Đường cong mềm mại của những tuyến đê di sản bao quanh khắp Hà Nội
(Dân trí) - Hệ thống đê điều đồ sộ của Hà Nội có tổng chiều dài lên đến gần 700km, các tuyến đê không chỉ làm nhiệm vụ chống lũ mà còn kết hợp làm đường giao thông.
Đê được đắp gần giống với hình dạng của dòng sông, ít đoạn thẳng, thường uốn lượn mềm mại, thay đổi hướng liên tục. Các tuyến đê được phân cấp cụ thể theo cấp độ quan trọng khác nhau, riêng Hà Nội có 627km đê được phân cấp. Trong ảnh là đoạn đê Hữu Hồng (Phú Thượng, Tây Hồ).
Hà Nội có 37,709km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt bảo vệ trực tiếp cho khu vực trung tâm thành phố. Tuyến đê Hữu Hồng địa phận quận Tây Hồ được Mang tên đường An Dương Vương.
Cận cảnh những đường cong mềm mại của đường An Dương Vương, là tuyến đê được phân cấp mức đặc biệt.
Ngoài Hà Nội, các tuyến đê ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận cũng đều là đường giao thông đông đúc. Trong ảnh là tuyến đê tả sông Hồng đi qua huyện Văn Giang (Hưng Yên) được phân cấp đê cấp 1, có chiều dài trên 11,1km.
Các đoạn đê cong mềm mại nhìn khá đẹp mắt, song nếu có nhiều điểm cong gấp lại không tốt để chống lại nước lũ.
Đê chủ yếu được đắp bằng đất, qua nhiều thế hệ được tôn tạo, gia cố song về cơ bản vẫn giữ hình dạng ban đầu. Ảnh chụp tại tuyến đê Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội) là đê cấp 2.
Với người sinh sống ở nơi có dòng sông chảy qua đều mang ơn những dải đê uốn lượn. Bao đời nay, con đê luôn bảo vệ những làng quê trù phú, giúp người dân có cuộc sống bình yên.
Đoạn đê Hữu Chấp bên sông Cầu (Bắc Ninh) với đoạn cong tuyệt đẹp đã trở thành điểm đến vui chơi của giới trẻ trong vùng.
Một đoạn đê thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) với những luống hoa đa sắc màu.
Đây là tuyến đê kiểu mẫu thuộc thôn Đại Phùng (Đan Phượng) được trồng hoa để xóa bỏ rác.
Hà Nội hiện có gần 627km đê được phân cấp, trong đó có gần 38km đê cấp đặc biệt, gần 250km đê cấp 1, 45km đê cấp 2, 72km đê cấp 3, 160km đê cấp 4, 62km đê cấp 5. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn 43 tuyến đê bao, đê bối, đê chuyên dùng với tổng chiều dài hơn 144km.
Giao thông tại tuyến đê sông Hồng cấp 2 thuộc địa phận huyện Phúc Thọ (Hà Nội).
Một đoạn đê thuộc địa phận xã Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội) nằm trong hệ thống đê sông Đáy.
Hệ thống đê điều là một di sản, ở miền Bắc đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ 6. Ban đầu chỉ là các bờ bao, bờ vùng phục vụ cho việc chắn nước cục bộ trong phạm vi hẹp của một khu vực dân cư. Ảnh chụp đoạn đê sông Hồng phân cấp 1, địa phận Hưng Yên.
Buổi chiều bình yên trên đoạn đường đê cấp 2 thuộc địa phận huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Triền đê cỏ mọc xanh rì thường là nơi chăn trâu, chăn bò, chăn dê... của người dân nông thôn từ bao đời nay.