(Dân trí) - Nhìn lại giai đoạn Đổi mới, nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị) nêu nhiều kiến giải về việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Trên cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Mạnh Cầm là một trong những thành tố rất quan trọng trong công cuộc Đổi mới, mở cửa đất nước hơn 30 năm trước, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại. Với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với tất cả các nước, Đại hội VII của Đảng đã mở ra một chương mới, giai đoạn mới cho lĩnh vực này. Nhìn lại giai đoạn Đổi mới, nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Mạnh Cầm nêu nhiều kiến giải về việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...
+ Được biết những ngày đầu Đổi mới, chúng ta đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao. Những tư tưởng mới đã vấp phải không ít “lực cản” từ tâm lý, từ thói quen và cả sự lo ngại… thưa ông?
Đúng là thời gian đầu Đổi mới luôn diễn ra các cuộc đấu tranh rất quyết liệt trong mọi lĩnh vực. Thật ra, cái mới khi ra đời bao giờ cũng gặp phải sự phản ứng, lực cản từ những cái cũ. Có thể sự phản ứng đó không mang động cơ xấu mà bởi tâm lý lo ngại do chưa nhận thức đầy đủ, sợ đổ vỡ cái đã có, đã quen và cả sợ trách nhiệm…
Trong lĩnh vực ngoại giao, ở Việt Nam trước Đổi mới là nền “ngoại giao chính trị”, tập trung chủ yếu vào quan hệ với các quốc gia trong cùng một hệ thống chính trị nhằm mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất đất nước. Sang đến giai đoạn Đổi mới, xây dựng đất nước sau chiến tranh, chúng ta chủ trương đa phương hoá, làm bạn với tất cả các quốc gia trong cộng đồng thế giới đồng thời đa dạng hóa quan hệ, từ ngoại giao chính trị sang các lĩnh vực khác như văn hóa, kinh tế… Do vậy, sự lo ngại cũng là đương nhiên. Song, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước, các cán bộ, đảng viên là nhân tố “ngọn cờ” đã dũng cảm, quyết tâm thực hiện những bước đi chưa từng biết và đã thành công…
+ Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “bảo lãnh” cho việc thực hiện, triển khai những ý tưởng mới, quyết định táo bạo, hướng đến lợi ích chung… Là cán bộ lãnh đạo từng trải qua một thời phải quyết liệt đổi mới tư duy, đột phá về cách làm, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Như tôi đã nói ở trên, cái mới và cái cũ bao giờ cũng xung đột nên muốn cái mới ra đời, cần phải có cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới. Do đó, việc xây dựng, cho ra đời một quy định như đề cập là cần thiết.
Nhìn lại 35 năm Đổi mới (1986-2020), đất nước đã có nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt. Song, dừng lại là tụt hậu mà muốn phát triển thì phải đổi mới liên tục, không ngừng đổi mới chính mình. Muốn vậy, cần khuyến khích hết mức và “đỡ đầu” cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm bởi quá trình tìm tòi, thực hiện cái mới rất khó khăn, luôn tiềm ẩn những bất trắc.
Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử, đứng trước cơ hội vươn lên thành một nước phát triển, phải khắc phục những thách thức lớn, trong đó quan trọng nhất là làm sao vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải có sự phát triển đột phá chứ không chỉ “nhì nhằng” tăng trưởng. Do vậy, cần khơi dậy được tinh thần đổi mới nhất là về cơ chế, chính sách quản lý trong cán bộ, đảng viên.
Nhớ lại giai đoạn đầu của Đổi mới, chúng ta đã phải trải qua những bước chuyển mình cam go, nhọc nhằn, mò mẫm… Song, rất may là thế hệ chúng tôi khi đó đã nhận được sự động viên, hỗ trợ, “bảo lãnh” của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ cao độ của quần chúng nhân dân nên yên tâm dồn sức lực, tâm huyết để cống hiến.
+ Như ông nói, không có đổi mới, sáng tạo nào mà không gặp khó khăn, không có sự dấn thân nào mà không gặp trở lực. Ông đã từng cùng trải qua tình huống này khi phải thuyết phục một số cán bộ, kể cả một vị lãnh đạo trong việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ, mở cửa đất nước sau chiến tranh. Từ trải nghiệm đó, theo ông, trong tình huống này, người “xé rào” cần sự hỗ trợ, bảo vệ thế nào?
Ngày đó, việc đặt vấn đề bình thường hoá quan hệ với các nước phương Tây, đặc biệt với Mỹ, biến kẻ thù thành đối tác, thành bạn bè, chuyển “chiến trường” thành “thương trường” là quan điểm gây tranh luận rất căng thẳng. Nhiều ý kiến lo sợ sự đổ vỡ, nhất là đổ vỡ về thể chế chính trị, văn hóa, tư tưởng. Song, nếu không có những bước đột phá, chúng ta sẽ mãi mãi giam mình trong thế giới biệt lập với sự nghèo đói và trì trệ, trong khi thế giới phát triển từng ngày, từng giờ.
Quan hệ với Mỹ chủ yếu được giải quyết trong thời ông Bill Clinton làm Tổng thống. Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam với nhận xét: “Quan hệ giữa hai nước chúng ta đã phát triển tích cực, đó là một mối quan hệ toàn diện chứ không phải chỉ trong lĩnh vực giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển”.
+Thời kỳ Đổi mới, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được mệnh danh là “cỗ xe tăng đỡ đạn cho cán bộ xé rào”. Dường như trong giai đoạn đó, những cán bộ dám nghĩ, dám làm phải trông đợi nhiều vào cơ may có được “tấm lá chắn” bảo vệ là các lãnh đạo cấp trên như thế?
Đúng vậy, những cán bộ, đảng viên đột phá, dám nghĩ, dám làm luôn phải đối mặt với rủi ro lớn khi là người đi trước dò đường, đứng mũi chịu sào. Khi chưa có quy định, cơ chế trợ lực “chuẩn”, sự thành bại của họ phụ thuộc rất nhiều vào việc có hay không may mắn được người lãnh đạo cấp trên có tư duy cởi mở, khao khát đổi mới, thường trực tâm thế đổi mới, thấu hiểu, hỗ trợ, bảo vệ cán bộ cấp dưới mà chưa có những quy định bằng văn bản về việc này.
Do vậy, để xây dựng được cơ chế bảo vệ cán bộ tốt, theo tôi, cần đưa đổi mới, sáng tạo vào làm một tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên các cấp. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần đổi mới, có năng lực sáng tạo. Người đứng đầu càng phải có khả năng, có bản lĩnh để phát hiện, khích lệ, nâng đỡ, hỗ trợ những nhân tố đó. Như vậy nghĩa là cần một cơ chế mang tính pháp lý để bảo vệ người “xé rào” chứ không nên chỉ trông cậy sự bảo vệ của một hay một số cá nhân.
+ Thực tế hiện nay, các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhiều lần cảnh báo về tình trạng trì trệ, né làm, né trách nhiệm của một số bộ ngành, địa phương. Quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, theo đó, là vấn đề cấp thiết với đời sống. Tuy nhiên, trong đổi mới, sáng tạo, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh, không dễ phân biệt. Ông kiến giải gì về vấn đề này để xây dựng được quy định bảo vệ cán bộ khả thi, hiệu quả?
Đúng là có tình trạng “vi rút trì trệ” đang lây lan, như Thủ tướng nói. Lý do thì nhiều, như cán bộ thiếu năng lực, thiếu bản lĩnh, không ít người chỉ nhăm nhăm lo cho sự an toàn cái ghế của mình, để “đẹp” hồ sơ cho mục đích thăng tiến.
Nguy hại hơn, đã xuất hiện hiện tượng “ngậm miệng ăn tiền”, nằm yên chờ cơ hội. Lý do, một số cán bộ có tư tưởng không làm để tuyệt đối tránh sai phạm, vì “không đi thì không vấp”, không làm thì sẽ không sai… chờ cơ hội thăng tiến hoặc bảo toàn vị trí. Một số khác thì nằm im chờ hết nhiệm kỳ để hạ cánh an toàn, tránh đổ vỡ những “thành quả” đã có cả về chức tước lẫn tài sản. Số này lo sợ “cái sảy nảy cái ung” dẫn đến thân bại, danh liệt khi mà công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy lên mức cao, không còn vùng cấm như hiện nay.
Song, về khách quan mà nói, cũng có lý do là chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế bảo vệ những nhân tố mới, trong khi cái mới là cái chưa có trong tiền lệ nên khoảng cách giữa đúng – sai hết sức mong manh và mơ hồ. Không loại trừ có những việc hôm nay đúng, hoàn cảnh đó đúng nhưng ngày mai, thời điểm khác, hoàn cảnh diễn tiến khác nên nó biến thành sai…
+ Vậy theo ông, điều gì là quan trọng nhất khi xây dựng cơ chế để bảo vệ những nhân tố dũng cảm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…?
Tôi cho rằng trước hết, phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về sự cấp thiết của hoạt động đổi mới, sáng tạo, vừa khơi gợi, vừa có cơ chế để buộc cán bộ, đảng viên phải vận động, không để tình trạng “đó rách ngáng đường” đồng thời nâng cao trình độ của cán bộ bởi vì nếu hạn chế về năng lực họ cũng sẽ sợ và né tránh thay đổi. Nếu cần, phải dứt khoát loại bỏ những cán bộ không đủ tố chất đối với công cuộc đổi mới.
Trong mọi việc lớn nhỏ, tư duy quyết định hành động. Do đó, phải làm sao cho cán bộ, đảng viên thường xuyên đổi mới tư duy cho kịp với sự phát triển của tình hình, phù hợp với xu thế của thời đại. Dòng chủ lưu của thời đại hiện nay là hoà bình và phát triển, không thể mang tư duy “chiến tranh lạnh” để giải quyết các vấn đề.
Thứ hai, cần xây dựng một cơ chế đánh giá có lý, có tình, có xét đến hoàn cảnh cụ thể, nhận xét đúng – sai của một vụ việc cần xem xét động cơ hành động, vì lợi ích chung, trong sáng hay vì vụ lợi, “núp bóng”, lợi dụng chính sách để làm sai, mưu cầu lợi ích cá nhân.
Nếu vì động cơ cá nhân, cần xử lý nghiêm khắc và ngược lại, nếu vô tư, trong sáng có thể thể tất cho những sai sót, rủi ro chưa (hoặc không) gây hậu quả nghiêm trọng.
+ Xin cảm ơn ông!