi cho xe khách ra vào bến và kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo đánh giá của Sở GTVT, với hệ thống hạ tầng hiện hữu kết hợp giải pháp tổ chức, điều tiết giao thông phù hợp vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng tốt nhu cầu giao thông khu vực Bến xe miền Đông mới, góp phần giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường quanh khu vực.

Tuy nhiên, để hoạt động của Bến xe miền Đông mới hiệu quả, cần thiết phải sớm hoàn thành đồng bộ các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông khu vực và các hạng mục còn lại của dự án Bến xe miền Đông mới.

Sở GTVT nêu nguyên nhân Bến xe miền Đông mới chưa đạt 50% công suất - 2

Thanh tra Sở GTVT tuần tra, xử lý các trường hợp đón trả khách sai quy định trên quốc lộ 1, đoạn từ khu du lịch Suối Tiên đến Bến xe miền Đông mới (Ảnh: Phương Nhi).

Ngoài ra, hoạt động của các bến xe khách liên tỉnh thời gian qua đã chịu những tác động lớn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lượng vận tải hành khách liên tỉnh thông qua các bến xe của thành phố còn thấp so với thời điểm trước dịch bệnh (giảm 50%).

Đáng lưu ý, một số điểm xung quanh và lân cận Bến xe miền Đông mới (trên địa bàn quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức) hoạt động đón trả khách trở lại hoặc gia tăng thêm tần suất hoạt động nhưng chưa được cơ quan chức năng phối hợp xử lý kịp thời.

Bến xe miền Đông mới có diện tích 16ha, trên đường Hoàng Hữu Nam (TP Thủ Đức). Bến xe được đầu tư xây dựng từ năm 2016, hoàn thành giai đoạn 1 và chính thức đưa vào hoạt động ngày 10/10/2020.

Từ ngày 10/10/2020, di dời giai đoạn 1 các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra và các tỉnh phía Bắc có hành trình chạy xe đi qua quốc lộ 1 từ Bến xe miền Đông sang Bến xe miền Đông mới.

Từ ngày 11/10/2022, di dời giai đoạn 2 toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh (trừ các tuyến có hành trình chạy xe qua quốc lộ 13 - đường Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại Bến xe miền Đông sang Bến xe miền Đông mới.