Ga Sài Gòn được đề xuất là đầu mối trung chuyển, có quảng trường hiện đại
(Dân trí) - Ga Sài Gòn được đề xuất xây dựng mở rộng trở thành đầu mối trung chuyển khách giữa đường sắt tốc độ cao, metro, xe buýt. Xây dựng thêm quảng trường lớn với nhiều dịch vụ hiện đại.
Vừa qua, ga Sài Gòn được đề xuất quy hoạch là đầu mối trung chuyển khách (đường sắt tốc độ cao, metro, xe buýt), xây dựng thêm quảng trường, bến xe buýt, taxi, bãi xe cá nhân… Nếu đề xuất này trở thành hiện thực thì ga Sài Gòn sẽ có một diện mạo hoàn toàn khác.
Ga Sài Gòn có diện tích khoảng 6,14 ha, nằm trên địa bàn quận 3 (TPHCM). Đây là ga cuối của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TPHCM, hoạt động với hai loại hình vận chuyển chính là chở khách và hàng hóa.
Theo đó, liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn - Đầu tư phát triển giao thông vận tải vừa có báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TPHCM gửi Cục Đường sắt Việt Nam. Qua đó đề xuất chọn phương án xây dựng ga Sài Gòn thành ga trung tâm hành khách của TPHCM.
Phương án xây dựng ga Sài Gòn được đề xuất với tổng diện tích ga dự kiến khoảng 6,85 ha, trong đó diện tích quảng trường ga là 2,3ha. Tại quảng trường có bố trí ga metro, bến xe buýt, taxi, bãi đỗ xe phục vụ việc thu gom và phân tán khách đi, đến ga khác.
Ngoài ra, khu vực xung quanh ga Sài Gòn cũng được đề xuất quy hoạch lại ba ga đầu mối khác. Trong đó, ga Bình Triệu (TP Thủ Đức), Tân Kiên (Bình Chánh) là nơi tập trung hành khách phía Bắc và Nam thành phố. Ga Thủ Thiêm (Thủ Đức) sẽ không tổ chức cho tàu khách Bắc - Nam mà là đầu mối của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt đô thị, cùng các loại hình giao thông công cộng khác với diện tích dự kiến là 17ha.
Trước đây ga Sài Gòn gốc do Pháp xây dựng tại khu vực đường Hàm Nghi nay là Trạm trung chuyển Hàm Nghi gần chợ Bến Thành (quận 1), được khánh thành năm 1885. Năm 1911 thì người Pháp cho xây dựng ga Sài Gòn mới ở vị trí ngày nay là công viên 23 tháng 9 và bến xe buýt Sài Gòn và hoàn thành vào tháng 9 năm 1915.
Năm 1978, thực hiện chủ trương chỉnh trang quy hoạch đô thị của Ủy ban nhân dân TPHCM, ga Sài Gòn dời về ga Bình Triệu, đồng thời nâng cấp, tu sửa ga hàng hóa Hòa Hưng cũ thành ga hành khách Sài Gòn ngày nay. Tháng 11/1983, ga Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động, khai thác.
Hiện tại, ga Sài Gòn có tổng diện tích khoảng 4ha, có nhà ga chính với hai khu vực quầy vé, khu vực đường ra cho tàu vào ga, phía trước có bãi đỗ xe máy và một phần cho ôtô.
Phía sau ga là khu vực tàu vào với 5 đường ra, bên trên có khu vực mái che. Ngay phía bên phải cổng chính ga là khu vực trạm vận chuyển hàng hóa.
Ghi nhận của PV Dân trí, hiện ga Sài Gòn vẫn hoạt động hàng ngày với khoảng 10 chuyến tàu ra vào ga, tuy nhiên vào những tháng giữa năm lượng hành khách khá thưa thớt.
Khu vực sảnh phòng vé thưa khách, khu vực sảnh vé ở lầu 1 không mở cửa vì hành khách ít, chỉ hoạt động ở khu vực sảnh dưới.
Mỗi ngày có 4 chuyến tàu đi từ ga Sài Gòn - ga Hà Nội và 4 chuyến ngược lại, một số chuyến đi về các tỉnh miền Trung.
Khu vực cổng chính vào ga Sài Gòn vắng vẻ, ít khách qua lại trong những ngày thường. Tuy nhiên vào dịp cuối năm, lượng khách đổ về ga trở nên đông đúc hơn nhiều vì nhu cầu về quê của người dân tăng cao.
Ga Sài Gòn hiện nay là ga cuối của tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, ga có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa là chính. Ga có ba ke nhưng chủ yếu tác nghiệp hành khách tại hai ke cạnh đường số 2 số 3, cạnh đường số 4 và số 5.
Hiện nay, ga Sài Gòn đang tổ chức chạy 11 đôi tàu khách/ngày đêm, dịp lễ, tết sẽ tăng cường thêm bốn đôi tàu khách/ngày đêm (tổng là 15 đôi tàu khách/ngày đêm).