(Dân trí) - Trở về từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 46 năm, hai cựu chiến binh ở Đông Triều, Quảng Ninh được nhiều người biết đến bởi làm vườn giỏi cho thu nhập cao, có người đã thành đại gia.

Những ngày đầu tháng 2, khi thời tiết miền Bắc đang chìm trong những đợt rét đậm, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Sinh (65 tuổi, ở xã An Sinh, TP Đông Triều, Quảng Ninh) để nghe người cựu chiến binh này kể về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 46 năm và chuyện làm vườn cho thu nhập cao.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang tại thôn Bãi Dài, xã An Sinh, bên ấm trà vừa pha nóng hổi để xua tan đi cái rét tê tái, ông Sinh kể, ngày 17/2/1979, quân đối phương đã nổ súng đổ bộ sang nước ta, sau đó ít ngày địa phương thực hiện lệnh tổng động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.
Ông nhớ như in ngày 10/3/1979, đó là ngày thanh niên ở địa phương nô nức lên đường nhập ngũ để sẵn sàng ra chiến trường tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Lúc đó tại sân vận động của huyện Đông Triều (nay là TP Đông Triều) có khoảng 600 người, chủ yếu là thanh niên trẻ, nhưng có cả những người lính từng tham gia các cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước cũng lên đường cho chiến trường phía Bắc.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sinh lúc đó mới 19 tuổi, lần đầu mặc áo lính với khí thế sục sôi được lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
"Lúc đó chúng tôi huấn luyện ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh khoảng 1 tháng, rồi đi ra Cái Dăm của phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh huấn luyện thêm 2 tháng. Sau đó đơn vị chúng tôi hành quân vào đặc khu của ta ở huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh để phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc", ông Sinh kể.

Đơn vị của ông Sinh nhập ngũ có tên là Đội cảnh vệ đặc khu, sau này thành lập lấy tên hiệu là D50. Nhiệm vụ của ông Sinh và đồng đội là bảo vệ cấp trên đi tuần tra, kiểm tra ở các chiến trường.
Trong cuộc chiến trên, khi lực lượng của ta bắt được quân tình báo của địch, đơn vị ông Sinh làm nhiệm vụ dẫn giải đi giam giữ.
Không trường kỳ chiến đấu giáp lá cà như các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, mà cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc quân đối phương chỉ ồ ạt đổ bộ sang nước ta một thời gian ngắn, còn lại chỉ đụng độ lẻ tẻ ở sát biên giới, ông Sinh kể.
"Riêng ở Quảng Ninh theo tôi nhớ chỉ có trận quân đối phương xông sang đất ta tấn công duy nhất đúng ngày 17/2/1979 tại Đồn biên phòng 209 Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh). Sau đó, tại Quảng Ninh chỉ diễn ra những cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa hai bên ở sát biên giới", ông Sinh nhớ lại.

Có lẽ vì mong muốn cuộc chiến sớm kết thúc, nên ông Sinh nhớ chi tiết từng ngày phục vụ quân ngũ tại đặc khu Quảng Ninh là 3 năm 11 tháng.
Đến khoảng tháng 2/1982, ông Sinh xuất ngũ trở về địa phương sinh sống. Biên giới Quảng Ninh lúc này đã ngớt tiếng súng, nhưng địa phương ông cũng như bao nơi khác đời sống nhân dân còn rất khó khăn.
Xoay sở đủ nghề để kiếm sống, cuối cùng ông Sinh xin vào làm công nhân tại Nông trường quốc doanh Đông Triều thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nông trường này chuyên sản xuất chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả như vải, na,…
Đến khoảng năm 1985, nông trường mở rộng địa bàn sản xuất, ông Sinh được giao nhiệm vụ bảo vệ khu đồi trồng mít gần nhà. Cũng trong năm 1985 ông xây dựng gia đình với người phụ nữ ở địa phương.
"Sau khi xoay đủ nghề kiếm sống, khi vào làm công nhân tại nông trường cũng cho tôi cuộc sống đảm bảo, đồng lương tuy không nhiều nhưng ổn định", ông Sinh chia sẻ.
Gắn bó với nông trường hơn 20 năm, đến năm 2006 đơn vị này mở rộng sản xuất, giao khoán đất đồi 50 năm cho công nhân, trong đó có gia đình ông Sinh.
Nhận diện tích đất đồi của nông trường, gia đình ông Sinh trồng các loại cây như vải, na, ổi,… cho thu nhập tăng lên. Ngoài ra, gia đình ông vẫn nhận hàng mẫu ruộng để cấy lúa trả công cho nông trường.


Đến khi về nghỉ hưu, ngoài tiền lương hưu ổn định sau nhiều năm cống hiến cho nông trường, diện tích đất đồi mà nông trường giao khoán 50 năm, ông Sinh tìm tòi canh tác đã cho thu nhập cao.
"Gia đình tôi đang có khoảng 1ha đất vườn trồng cây ăn quả. Tôi chủ yếu trồng giống na Đài Loan có giá trị cao. Ngoài ra, nhà tôi cũng trồng vải, ổi,… Thu nhập bình quân từ vườn cây này cũng được khoảng 25-30 triệu đồng/tháng", ông Sinh chia sẻ.
Từ người lính trở về với hai bàn tay trắng, sau nhiều năm làm công nhân nông nghiệp, cộng với đức tính chăm chỉ học hỏi, giờ đây ông Sinh đã trở thành ông chủ của khu vườn cho thu nhập cao.
Mỗi khi đến vụ thu hoạch cây ăn quả, gia đình ông Sinh đều mượn người địa phương đến làm, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Nhận xét về hội viên của mình, ông Bùi Quý Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Sinh, cho biết: "Khi xuất ngũ về địa phương, hội viên Nguyễn Văn Sinh rất tích cực tham gia các phong trào của hội, của địa phương. Trong sản xuất kinh doanh, hội viên Sinh cũng rất cực, mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, khi quả vải bão hòa đã chuyển sang trồng giống na Đài Loan, Trung Quốc cho thu nhập cao. Có thể nói, hội viên Nguyễn Văn Sinh là tấm gương sáng cho các hội viên khác học tập noi theo".

Cũng vào chiến trường trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng ông Nguyễn Văn Thái (60 tuổi, ở thôn Cửa Phúc, xã Việt Dân, TP Đông Triều, Quảng Ninh) nhập ngũ muộn hơn ông Sinh 6 năm.
Ngày 16/8/1985, ông Thái nhập ngũ vào Trung đoàn 41 thuộc Sư đoàn 395, đóng quân tại địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).
Đơn vị của ông Thái làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ của ta ở biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, thời điểm này hai bên chỉ diễn ra các cuộc đụng độ lẻ tẻ ở khu vực sát biên giới.
Mặc dù đối phương không cho quân không đổ bộ quân trực tiếp sang nước ta, nhưng nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ chốt điểm của quân ta hết sức quan trọng, theo lời cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái.

Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc lắng dần tiếng súng, năm 1988 ông Thái xuất ngũ trở về địa phương làm kinh tế rồi xây dựng gia đình.
Cũng giống như cựu chiến binh Nguyễn Văn Sinh, cuộc sống của gia đình ông Thái cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh của người lính được rèn giũa qua khói lửa của chiến tranh, ông đã tìm mọi cách để chiến thắng trên "mặt trận kinh tế".
Thế rồi không một ngày nghỉ ngơi, ông Thái bôn ba khắp nơi làm ăn, từ việc mua xe công nông làm gỗ xuất khẩu, làm thuê ở TP Móng Cái.
Mãi đến năm 1994 ông Thái mới tìm được hướng làm ăn ổn định cho thu nhập cao ở chính địa phương của mình.
Ông kể, năm 1994, sau nhiều năm bôn ba làm ăn có chút vốn liếng, ông dùng số tiền này mua 5ha đất đồi để làm vườn, trồng các loại cây ăn quả cho thu nhập cao như ổi, vải, na Đài Loan (Trung Quốc),…

Với 5ha đất đồi trồng cây ăn quả của gia đình ông Thái đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, có lúc cao điểm bình quân có khoảng 15-20 người làm việc cho gia đình ông.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái tiết lộ, với 5ha đất vườn, khi ổi, na… được giá cũng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, tổng cộng thu nhập của gia đình cũng lên tới trên dưới 1 tỷ đồng/năm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Việt Dân (Đông Triều, Quảng Ninh) nhận xét: "Ông Thái là một cựu chiến binh mẫu mực, gia đình ông rất gương mẫu. Ông ấy rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương".
Ngoài gương mẫu trong các hoạt động của hội cựu chiến binh, các phong trào của địa phương, ông Thái còn là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, được tặng thưởng giấy khen, bằng khen từ các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ninh, ông Cường cho biết thêm.
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND xã Việt Dân, năm 2023, ông Thái được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", giai đoạn 2020-2022.
Đưa ra nhận xét về hai cựu chiến binh tiêu biểu nói trên, ông Bùi Như Bắc, Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP Đông Triều đánh giá, ông Thái và ông Sinh đã lên đường nhập ngũ, trong thời gian trong quân đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà chỉ huy đơn vị giao cho.
"Khi xuất ngũ trở về với đời thường tại quê hương Đông Triều, hai cựu chiến binh này đã luôn phát huy tốt bản chất, truyền thống bộ đội Cụ Hồ, bản thân luôn tự rèn luyện, chấp hành tốt chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Ngoài ra, hai cựu chiến binh còn tích cực tham gia công tác tuyên truyền, thực hiện các cuộc vận động tới hội viên hội cựu chiến binh và nhân dân nơi gia đình đang sinh sống, cùng có tư tưởng tích cực học hỏi hăng say lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng", ông Bắc đánh giá.

Cũng theo Chủ tịch Hội cựu Chiến binh TP Đông Triều, trong những năm đầu gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn quả, ông Thái và ông Sinh đã đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương và được tham gia lớp tập huấn về cách làm vườn mang lại cho thu nhập cao, từ đó hai ông có thêm kiến thức để rút ra bài học kinh nghiệm.
Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường,… tư tưởng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sự liên kết của các hộ nông dân đang đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất hàng hóa.
Nhằm đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất không chỉ là giải pháp tối ưu để giải quyết những vấn đề trên mà còn là một yêu cầu tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp hợp tác xã phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, và trăn trở, nhằm phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế vườn, đến nay gia đình ông Sinh, ông Thái đã có thu nhập cao, được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị chức năng từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, đồng tình, ủng hộ cao.
"Với nghị lực của người lính trở về, ông Thái, ông Sinh đã gương mẫu, tích cực sáng tạo, đổi mới trong lao động, phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho hội viên, nhân dân làm giàu. Hai cựu chiến binh này thực sự là một nhân tố điển hình trong phong trào thi đua cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương", ông Bắc nhận xét.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa 46 năm, hai bên đã khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Trong những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc luôn xây dựng, duy trì mối quan hệ, thường xuyên được bồi đắp, nâng cấp, đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Từ đó, các hoạt động giao lưu nhân dân, giao thương hàng hóa giữa hai quốc gia ngày càng phát triển và đem lại nhiều kết quả tốt.
TP Móng Cái (Quảng Ninh) tiếp giáp với Đông Hưng là khu kinh tế của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Nhiều năm qua, hoạt động giao lưu nhân dân, giao thương giữa hai địa phương này rất sôi động, đi vào chiều sâu và thu được những kết quả tích cực.
Trên địa bàn TP Móng Cái hiện có Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (bao gồm cầu Bắc Luân I, Bắc Luân II) và được xác định là một trong những cửa khẩu biên giới quan trọng vào bậc nhất của Việt Nam.
Những lợi thế này đã đưa TP Móng Cái trở thành địa phương có mức luân chuyển hàng hóa lớn (kể cả đường bộ và đường thủy) và là trung tâm giao dịch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các tỉnh phía Nam, Trung Quốc như: Phòng Thành, Bắc Hải, Nam Ninh, Quý Châu, Hồng Kông, Hải Nam và nhiều khu vực quan trọng khác.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của TP Móng Cái, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.
Theo đó, TP Móng Cái được quy hoạch là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc).
Bám sát mục tiêu trên, thời gian qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc.
Với sự chủ động, tích cực, năm 2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã có số thu ngân sách lập kỷ lục và gia tăng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp.
Cụ thể, đơn vị trên đã thực hiện thủ tục hải quan cho trên 93.500 tờ khai với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt trên 4,55 tỷ USD (tăng 30% về tờ khai và tăng 25% về kim ngạch so với năm 2023), thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh cho 6,36 triệu lượt hành khách, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, trong năm 2024 có tổng số doanh nghiệp làm thủ tục là 1.350 doanh nghiệp, tăng 338 doanh nghiệp so với năm 2023. Tổng thu ngân sách đạt 2.350 tỷ đồng (đạt 145% chỉ tiêu được giao, tăng 55% so với năm 2024).
Bước sang năm 2025, ngay trong ngày đầu tiên hoạt động thông quan (ngày mùng 8 Tết), tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã có 96 xe hàng với 2.374 tấn hàng hóa, trị giá 2,3 triệu USD từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua lối mở cầu phao km3+4 Hải Yên.
Các mặt hàng xuất khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, gồm hải sản đông lạnh, hải sản tươi sống, hoa quả tươi và tinh bột sắn. Đây tiếp tục là tín hiệu vui báo hiệu những thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn TP Móng Cái ngay từ những ngày đầu năm mới.
Ảnh: Nguyễn Dương - Trung tâm TTVH Móng Cái
Thiết kế: Tuấn Huy