DMagazine

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển

(Dân trí) - 46 năm trước, quân và dân cả nước kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc giữ vững toàn vẹn lãnh thổ. Khi vùng biên kết thúc tiếng súng cũng là lúc 2 nước đẩy mạnh hợp tác, cùng phát triển.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 2

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ độc lập, tự do dân tộc, chủ quyền toàn vẹn đất nước của nhân dân và Quân đội Việt Nam. Cuộc chiến cũng khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của quân và dân ta.

46 năm đã qua (17/2/1979-17/2/2025), cuộc chiến đấu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt này, nhân dân Việt Nam đã chịu những tổn thất nặng nề. Giai đoạn lịch sử bi hùng đó nhắc nhở tất cả các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Ôn lại lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bên cạnh việc khẳng định sự chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, còn là dịp để chúng ta tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Gần 50 năm trôi qua nhưng kỷ niệm về những ngày tháng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn in đậm trong trí nhớ của Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh (nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, cựu chiến binh Sư đoàn 337).

Thời điểm nổ ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Khuỳnh là trợ lý tổ chức của Sư đoàn 337 Quân đoàn 14, Quân khu 1.

Rót chén trà đặc mời khách, Đại tá Khuỳnh chậm rãi đưa chúng tôi về những ngày chiến đấu hào hùng của dân tộc. 

Ông kể, ngày 28/7/1978, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Sư đoàn bộ binh 337 chính thức được thành lập. Đến ngày 17/2/1979, quân địch nổ những tiếng súng đầu tiên, xâm lược các tỉnh biên giới của Việt Nam. Ngay sau đó, Sư đoàn bộ binh 337 được lệnh di chuyển chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 3

Ngày 24/2/1979, Sư đoàn lên đến Lạng Sơn và tổ chức chiến đấu ngay. Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/1979, Sư đoàn 337 đã chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi trong chiến dịch phòng ngự tuyến Tu Đồn - Điềm He - Khánh Khê.

Đại tá Khuỳnh nhận định, âm mưu của địch tại địa bàn Lạng Sơn là vượt qua cầu Khánh Khê (tiếp giáp giữa 2 huyện Cao Lộc và Văn Quan) để vòng xuống Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn).

Mục đích của việc này để bố trí làm 2 mũi chặn ở Đồng Mỏ và chặn tại phía Nam đèo Sài Hồ nhằm tạo thế gọng kìm, cô lập quân ta đang đóng từ TP Lạng Sơn trở lên biên giới nhằm dùng hỏa lực mạnh tiêu diệt quân đội ta để tạo ra bình diện mới.

"Âm mưu của địch là vậy nhưng các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 đã chiến đấu dũng cảm làm nên chiến thắng Khánh Khê, và chiến công này Sư đoàn 337 được mệnh danh là cánh cửa thép của Lạng Sơn", Đại tá Khuỳnh kể.

Đến trung tuần tháng 3/1979, sau khi chịu nhiều thất bại và bị cộng đồng quốc tế lên án, địch buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. 

Năm 1989 khu vực biên giới phía Bắc hết tiếng súng. Hai năm sau, 2 nước bình thường hóa quan hệ, hàng hóa được thông thương.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 6

Ông Khuỳnh khẳng định, tất cả những gì thuộc về quá khứ đã "khép lại" là vô cùng đúng đắn, hợp với xu thế, đúng với nguyện vọng của nhân dân và chiến lược bảo vệ Tổ quốc. 

"Bảo vệ tổ quốc không cần phải dùng tiếng súng, quân đội có chuẩn bị vũ khí, khí tài mạnh đến đâu cũng không bao giờ mong muốn phải nổ súng", ông nhấn mạnh và cho biết, bằng đường lối đối ngoại và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, cuộc chiến đã khép lại và đi vào lịch sử. 

Kể từ đó đến nay, nhân dân ở khu vực biên giới được hưởng hòa bình, tập trung phát triển kinh tế, cuộc sống đã có nhiều thay đổi lớn. 

Người dân được phát huy năng lực sản xuất trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, người dân cũng khai thác được thế mạnh tại chỗ về giao lưu hàng hóa giữa 2 nước. 

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 7

Nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn đánh giá, chủ trương bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vừa có ý nghĩa cấp bách, trước mắt nhưng cũng mang ý nghĩa lâu dài vô cùng quan trọng để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và bảo đảm thống nhất giữa 2 Nhà nước. 

Hòa bình, hữu nghị đã mở ra mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia, 2 Nhà nước, hàng hóa thông quan giữa 2 bên với số lượng rất lớn. 

Nhìn lại gần 50 năm phát triển của tỉnh Lạng Sơn, Đại tá Khuỳnh chậm rãi hồi tưởng, khi cuộc chiến kết thúc phải đến 10 năm sau, hầu hết các địa phương của tỉnh Lạng Sơn chỉ là đồi trọc.

Người dân vùng biên không có điện, nước sạch để sử dụng, lương thực phải chạy ăn từng bữa nhưng đến nay hầu hết các gia đình đã có nhà cao, cửa rộng, nhiều hộ làm kinh tế giỏi trở nên giàu có.

"Khi cửa khẩu được thông thương, mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng tốt đẹp và dân mình có thể xuất khẩu hàng hóa như rau củ, quả sang Trung Quốc rồi nhập khẩu những đồ linh kiện điện tử về bán. Từ đấy, đời sống người dân vùng biên của cả 2 nước ngày một phát triển", Đại tá Khuỳnh nói.

Ông nhận xét, hơn 30 năm qua, nền kinh tế của tỉnh Lạng Sơn đã phát triển nhanh chóng, vượt bậc và để có được điều này cũng nhờ vào việc giao thương hàng hóa giữa 2 nước.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 9

Bên cạnh đó, nhiều người dân ở Việt Nam sang Trung Quốc làm kinh tế và ngược lại. Để có được điều này nhờ mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam - Trung Quốc. 

"Cũng giống như một gia đình, khó tránh khỏi mâu thuẫn, những thiếu sót, sai lầm, khuyết điểm của bên này, bên kia và chúng ta khép lại, nhìn về tương lai.

Song khép lại không có nghĩa là quên mà chúng ta vẫn phải nhớ đến lịch sử, coi đó là bài học để làm sao tuyên truyền cho thế hệ trẻ từ nay về sau giữ vững biên giới, bảo vệ được hòa bình nhưng không bằng tiếng súng để người mẹ, người vợ không phải đeo những tấm khăn tang", Đại tá Khuỳnh chia sẻ.

Theo lịch sử truyền thống của Sư đoàn 337, trong các trận chiến, ta đã tiêu diệt hơn 2.000 tên địch, phá 8 xe tăng và thu được một số vũ khí, chặn đứng và đánh bại ý định vu hồi bao vây, chia cắt Lạng Sơn của địch.

Song khi trải qua các trận chiến đã có hơn 650 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 đã vĩnh viễn nằm xuống hai bên bờ sông Kỳ Cùng, trong đó có nhiều người mới ở độ tuổi mười chín, đôi mươi.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 12

Còn Trung tướng Dương Công Sửu (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 Đặc công; nguyên Phó tư lệnh Quân khu 1) chia sẻ, sau cuộc chiến bảo vệ biên giới chúng ta với tinh thần "bán anh em xa, mua láng giềng gần", Việt Nam - Trung Quốc đã mở rộng quan hệ, hợp tác cùng phát triển.

Từng được giao trọng trách Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn (từ năm 1990 đến năm 1999) với nhiệm vụ đảm bảo phòng thủ biên giới, Trung tướng Dương Công Sửu cho biết, trong khoảng thời gian này người dân 2 nước bắt đầu tổ chức thăm người thân, giao lưu văn hóa, xuất nhập khẩu hàng hóa.

"Nhờ vào kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã có những bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc, đời sống người dân ngày càng ổn định", Trung tướng Sửu bộc bạch.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 13

Từ năm 2000 đến năm 2010, Trung tướng Dương Công Sửu được cấp trên điều động giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 1 và nhận nhiệm vụ cắm mốc biên giới Việt Trung. 

Nhớ lại câu chuyện về việc cắm mốc biên giới, ông kể, sau khi bình thường hóa quan hệ, việc đàm phán về biên giới đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc đã đi vào những vấn đề cụ thể, quyết tâm cao.

Tháng 10/1993, 2 nước ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, Hiệp ước về biên giới đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã được ký kết (gọi tắt là Hiệp ước 1999).

Theo Hiệp ước, hướng đi của đường biên giới được mô tả từ Tây sang Đông, có bản đồ tỷ lệ 1/50.000 đính kèm; hai bên thống nhất giải quyết 289 khu vực trên đường biên giới có nhận thức khác nhau theo con số cụ thể: Khoảng 114,9km2 thuộc về Việt Nam, và khoảng 117,2km2 thuộc về Trung Quốc.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 15

Sau khi Hiệp ước 1999 có hiệu lực (tháng 7/2000), Việt Nam và Trung Quốc thành lập 12 nhóm liên hợp, tiến hành phân giới cắm mốc theo phương pháp song phương.

Ngày 27/12/2001, hai bên cắm mốc quốc giới đầu tiên tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) và Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Sau đó, hai bên thỏa thuận phân giới cắm mốc theo hình thức "cuốn chiếu" từ Tây sang Đông, làm đến đâu xong đến đó, dứt điểm từng đoạn.

Đến ngày 31/12/2008, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ của Việt Nam và Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ của Trung Quốc cùng nhau ra Tuyên bố về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đúng thời hạn mà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước đã đề ra. 

Sau 8 năm vừa đàm phán vừa thực hiện phân giới cắm mốc, hai bên đã phân giới xong toàn bộ khoảng 1.400km đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, cắm 1.971 cột mốc (trong đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ).

Trung tướng Dương Công Sửu đánh giá, việc hoàn thành phân giới cắm mốc đã mở ra trang sử mới trong mối quan hệ giữa 2 nước. Hai bên đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của mỗi nước trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, việc hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc những năm qua đã phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ,... cũng đạt nhiều thành quả quan trọng.

"Những chuyện đã đi vào lịch sử chúng ta vẫn phải nhắc lại để thấy rằng không có gì khác ngoài hòa bình, hợp tác, cùng nhau phát triển", Trung tướng Dương Công Sửu nhấn mạnh.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 18

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc dần được khôi phục, ngày càng mở rộng, phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương. 

Về thương mại, năm 2000, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước mới ở mức khiêm tốn, chỉ đạt 2,5 tỷ USD; đến năm 2008, sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 20,18 tỷ USD (tăng hơn 530 lần so với năm 1991 khi hai nước bình thường hóa quan hệ). 

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2024 đạt hơn 205 tỷ USD. Với kết quả này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD.

Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 144 tỷ USD, tăng tới hơn 30%.

Gác lại quá khứ, cùng nhau phát triển - 19

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta khi chiếm đến 26% kim ngạch xuất nhập khẩu. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đa dạng, phong phú từ nông sản đến nguyên phụ liệu, hàng điện tử, hàng tiêu dùng…

Những năm gần đây, dù bối cảnh thương mại toàn cầu ảm đạm nhưng tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tăng mạnh. 

Việt Nam - Trung Quốc đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" (năm 1999) và tinh thần "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" (năm 2005).

Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.

Việt Nam - Trung Quốc đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác song phương các cấp, từ trung ương đến địa phương,... ký kết nhiều văn kiện quan trọng.

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc dần được khôi phục, ngày càng mở rộng, phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương. 

Năm 2004, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cho đến nay, Trung Quốc liên tục 20 năm liền (2004-2024) là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trên thế giới. 

Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc trên thế giới xét theo tiêu chí các quốc gia đơn lẻ.

Nội dung: Nguyễn Hải, Hải Nam

Thiết kế: Thủy Tiên